Hàng Mã những ngày gần kề Trung Thu: Liệu có "dữ dằn" như lời đồn?
Nếu bạn đã ghé tới con phố Hàng Mã vào độ gần kề những ngày Trung thu chắc có lẽ sẽ nhận ra cái ồn ào, náo nhiệt, phồn hoa của nơi đây cũng chưa là gì so với sự gấp gáp, chộp giật bán hàng mà những người tiêu dùng đang gặp phải.
Lên Hàng Mã những ngày này khách hàng không có quyền mặc cả, bị hét giá, mua ít mà hỏi nhiều sẽ bị đuổi và việc chụp ảnh được coi là bất khả thi.
1. Khách hàng không có quyền mặc cả
Được coi là địa điểm vui chơi Trung thu chính của người Hà Nội, lại nằm tại trung tâm của con phố cổ nên Hàng Mã lúc nào cũng tấp nập, nhộn nhịp người mua hàng. Càng gần sát ngày tết Trung thu, lượng người đổ lên Hàng Mã càng đông đúc hơn. Có lẽ tại Hà Nội thời điểm này, chẳng có con phố nào có thể địch lại được sự tỏa sáng và ồn ã của Hàng Mã cả.
Tại Hàng Mã, bạn sẽ thấy cơ man toàn đồ chơi Trung thu đủ loại, đa dạng về mẫu mã và màu sắc. Từ các món đồ chơi cổ truyền như mặt nạ chú tễu, trống cơm, đèn ông sao, lồng đèn, mặt lân, trống rước đến các món đồ chơi hiện đại như mặt nạ phát sáng, mũ đội đầu tạo hình công chúa, đèn bóng cầm tay, cánh tiên có đèn, đèn hình thú,…
Rất nhiều mặt hàng đồ chơi Trung thu tại Hàng Mã mà người tiêu dùng có thể lựa chọn. Ảnh: Scorpiot.
Nhiều người tiêu dùng Việt có tâm lý sợ mua "hớ giá" nên khi tới Hàng Mã vẫn thử mặc cả để bảo vệ túi tiền. Tuy nhiên, "đặc quyền mặc cả" dường như không có tác dụng trên con phố này.
Tại đây, người tiêu dùng chỉ cần mở miệng hỏi han rồi mặc cả đôi ba câu: nhẹ thì bị tỏ thái độ khó chịu, nặng thì bị xua đuổi rồi chửi bới ngay lập tức. Đặc biệt, với những trường hợp mua ít hoặc chỉ mua 1 món đồ chơi thì chủ cửa hàng mặc nhiên "quyền mặc cả" sẽ đơn phương được cắt bỏ ngay khỏi "gói dịch vụ tiếp khách".
Người tiêu dùng nên chuẩn bị sẵn tâm lý khi tới Hàng Mã năm nay sẽ không có quyền được mặc cả. Ảnh: Gia Đoàn.
Thái độ của người buôn bán ở Hàng Mã trước những thắc mắc của người mua hàng là sự bực dọc khó chịu, thậm chí họ sẵn sàng lớn tiếng xua đuổi khi khách hàng muốn biết thêm về giá của những sản phẩm. Những cái lườm nguýt sắc lẹm từ chủ cửa hàng khi nghe thấy khách hàng lên tiếng mặc cả khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra ái ngại.
2. Mua ít - hỏi nhiều, thứ nào cũng bị đuổi?
Thói quen của người tiêu dùng Việt là luôn hỏi rất nhiều khi mua hàng, và cái thói quen đó không sai vì người tiêu dùng có quyền được hỏi han sản phẩm trước khi mua. Thế nhưng tại Hàng Mã năm nay, điều này được coi là cấm kỵ. Những chủ cửa hàng tại đây không có thái độ tiếp đón nhiệt thành khi khách có hành động hỏi han quá nhiều và thậm chí là đuổi thẳng cổ khi khách báo chỉ mua một món đồ, kể cả đó có là khách "nói giọng miền khác" hay người đang muốn tìm hiểu đôi chút về văn hóa dân gian.
Những chủ cửa hàng tại đây không có thái độ tiếp đón nhiệt thành khi khách có hành động hỏi han quá nhiều. Ảnh: Gia Đoàn.
Đây là hành động bán hàng thiếu văn minh và lịch sự đang diễn ra thực tế ngay tại nơi được coi là trung tâm của Hà Nội. Nơi cái nét "thanh lịch" vốn được đặt lên hàng đầu giờ lại phai màu chẳng thấy đâu. Nếu ghé Hàng Mã thời gian này người tiêu dùng cần nắm giá thành một số sản phẩm chủ lực sau đây để khỏi phải hỏi han nhiều kẻo bị ăn chửi.
Cờ cầm tay truyền thống có giá 7.000 đồng. Ảnh: Scorpiot.
Đèn cù đèn ông sư: 39.000 đồng. Ảnh: Scorpiot.
Bộ cánh tiên có đèn giá 45.000 đồng. Ảnh: Scorpiot.
Lồng đèn quả bóng phát sáng có giá 35.000 đồng. Ảnh: Scorpiot.
