Hạnh phúc: Đơn giản chỉ là vui cười, dắt tay nhau đi bán vé số

Mộc Cát,
Chia sẻ

Bạn không thể chọn được nơi mình sinh ra, không thể chọn cho mình một khuôn mặt xinh đẹp, thân hình lành lặn. Nhưng bạn hoàn toàn có quyền tìm cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Đôi vợ chồng mù bán vé số sau đây đã chứng minh điều này.

4 năm nay, người dân ở giao lộ Nguyễn Thượng Hiền – Nguyễn Văn Đậu (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã quá quen thuộc tiếng gậy tìm đường lộc cộc của đôi vợ chồng anh Nguyễn Trung Thành (SN 1983, quê Đồng Tháp) và chị Đinh Thị Mỹ Linh (SN 1976, quê Bình Định). Tiếng gậy ấy không chỉ là thanh âm xác định phương hướng trên con đường mưu sinh mà còn khiến cho cuộc sống của gia đình trẻ thêm phần ngọt ngào, bên cạnh tiếng cười lí lắc của cậu con trai nhỏ kháu khỉnh.

1
Gia đình vợ chồng mù bán vé số.

Hai số phận, một cơ duyên

Sinh ra vốn bình thường nhưng trong một lần sốt ác tính vào năm ba tuổi, chị Đinh Thị Mỹ Linh bỗng mất đi đôi mắt sáng. Kể từ đó, ba mẹ ruột xem chị như “cục nợ”, luôn phân biệt đối xử với những người con khác, thậm chí khi có người lạ đến chơi, họ cũng tìm mọi cách để giấu đi sự tồn tại của người con gái bất hạnh. Hơn ba mươi năm sống cảnh tủi hổ, đến năm 2011, chị Linh quyết định tự lập, rời Bình Định vào Sài Gòn tìm cho mình một chân trời mới. Mấy tháng đầu, chị đi học đấm bóp giác hơi, rồi theo chân một người bạn xuống Bình Dương hành nghề. Định mệnh dung ruổi sao khiến chị Linh chuyển qua Củ Chi làm nghề giúp việc nhà. Chính tại đây, chị gặp anh Nguyễn Trung Thành, một nửa hạnh phúc của cuộc đời mình hiện tại.

2

3
Cả anh Thành và chị Linh đều không bị mù bẩm sinh nhưng vì hoàn cảnh cuộc đời, họ phải sớm chịu cảnh xa rời ánh sáng.

Quệt vội giọt mồ hôi trên trán, anh Thành nhoẻn miệng cười: “Vợ chồng tôi có nhiều cái trùng hợp lắm. Năm ba tuổi tôi cũng bị bệnh bang đỏ. Nhà nghèo quá không có tiền chữa trị, để đến khi nặng nó làm mù luôn đôi mắt. Mấy năm sau thì mẹ tôi qua đời. Cha tôi vì buồn chuyện gia đình đâm ra đãng trí, rồi đi lang thang biệt tích luôn. Năm 2011, tôi bỏ quê lên đất Sài Gòn học nghề mát xa nhưng không thành công. Xin vào chùa ở nhưng chùa không nhận vì mình đã lớn tuổi, tôi lần mò xuống Củ Chi học đàn, rồi gặp bà xã ở đó”.

Những ngày mới gặp, hai người xưng chị em, vì chị Linh lớn hơn anh Thành đến 7 tuổi. Chỉ vài tuần lễ, cả hai nhanh chóng cảm mến nhau, rồi chuyển qua xưng “bạn – tui”, nhưng chỉ xác định “quen chơi”, vì “tui già hơn bạn quá trời mà” (chị Linh kể lại). 

4
Kể từ khi con trai ra đời, hai vợ chồng có thêm nguồn vui mới.

5
Đi bán vé số, cả hai cũng ẵm theo cháu bé.

Người phụ nữ 40 tuổi hài hước nói: “Lúc mới yêu mình “dại trai” lắm, thấy hắn túng thiếu tội nghiệp, không có xà bông gội đầu cũng xách qua đưa cho gội, không có tiền thì đem qua cho mượn. Rồi thấy không có khả năng trả lại cũng tự nguyện…cho luôn. Mấy tháng sau, trong một lần hai đứa lần mò bờ tường đi dạo, tự dưng hắn đứng lại nắm tay mình thật chặt, hỏi giờ lỡ mình thích bạn thì bạn có chịu lấy mình không. Mình bất ngờ quá, đẩy hắn cụng đầu vào tường. Về nhà kể lại, mấy đứa bạn cười ha hả”.

