Hàng loạt quốc gia tăng thuế với người độc thân, ngay cả đi ăn cũng không nhận được ưu đãi
Thuế độc thân ám chỉ tất cả chi phí phát sinh mà những người không kết hôn hay sinh con phải đối mặt như giá nhà ở, tiền điện nước, giải trí, ăn uống hay thậm chí là vé tàu xe.
Theo Eurostat, hộ gia đình một người không có con đã tăng 30,7% từ năm 2009 đến năm 2022 tại EU. Các hộ gia đình nhỏ nhất được thấy ở Litva, Estonia, Đan Mạch và Phần Lan, trong khi các hộ gia đình lớn nhất là ở Croatia, Slovakia và Hy Lạp.
Eurostat cũng nhấn mạnh rằng, vào năm 2022, loại hộ gia đình phổ biến nhất ở EU là hộ gia đình chỉ có một người lớn, chiếm khoảng 71,9 triệu hộ.
Tại Bỉ, một nghiên cứu gần đây của Cục Kế hoạch Liên bang nước này đã kết luận rằng hộ gia đình một người hiện chiếm đa số ở 90% tất cả các thành phố và đô thị, tăng gấp mười lần so với những năm 1990.
Còn tại một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,...tình trạng tỉ lệ sinh thấp đang được xem là vấn đề khẩn cấp quốc gia.
Từ đây, hàng loạt các chính sách như tăng lương, tăng mức hỗ trợ thai sản,...đã được nhiều nước áp dụng để hóa giải bài toàn dân số nhưng đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả rõ rệt. Thậm chí, tại châu Âu, một phương pháp mạnh mẽ hơn đã được triển khai đó là "thương cho roi cho vọt". Nếu bạn lựa chọn sống một mình có thể đồng nghĩa với việc phải chấp nhận trả một cái giá cao hơn so với khi kết hôn. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của một thuật ngữ mới là "singles tax" (thuế độc thân) hay "single penalty" (hình phạt độc thân).
Muôn vàn "hình phạt" với người không chịu kết hôn
Euro News giải thích thuế độc thân đơn giản dùng để chỉ tất cả chi phí phát sinh mà những người không kết hôn hay sinh con phải đối mặt. Còn Forbes định nghĩa thuế độc thân nói chung ám chỉ "gánh nặng tài chính mà những người độc thân phải gánh chịu, trái ngược với những người ở trong mối quan hệ hoặc đã kết hôn".
Thuế độc thân có thể ám chỉ là bất cứ điều gì từ lợi thế về thuế cho những người đã kết hôn đến cơ hội chia sẻ chi phí như tiền thuê nhà, tiền tạp hóa, tiền trả góp xe hơi, đăng ký kỹ thuật số, khách sạn...Điều này cũng khiến những người hiện đang trong mối quan hệ không hạnh phúc hoặc không lành mạnh phải suy nghĩ kỹ trước khi chia tay, vì họ có thể không tự tin vào khả năng tự nuôi sống bản thân.
Theo công ty tài chính và bảo hiểm Ocean Finance, những người độc thân ở Anh phải trả khoảng 3.195,24 bảng Anh (3.739,8 euro ~ hơn 100 triệu đồng) mỗi năm cho các khoản như tiền thuê nhà, thế chấp, tiện ích và nhiều thứ khác.
Theo OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), vào năm 2022, tại Bỉ, mức thuế đối với người lao động độc thân không có con là khoảng 53,0%, trong khi Đức là 47,8% và Áo là 46,8%. Pháp đánh thuế người lao động độc thân không có con là 47,0%, còn Ý áp dụng mức thuế là 45,9%.
Ngược lại, mức thuế của Bỉ đối với một công nhân đã kết hôn có hai con trung bình là 37,8% vào năm 2022, trong khi Đức đánh thuế họ ở mức 32,9% và Áo là 30,2%. Pháp đánh thuế họ ở mức 39,2%, còn Ý là 34,9%.
Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng ít quan tâm đến việc cấp các khoản vay và thế chấp cho những người độc thân, ngay cả khi họ có công việc ổn định, lương cao và khoản thanh toán ban đầu khá cho khoản thế chấp. Điều này có thể khiến mọi người khó có thể tự mua nhà.
