Hàng triệu người Việt tuột mất ước mơ vì nhiễm virus viêm gan B
Không chỉ dừng lại ở những tổn thất về kinh tế, viêm gan B còn đang từng ngày đánh cắp đi ước mơ của hàng triệu số phận con người.
Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam là 1 trong những nước có tỉ lệ nhiễm virus viêm gan cao đáng báo động. Ước tính mỗi năm bệnh nhân phải chi trả 60-200 triệu đồng để chữa bệnh. Nhưng không chỉ dừng lại ở những tổn thất về kinh tế, viêm gan B còn đang từng ngày đánh cắp đi ước mơ của hàng triệu số phận.
Mắc viêm gan B và những dự định thành ra dang dở
Trong một nhóm kín của những người mắc viêm gan B, không ít những câu chuyện đau lòng đã được chia sẻ. Phần không nhỏ trong số đó nói về những "mất mát" tinh thần không gì đong đếm nổi khi tờ xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus viêm gan B.
Và rất nhiều những trường hợp khác thể hiện tâm trạng tuyệt vọng khi biết rằng mắc viêm gan đã ảnh hưởng đến công việc, dự định trong tương lai của mình như thế nào.
Một câu chuyện khác của bệnh nhân H.V.D (Hàm Yên, Tuyên Quang) cũng tương tự như thế: "Khi biết tin mình mắc viêm gan B, không được đi xuất khẩu lao động sang Nhật nữa, mình thực sự rất chán nản. Lúc đó không biết về bệnh nên nghĩ chắc chẳng sống được là bao nữa. Thế là 1 năm sau đó, mình chẳng làm ăn gì, chỉ chơi bời hưởng thụ".
Viêm gan B – Vì đâu nên nỗi?
Viêm gan B có con đường lây nhiễm giống với HIV nhưng khả năng lây lan của HBV (virus gây viêm gan B) được đánh giá là cao gấp 50- 100 lần virus HIV nếu không có biện pháp phòng ngừa.
Điều đáng nói là, căn bệnh này hiện chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Các phác đồ điều trị hiện nay chỉ có thể ngăn ngừa sự nhân lên của virus, ngăn chặn nguy cơ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan. Do đó, nhiều người nảy sinh tâm lý e dè, kỳ thị đối với người bệnh viêm gan B.
Viêm gan B dễ lây nhiễm hơn HIV dù có cùng con đường lây nhiễm
Theo như GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi (Chủ tịch viết phác đồ điều trị viêm gan B áp dụng toàn quốc) cho hay: "Những người không tiêm chủng ngừa virus viêm gan B là những đối tượng dễ bị viêm gan B tấn công khi tiếp xúc nguồn lây qua đường máu như dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn. Người mẹ có virus viêm gan B đang hoạt động mạnh, khi đứa trẻ sinh ra cần được tiêm huyết thanh trong vòng 24 giờ đầu tiên, đủ 3 mũi trong 6 tháng sau đó sẽ giảm tới hơn 90% nguy cơ lây lan viêm gan B từ mẹ sang con. Những mũi tiêm này có thể bảo vệ đứa con khỏi viêm gan B cả đời".
Những người không tiêm chủng ngừa virus viêm gan B là những đối tượng dễ bị viêm gan B tấn công khi tiếp xúc nguồn lây qua đường máu như dùng chung kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn.
GS.TS. TTND Nguyễn Văn Mùi cho hay
Ở người trưởng thành, khi nhiễm virus viêm gan B, có tới 80% tự hết bệnh, có kháng thể gọi là miễn nhiễm tự nhiên. Còn lại 20% sẽ chuyển sang viêm gan mạn tính, có nguy cơ xơ gan, ung thư gan.
Tuy nhiên, bệnh cũng không trầm trọng nếu bệnh nhân điều trị sớm và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đa phần người bệnh không bị ảnh hưởng học tập, sinh hoạt bởi virus viêm gan B. Người bệnh nếu tuân thủ tốt thì vẫn sống chung khỏe mạnh khi mang virus viêm gan B trong người đến hết đời.
Với tất cả những lý do đó, trước khi có cơ chế cởi mở hơn với người mắc viêm gan B, mỗi người bệnh cần nhận thức đầy đủ, điều trị đúng đắn và duy trì lối sinh hoạt khoa học để khống chế bệnh hiệu quả. Nên người bệnh cũng không cần quá lo lắng, chìa khóa vẫn sẽ là những kiến thức cần thiết trong phòng và điều trị bệnh, cũng như có những dự định phù hợp với hoàn cảnh sức khỏe của mình.