Chỉ vỏn vẹn có bốn tháng từ ngày quen nhau, đầu năm 2012, anh Thành và chị Linh quyết định tiến đến hôn nhân.

6
Khoảnh khắc hạnh phúc, vui vẻ của gia đình nhỏ.

Những tấm vé số dễ thương

Ít lâu sau khi lập gia đình, hai người quyết định dọn ra ở riêng, mướn nhà trọ trên quận Bình Thạnh để đi bán vé số. Số tiền kiếm được mỗi ngày không nhiều nhưng cũng giúp họ đủ ăn đủ mặc. Cuối năm 2014, tình yêu hai người kết trái ngọt khi chị Linh sinh được một bé trai kháu khỉnh. Họ đặt tên con là Nguyễn Đinh Trung Anh với hi vọng con sẽ là người ngay thẳng, sống quang minh chính đại, không lừa dối ai. Nhưng kể từ ngày sinh con, cuộc sống của họ trở nên chật vật hơn, khi ngoài tiền ăn còn phải lo tiền sữa, tả lót cho đứa bé. Không nao núng, vợ chồng anh Thành quyết định dọn trở ra ngoại thành để giảm tiền trọ, chấp nhận mỗi ngày bắt xe buýt từ xã Phú Hoà Đông, huyện Củ Chi lên trung tâm thành phố mưu sinh.

7
Hành lý của hai vợ chồng bán vé số là đồ đạc của con.

8
Anh Thành khoe chiếc vé đi xe buýt miễn phí của một người tốt bụng tặng.

Kể từ ngày ấy, gia đình nhỏ của anh Thành, chị Linh không rời nhau nửa bước. Đều đặn mỗi ngày, hai vợ chồng thức dậy lúc 5 giờ sáng, vệ sinh ăn uống cho con xong xuôi, cả ba dắt nhau ra bến xe buýt bắt đầu hành trình tìm sự sống. Sợ kẻ xấu bắt mất con, anh Thành và chị Linh quyết định chỉ bán ở góc đường quen, chấp nhận giảm xuống mỗi ngày bán 100 tờ vé số. Vì không thấy đường, cả hai lần mò phương hướng bằng một chiếc gậy nhỏ và bằng tiếng cười của cậu con trai mới vừa biết đi.

9
Rất nhiều người đến mua vé số ủng hộ hai vợ chồng.

10
Nét mặt vui mừng của người chồng khi có người mua vé số.

Xấp vé số của họ cứ tồn tại ngày này qua ngày khác ở góc đường Nguyễn Thượng Hiền – Nguyễn Văn Đậu bất kể nắng mưa. Ngày bán được nhiều thì ăn cơm gà, bán ế hai vợ chồng sẽ ăn rau, nhường cái trứng mua về cho đứa con trai. Dường như cậu nhóc hiểu được hoàn cảnh của cha mẹ nên rất dễ ăn. Chị Linh kể: “Mới 3 tháng đã cho con ăn bột, 6 tháng đã dầm cơm cho thằng nhóc ăn, vậy mà nó vẫn lớn cùi cụi. Nhiều lần vợ chồng cũng nản, nhưng cứ thấy nó cười là bao mệt nhọc tan biến”.

12
Đôi lúc họ mệt mỏi, choáng váng trên đoạn đường mưu sinh vất vả.

13
Nhưng tình yêu thương luôn giúp họ vững bước để đi đến điểm cuối cùng.

Tiếng cười của đứa con cũng là thứ khiến hai vợ chồng luôn hòa thuận, dù mỗi ngày họ chỉ kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng. Cuộc sống kham khổ là vậy nhưng cả hai nhất quyết không bỏ nghề, bởi những tấm vé số đã giúp vợ chồng chị thêm gắn bó, giúp bé Trung Anh có thêm hộp sữa, củ khoai, làm luôn đồ chơi bất đắc dĩ cho cậu nhóc những khi bán ế. Với người sáng mắt, vé số ẩn chứa những khao khát đổi đời, làm giàu. Còn với đôi vợ chồng mù lòa, đó lại là thứ keo kết dính hạnh phúc gia đình.
Chia sẻ