Hóa đơn tiền tạp hóa cũng có thể cao hơn nhiều vì các mặt hàng được đóng gói theo khẩu phần từ hai đến bốn phần, trong khi các gói sản phẩm cỡ gia đình như khoai tây chiên hoặc sô cô la cũng được đẩy lên thành gói đơn.
Khi đi ăn ngoài, những người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng được các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình.
Các chi phí giải trí khác như giấy phép truyền hình và các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix và Amazon Prime cũng sẽ đắt hơn. Các tiện ích như hóa đơn nước và năng lượng, có thể hoạt động theo mức giá cố định và chủ yếu tính đến hộ gia đình có hai người.
Tương tự như vậy, chi phí đi lại có thể tăng nhanh chóng, với những người không có người yêu không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận được các khoản giảm giá như thẻ tàu Two Together ở Anh. Điều này cũng áp dụng cho khách sạn và các hoạt động nghỉ lễ khác, với một người đi một mình sẽ bỏ lỡ các khoản giảm giá đáng kể cho nhóm.
Ocean Finance ước tính rằng những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh (6,4 triệu đồng) mỗi tháng cho các hóa đơn - bao gồm cả nhà ở - so với khi họ có một người lớn khác để chia sẻ chi phí. Tương tự như vậy, họ chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, thêm 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và thêm 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký.
Có nên bình đẳng với người độc thân?
Khi số lượng người độc thân tăng lên, các tổ chức đấu tranh cho sự đối xử bình đẳng của họ cũng xuất hiện.
Carla Dehonghe, một chính trị gia Bỉ đã lên án sự phân biệt đối xử xã hội đối với những người độc thân không có con, đặc biệt là khi nói đến thuế.
"Nhiều người trở nên cô đơn do hoàn cảnh thay đổi như ly hôn, góa phụ, góa vợ, gia đình chỉ có cha hoặc mẹ... Trong khi đó, gia đình cổ điển với cha mẹ và hai con vẫn là chuẩn mực trong mắt các nhà hoạch định chính sách. Điều này dẫn đến các biện pháp bất lợi cho những người độc thân, về thuế, nhà ở và nhiều thứ khác", bà Carla Dehonghe cho hay.
Dehonghe đã mang đến một số thay đổi tại chính thành phố của mình, nơi hội đồng gần đây đã bỏ phiếu nhất trí thông qua một hiến chương nhằm mang lại những thay đổi toàn diện hơn về mặt xã hội, nhà ở và cộng đồng. Bao gồm tạo ra nhiều không gian chung hơn để những người độc thân có thể giao lưu xã hội, nhà hàng có bàn ăn chung và nhiều điều khác nữa.
"Các chính sách không nên thiên vị hay trừng phạt, và đối xử bình đẳng với mọi lối sống", Dejonghe nói.
Song, bà Dejonghe tin rằng đã đến lúc chôn vùi sự sáo rỗng của những người độc thân hạnh phúc trong Sex and the City. "Nhiều người sống trong các hộ gia đình độc thân một cách không tự nguyện. Mẹ tôi là một góa phụ, và bà chưa bao giờ có ý định sống một mình".
Theo chuyên gia trị liệu về hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động của thuế độc thân có thể vượt xa gánh nặng tài chính.
Thuế độc thân có thể gây ra những hậu quả vượt ra ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và khả năng ra quyết định của mọi người.
"Nhiều người tự hỏi liệu họ có đủ khả năng sống độc thân, cả về mặt tài chính lẫn tình cảm, trong một thế giới mà chi phí sinh hoạt một mình có vẻ đắt đỏ", bà Cress nói.
Chưa hết, thuế độc thân có thể khiến người sống một mình cảm thấy bị cô lập và kỳ thị về mặt xã hội. Nguyên nhân là xã hội có xu hướng coi trọng hơn các mối quan hệ lãng mạn và gia đình, khiến những người độc thân cảm thấy bị thiệt thòi. Bà Cress cho biết: "Kết quả là những cá nhân này có thể trải qua cảm giác bất lực hoặc không xứng đáng vì chuẩn mực cho rằng hạnh phúc và sự viên mãn chủ yếu đạt được thông qua các mối quan hệ lãng mạn".
Theo Euro news, The Parliament