Mặt nạ hình chú hề được sơn màu bắt mắt đang được bán với giá 70.000 đồng. Ảnh: Scorpiot.
Trống tiêu được bán với giá từ 75 - 95.000 đồng/1 chiếc. Ảnh: Scorpiot.
Các loại mặt nạ cỡ lớn được bán với giá 70.000 đồng. Ảnh: Scorpiot.
Đèn Trung thu có giá 20.000 đồng/1 chiếc. Ảnh: Scorpiot.
Các loại đèn bóng cầm tay có giá 37.000 đồng/1 chiếc. Ảnh: Scorpiot.
3. Phố đẹp nói "không" với... chụp ảnh
Khách hàng tới Hàng Mã với nhiều lý do, ngoài việc mua hàng họ còn muốn chụp vài bức ảnh kỉ niệm ở nơi được coi là lung linh nhất Hà Nội vào những ngày này. Thậm chí, nhiều người còn thuê cả ekip chụp ảnh chuyên nghiệp cốt mong có bộ ảnh để đời. Và đúng, nhiều bộ ảnh dưới nền xanh đỏ của đèn ông sao, của đầu lân, đầu sư tử bằng giấy kính trở nên thật sự huyền ảo.
Tuy nhiên năm nay mục đích này của nhiều người đang gặp phải khó khăn muôn trùng vì "lệnh cấm" được ban bố rộng khắp các quầy hàng. Việc đứng trước quầy hàng để có 1 tấm ảnh dường như trở nên bất khả thi, hoặc có chăng, được "thương mại hóa" với mức giá muôn trùng, từ vài chục đến cả... trăm nghìn.
Nhiều bạn trẻ lên Hàng Mã với mục đích chụp ảnh, lưu giữ lại kỉ niệm trong mùa Trung thu. Ảnh: Gia Đoàn.
Nhiều người còn đầu tư cả ekip, quần áo, make up đủ cả để mong có bộ hình "để đời" tại đây. Ảnh: Gia Đoàn.
Hoặc đơn giản chỉ là thích sản phẩm, đồ chơi Trung thu nào đó và muốn chụp hình lại làm kỉ niệm. Ảnh: Gia Đoàn.
Dọc con phố Hàng Mã không khó để bạn phát hiện ra các bảng hiệu cấm chụp ảnh, chụp ảnh phạt tiền, nếu vi phạm sẽ phạt gấp đôi,… mà các chủ cửa hàng viết to, ghi rõ treo ở chính giữa để đảm bảo khách mua hàng nào ghé tới cũng nhìn thấy được. Nhiều người hồn nhiên không nhìn thấy tấm biển hoặc cố tình đứng chụp hình mà không mua hàng sẽ được chủ cửa hàng ra tận nơi nhắc nhở, đe dọa hoặc đuổi đi.
Những biển cấm như thế này được nhìn thấy ở các cửa hàng dọc tuyến phố Hàng Mã. Ảnh: Gia Đoàn.
Không chỉ có một bảng cấm, mà là nhiều bảng cấm ở các góc khác nhau để người tiêu dùng "tiện nhìn thấy". Ảnh: Gia Đoàn.
Giá của những lần người tiêu dùng vi phạm được ghi trên bảng thông báo dao động từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/1 lần. Ảnh: Gia Đoàn.
Số tiền phạt cao gấp đôi thậm chí gấp 3-4 lần giá thành sản phẩm khiến nhiều người tiêu dùng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Tuy rằng vẫn biết chỗ để kinh doanh buôn bán, nếu để tình trạng lúc nhúc người chụp ảnh, quay phim sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng buôn bán của tiểu thương nhưng phải nhắc lại, không ai quy định họ được phép thu tiền cả? Một hai câu nhắc nhở thiện chí sẽ khác hơn rất nhiều so với bảng biểu cùng những cái dằn hắt. Hơn cả, Hàng Mã là địa điểm các bậc phụ huynh muốn đưa con cái tới để tận hưởng không khí Trung Thu, nên đừng khiến "thiên đường" trong mắt chúng trở thành cái gì đó thật đáng sợ.
Đến Hàng Mã là để vui chơi, mua sắm, tận hưởng cảm giác thoải mái và đón không khí Trung thu nhưng dịch vụ bán hàng và cách tiếp đón khách quá thiếu chất lượng đang làm Hàng Mã mất đi hình ảnh đẹp trong mắt người tiêu dùng. Khách hàng không phải những con cừu, và nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, cách kinh doanh bằng "vũ lực" như thế sớm muộn cũng sẽ khiến Hàng Mã trở thành con phố chẳng mấy ai còn muốn lui tới dịp Trung Thu.
Gợi ý một mẹo nhỏ mà những người tiêu dùng mách nhau khi tới Hàng Mã để "lách luật" cấm chụp ảnh chính là phải mua thật nhiều hàng. Bạn có thể mua vài ba món đồ chơi trước tiên rồi xin phép người bán hàng chụp ảnh sẽ làm cho họ hòa hoãn hơn trong vấn đề này. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần lưu ý khi chụp ảnh để không làm ảnh hưởng đến công việc bán hàng của các chủ sạp nếu không bạn lại sẽ tiếp tục bị đuổi đi.