Hạnh phúc bữa cơm gia đình

,
Chia sẻ

Hạnh phúc gia đình thể hiện qua những điều nho nhỏ, bình dị và gần gũi như phút chuyện trò mỗi buổi sáng, cùng xem một bộ phim, hay đơn giản là cả nhà sum họp ăn một bữa cơm.

Bữa cơm là dịp cả gia đình đoàn tụ sau một ngày sống xa nhau, người lớn làm việc, trẻ em đi học. Hiện nay, có nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ ăn ở cơ quan, con lại ăn ở lớp học bán trú. Cả ngày chỉ đến buổi tối cả gia đình mới lại gặp nhau ở bữa ăn, chuyện trò hàn huyên, thông tin cho nhau về những sự kiện diễn ra trong ngày: con cái đi học điểm bài ra sao, bố mẹ ở cơ quan xí nghiệp có chuyện gì đáng lưu ý... Tất nhiên, lúc ăn không nên nói quá ồn ào... Nhưng rõ ràng bắt đầu bữa cơm là chuyện trò rộn rã và sau bữa cơm lại những câu chuyện dài hơn. Rồi sau đó con cái đi học bài, đi ngủ sớm, bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, xem ti vi mỗi người một việc.
 
Do vậy, nếu không có những phút tụ tập cả gia đình xung quanh mâm cơm thì họ chẳng còn lúc nào gặp đủ mặt nhau để hàn huyên. Cũng vì vậy đến bữa ăn, khi thiếu một thành viên nào, mọi người đều nhắc nhở, hỏi thăm lý do vì sao chưa về ăn cơm...
 

 
Và rõ ràng điều mà ta nhớ nhất khi xa nhà, lang thang trên đất khách, khi trưa đến hay chiều về, dạ dày cồn cào, thì không ai khác hơn nó, chính cái dạ dày bắt nhớ - dù ta không muốn nhớ - đến con cá bống kho khô, bát canh rau mồng tơi tôm ngọt, vị gạo thơm dẻo mẹ đã cho ăn ngày trước. Hình ảnh “khói lam chiều” trên mái tranh, bếp lửa vùi rơm trở nên biểu tượng hạnh phúc gia đình trong thi ca, nhưng nỗi nhớ tràn về chính từ khúc ruột, từ đáy lòng ấy.

Ai đi xa cũng phải nhận là nhớ nhà đi liền với thèm nhớ những món ăn mẹ nấu cho cả gia đình. Sự gắn bó yêu thương với người thân, với gia đình bắt đầu bằng những điều thật là cụ thể như thế của năm giác quan: vị mặn, cay, đắng, chát, ngọt ngào của thức ăn, chúng có sức giữ cho bộ nhớ giác quan linh động và có thể trở về sống động trong những lúc con người cô đơn hay thiếu thốn, chúng trào dâng trên chót lưỡi một thứ hoài niệm đầy ứ vật chất và tinh thần.

Bữa ăn gia đình Việt Nam là biểu tượng một lối sống đầy tình cảm với cách xếp chỗ ngồi quanh một mâm tròn, bát canh được đặt ở giữa mâm, với bát nước chấm chung, khác với cách “bày bàn ăn” của Tây phương, trọng cá nhân, phân chia rạch ròi từng phần ăn riêng rẽ, tuy cùng ngồi chung một bàn. Nhưng Đông hay Tây, sự cùng ngồi ăn vẫn được đánh giá là buổi họp mặt gia đình thú vị, đầm ấm nhất

Bữa cơm gia đình sao mà đầm ấm hạnh phúc quá. Bữa cơm đầy đủ vui vẻ đó cũng là một thứ hạnh phúc không thể thiếu sau buổi lao động mệt nhọc. Ngồi lại với nhau ăn cơm nhường nhau từ miếng ăn, gắp miếng ngon cho nhau thể hiện tình thương yêu chăm sóc vô cùng quý giá. Qua bữa ăn ta cũng đoán được sức khỏe mọi người, đoán được tâm lý riêng tư, biết được ước vọng và mong muốn về tương lai... và có những lời giải đáp thắc mắc hữu hiệu nhất cho con cái.

Bữa cơm ăn tại gia đình khác ăn ở khách sạn, hàng quán sang trọng hơn, đẹp đẽ nhưng trong nhà mình, khung cảnh sống quen thuộc, cách nấu ăn, món ăn quen thuộc lại tạo nên sự ấm cúng, thân thương đặc biệt.

Ngày nay, khi điều kiện sống khá hơn, mọi người ít thì giờ hơn vì bề bộn công việc, và nếp sống cũng đổi khác với ảnh hưởng của “fast food” Âu - Mỹ. Ăn dọc đường hay ăn cơm “take away” dần dần trở nên “mốt”, vừa nhanh vừa tiện. Nhưng hình như trong những lúc ăn như thế, con người như nuốt luôn cả sự lẻ loi, cô đơn vào trong dạ dày và gặm nhấm nó với thứ “stress” nặng nề khô cứng. Nhiều chứng bệnh đau dạ dày có lẽ đến từ những bữa ăn…thiếu chất thương yêu như thế.

Bữa cơm trong gia đình rất quan trọng với cả sức khoẻ thể chất và tinh thần mỗi người. Dù đang ở đâu, dù bận công việc gì, hãy luôn ghi nhớ trong tim: chỉ có bữa cơm gia đình mới nói lên lời trọn vẹn về hạnh phúc.

Hôm nay bạn sẽ về nhà sớm hơn…

 

Theo xitrum/mottramdo

Chia sẻ