Hạnh phúc của vợ chồng hiếm muộn khi đón con đầu lòng ra đời nhờ mang thai hộ
Sau lời thông báo của hộ lý: “Thứ trưởng Tiến chuẩn bị trao bé cho người mẹ” cả căn phòng ồ lên trong sự sung sướng và hồi hộp. Người mẹ đứng bật dậy khóc nức nở trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Sáng nay (22/1) GS.TS Nguyễn Viết Tiến, thứ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ cho người mẹ mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương.
Khát khao có con gần 16 năm trời
Đúng 7h25 phút, hộ lý bước vào căn phòng chờ sau sinh thông báo thứ trưởng Tiến chuẩn bị trao em bé cho người mẹ. Lúc này trong phòng có khoảng 50 người, tất cả đều mừng rỡ đan xen sự hồi hộp. Người phụ nữ đặc biệt được chú ý nhất đó là chị Nguyễn Thị Mai (42 tuổi, quê Hà Nam) mẹ của đứa bé đã bật khóc nức nở đứng dậy mắt hướng về phía phòng mổ.
7h 27p Thứ trưởng Tiến tươi cười trong niềm vui sướng bế đứa bé trên tay, ông từng bước nhẹ nhàng như vừa đi vừa dỗ dành đứa bé.
Trao cho người mẹ của bé, ông tươi cười, ân cần, nói: “Đón con đi nào…bé khóc to, nặng 3,6kg…”.
Thứ trưởng Tiến đang đưa em bé từ phòng hộ sinh ra phòng chờ.
Liền sau đó thứ trưởng Tiến chúc mừng vợ chồng hiếm muộn và căn dặn, gửi gắm rất nhiều điều mà có lẽ người phụ nữ nào cũng đủ hiểu.
Ôm đứa con đầu lòng sau 16 năm chờ đợi, chị Nguyễn Thị Mai rưng rưng nước mắt tỏ lời cảm ơn Thứ trưởng cùng tất cả các tập thể y bác sỹ đã tận tình giúp đỡ gia đình.
Đứng sau người vợ đang ôm đứa con hạnh phúc trên tay, anh Trần Quang Anh (42 tuổi, cùng quê ở Hà Nam) không nói lên lời mà liên tục đưa tay lên lau nước mắt trong niềm hạnh phúc đón nhận lời chúc tụng từ những người xung quanh.
Chia sẻ với PV về cuộc hành trình để có được đứa con hạnh phúc như hôm nay, chị Mai cho hay: “Vợ chồng tôi chờ đợi 16 năm rồi, từng ấy năm là những ngày mong đợi. Niềm vui và hy vọng của vợ chồng tôi bắt đầu từ ngày nhà nước chính thức ra luật cho mang thai hộ. Cũng từ lúc đó vợ chồng tôi dừng tất cả mọi công việc mà toàn tâm toàn ý để có con".
Về những khó khăn và rào cản mà vợ chồng người phụ nữ này phải vượt qua ban đầu kể từ khi luật cho mang thai hộ chính thức được công nhận, chị cho hay:
“Ban đầu vợ chồng tôi rất khó khăn để tìm kiếm người phụ nữ đủ để tin tưởng, đủ điều kiện…cuối cùng chúng tôi quyết định chọn và được người cô họ năm nay đã 46 tuổi đồng ý. Kể từ những giây phút ấy, vợ chồng tôi bắt đầu cho bước ngoặt lớn của cuộc đời”.
Theo chị để đón nhận được đứa con như hôm nay, trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày, liên tục 24/24 vợ chồng chị phải bên cạnh người mang thai hộ và làm tất cả mọi công đoạn theo các yêu cầu của các bác sỹ chuyên khoa.
Hành trình đón nhận đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng hiếm muộn sau 16 năm chờ đợi nếm đủ mọi khó khăn vất vả và chị Mai cũng phải trải qua những thời khắc chẳng khác gì sự đau đớn của người mẹ vượt cạn thực sự.
