Hàng loạt trường đại học top đầu công bố phương án tuyển sinh 2025: Có gì mới?

Đỗ Hợp,
Chia sẻ

Tính đến thời điểm này, hàng loạt trường đại học trong cả nước công bố phương án tuyển sinh 2025. Theo đó, nhiều trường đã công bố bỏ xét tuyển bằng học bạ hoặc giảm chỉ tiêu ở phương thức này.

Loạt trường đại học ở khu vực phía Bắc đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Trong đó, có nhiều trường top như ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Thương Mại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, , Trường ĐH Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân…

Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi Đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến giảm chỉ tiêu từ 50% xuống còn 40%; chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.

Ông Nguyễn Quang Trung - Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho biết, chỉ tiêu xét tuyển và các phương thức xét tuyển năm 2025 vẫn tương tự như các năm trước, không có biến động nhiều. Tuy nhiên, trường sẽ có sự điều chỉnh ở các tổ hợp xét tuyển để phù hợp với quy chế và bổ sung một số tổ hợp để tạo điều kiện cho học sinh.

Năm 2025, Đại học Kinh tế Quốc dân điều chỉnh chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT xuống còn 15%, giảm 3% so với năm 2024.

Với phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng, trường dành 83% chỉ tiêu; xét tuyển thẳng 2%. Ngoài ra, trường sẽ dùng 4 tổ hợp xét tuyển thay vì 9 tổ hợp như năm 2024, gồm A00, A01, D01, D07, không có chênh lệch điểm giữa các tổ hợp, không có tiêu chí phụ, các môn đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.

Theo đề án tuyển sinh năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội không phụ thuộc quá nhiều vào việc thi tốt nghiệp THPT. Việc giảm số chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cũng là nội dung nằm trong đề án tổ chức thi đánh giá năng lực của trường.

Trong khi đó, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tuyển sinh năm 2025 như sau: xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển bằng học bạ THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; xét tuyển sử dụng kết quả thi tuyển sinh riêng của trường.

Năm 2025, trường Đại học Hà Nội duy trì ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2025, trường ĐH Sư phạm TP.HCM dừng phương thức xét tuyển học bạ. Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ thành phương thức tuyển sinh chủ đạo. Phương thức này bao gồm việc sử dụng 2 môn vào xét tuyển mỗi ngành, trong đó 1 môn chính được nhân hệ số 2 và 1 môn phụ không nhân hệ số. Ngoài ra, trường xét tuyển từ thi tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh một số ngành so với năm 2024 như Y học cổ truyền tăng 20%; Điều dưỡng tăng 10%. Dược học tăng 30%. Các ngành còn lại không tăng chỉ tiêu. Nhà trường thực hiện 6 phương thức xét tuyển trong năm 2025, bao gồm: kết quả thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy định của quy chế tuyển sinh; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; sử dụng phương thức khác.

Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) sẽ tuyển sinh theo 3 phương thức. Phương thức 1 là xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu). Phương thức 2 là xét tuyển bằng kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 (khoảng 40-60% tổng chỉ tiêu). Phương thức 3 là xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30-50% tổng chỉ tiêu). Bốn tổ hợp môn xét tuyển, bao gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Trường ĐH Công Thương TP.HCM tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt với Trường Đại học Sư phạm TPHCM để tuyển sinh. Cả 2 trường sử dụng chung kết quả kỳ thi để phục vụ cho công tác tuyển sinh. Sau khi có kết quả, thí sinh sử dụng điểm của 1 môn để gắn với kết quả 2 môn học bạ trong tổ hợp xét tuyển. Ngoài ra, nhà trường tuyển 20% chỉ tiêu từ học bạ; xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Năm 2025, trường ĐH Công nghệ TP.HCM không sử dụng phương thức xét tuyển học bạ theo 3 học kỳ, nhưng vẫn giữ phương thức xét tuyển học bạ theo tổ hợp 3 môn năm lớp 12. Trường cũng bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (kỳ thi V-SAT) để xét tuyển.

Trường có 4 phương thức tuyển sinh, gồm: xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025; xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12 với điều kiện nộp hồ sơ là tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (kỳ thi VSAT); xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2025 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.

Chia sẻ