Hàng trăm cơ sở giáo dục tư nhân ở Bình Dương trước nguy cơ giải thể
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng trăm trường mầm non, nhóm trẻ và trung tâm ngoại ngữ ở Bình Dương phải đóng cửa. Không có thu nhập nhưng phải chi rất nhiều khoản phí như tiền mặt bằng, lương giáo viên khiến cho các cơ sở này đứng trước nguy cơ giải thể.
Trung tâm ngoại ngữ H 123 có 8 cơ sở tại Bình Dương. Để có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ tiện nghi, trung tâm được đầu tư xây dựng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Mới hoạt động chưa được bao lâu thì tháng 5/2021 đến nay, trung tâm phải ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 nhưng vẫn phải chi trả mỗi tháng hơn 1,2 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng và lương giáo viên. Để giúp học viên không quên kiến thức và duy trì hoạt động, trung tâm cố gắng duy trì học qua hình thức trực tuyến nhưng chỉ có 20-30% học viên tham gia.
Ông Ngô Tân Khánh Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ H 123 cho biết, sau nhiều tháng “cầm cự”, trung tâm đã sử dụng hết nguồn tài chính tích lũy. Giờ nỗi lo lớn nhất đối với trung tâm nếu không hoạt động trở lại là việc giữ chân giáo viên, nhân viên.
“Các nhân sự của H 123 đã chịu đựng việc giảm lương suốt 5 tháng nay, giờ các ngành nghề khác được mở cửa trở lại và họ đẩy mạnh tuyển dụng, tăng lương trong khi ngành mình chưa được mở lại nên giáo viên giỏi tiếng Anh, nhân sự có trình độ sẽ qua những công ty khác có điều kiện tốt hơn. Bởi mình đâu có trả lương được cho họ đâu mà giữ nên coi như ngành mình không thể giữ được người tài”, ông Ngô Tân Khánh Vĩnh cho hay.
Tương tự, hàng trăm trung tâm ngoại ngữ khác ở Bình Dương như: Trung tâm ngoại ngữ Saigon Vina, Trung tâm ngoại ngữ Yola, Anh ngữ Âu Châu... cũng đang gặp khó khăn khi ngưng hoạt động khá lâu. Dựa trên cơ sở nhu cầu học tập thực tế, biện pháp thích ứng an toàn phòng chống dịch, các trung tâm ngoại ngữ đã đồng loạt gửi kiến nghị lên Sở Giáo dục - Đào tạo, UBND tỉnh Bình Dương sớm có lộ trình cho phép được hoạt động trở lại. Họ cam kết sẽ tuân thủ các quy định phòng, chống lây lan dịch bệnh như các ngành nghề khác.
Đối với các trung tâm ngoại ngữ dù khó khăn nhiều bề song vẫn có thể cố gắng bám trụ bằng hình thức dạy trực tuyến nhưng đối với các trường mầm non tư thục thì rất khó khăn. Hiện, có 6 trường mầm non và khoảng 60 nhóm trẻ tư thục không chịu nổi phí thuê mặt bằng và các chi phí khác nên đã thông báo giải thể, trả mặt bằng.
Bà Phạm Thị Ngát, chủ nhóm trẻ Hoa Thủy Tiên, ở ấp An Thuận, xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương tâm sự, qua đại dịch này, nếu nhóm trẻ không phải thuê mướn mặt bằng có thể trụ vững còn những cơ sở phải thuê mặt bằng thì nguy cơ phá sản rất lớn.
“Ví dụ chủ nhà có giảm thì giảm ít trong khi đó mình nghỉ không thu nhập mà phải đóng tiền mặt bằng nên để duy trì rất khó. Trong khi đó có điều kiện hỗ trợ giáo viên thì còn giữ chân được giáo viên, mình không có hỗ trợ thì khó giữ chân nên khi hết dịch quay lại làm các nhóm trẻ cũng rất khó khăn”, bà Phạm Thị Ngát bày tỏ.
Để có thể cầm cự chờ cơ hội phục hồi các trường mầm non, nhóm trẻ mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Dương có chính sách hỗ trợ thêm cho đội ngũ giáo viên, đồng thời, có chính sách cho vay với lãi suất thấp để trả lãi, trả tiền mặt bằng, trả lương và lấy kinh phí hoạt động lại.
Trong khi ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Dương chờ tiêm phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em mới có kế hoạch cho học sinh quay lại trường thì các cơ sở giáo dục tư nhân này đang dần "kiệt sức". Do đó, các cơ sở này mong muốn trong điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát thì nên cho phép được hoạt động trở lại theo cam kết như các ngành khác để họ dần ổn định./.