Và, không còn bất cứ một rào cản nào khác, đúng 7h 27 phút, 22/1, vợ chồng chị Mai đã được nghe tiếng khóc chào đời của đứa con đầu lòng với niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Sau những giây phút hồi hộp chờ đợi và đứa con đã được ẵm trên tay vợ, anh Trần Quang Anh đứng ra hành lang với niềm hạnh phúc, anh chia sẻ với chúng tôi:
“Tuyệt vời, cuối cùng thì vợ chồng tôi đã có tất cả, gia đình tôi đã thống nhất đặt tên cho con là Trần Quỳnh Như. Chúng tôi cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm giúp đỡ để có kết quả như hôm nay…”.
Nguyễn Thị Tâm (người mang thai hộ) chia sẻ với chúng tôi vài lời về quá trình mang thai hộ và sự cho ra đời đứa trẻ tuyệt vời:
“Tôi hạnh phúc thay cho vợ chồng Mai, bởi vì mọi tư tưởng, tinh thần đã được chuẩn bị từ sẵn từ trước. Tôi như một thời gian đi khám bệnh được các bác sỹ và gia đình Mai chăm sóc vô cùng chu đáo. Sức khỏe của tôi đã ổn định, tôi cũng sẽ thăm mẹ bé như những người phụ nữ khác…”.
Tỷ lệ thành công đã đạt 50%
Ngay sau khi trao em bé cho gia đình chị Mai, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, người vừa trực tiếp mổ lấy thai ca sinh bằng phương pháp mang thai hộ, đã chủ trì cuộc họp báo và cho biết, ca mổ thuận lợi, không có những biến cố bất thường.
Thứ trưởng Tiến chủ trì cuộc họp báo
Trong quá trình mổ, tình trạng sức khỏe của người mang thai hộ bình thường, em bé có giới tính nữ, nặng 3,6 kg.
Hiện, cháu bé đã được đưa lên khoa chăm sóc sau sinh và người mang thai hộ được đưa về phòng hậu phẫu. Ca mang thai hộ này tuân thủ đầy đủ đúng như những quy định của pháp Luật.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, đến nay cả nước đã thu nhận được gần 100 hồ sơ xin được cho phép mang thai hộ. Tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản quốc gia (Hà Nội) đã có 60 hồ sơ được duyệt đủ điều kiện, trong đó đã thực hiện 46 ca. Tại Trung tâm hiếm muộn của bệnh viện TP.HCM cũng có 33 hồ sơ và đã thực hiện 19 ca.
Theo ông Tiến, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương tỷ lệ thành công sau khi thực hiện kỹ thuật này đã đạt được 50%.
Trứng của mẹ sẽ kết hợp với tinh trùng của bố nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, phôi sẽ được chuyển vào tử cung của người mang thai hộ và phát triển. Em bé sinh ra mang gen di truyền của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ
Đối với trường hợp mang thai hộ trên, bác sĩ thực hiện theo dõi và làm thụ tinh trong ống nghiệm cho biết, trong quá mang thai, người mang thai hộ sức khỏe tốt không mắc các bệnh ảnh hưởng tới thai nhi. Người mang thai hộ được mổ lấy thai ở tuần thứ 37.
Ông Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, Luật mang thai hộ là một trong những điều Luật mới mang ý nghĩa nhân văn cao, đưa lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình hiếm muộn.
Hiện cả nước có 3 bệnh viện Trung tâm được phép thực hiện hình thức này. Đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Từ Dũ. Bệnh viện Phụ sản Trung ương trong thời gian tới vẫn luôn có chủ trương chú trọng và thực hiện những mong muốn sinh con này của người dân.
Một số hình ảnh ghi lại khoảnh khắc khi đón em bé đầu tiên của bệnh viện Phụ sản Trung ương chào đời bằng phương pháp mang thai hộ.
Bé trong vòng tay của mẹ, cha và các bác sĩ
Vợ chồng chị Mai và anh Anh vui mừng hạnh phúc vì đã được chào đón đứa con đầu lòng
*Tên nhân vật đã được thay đổi