Hàng giò chả 30 năm không dành cho người bận rộn, khách "đội mưa" xếp hàng nườm nượp
Những câu chuyện về hàng giò chả này vẫn là một ẩn số với nhiều người.
Đi qua đoạn Hàng Vải vào mỗi giờ sáng hay cuối chiều, không ít người phải ngoái lại nhìn khi thấy những hàng xe dựng kín ở một ngôi nhà cuối phố. Bên trong, dòng người xếp hàng ngay ngắn, nhích từng bước một, dường như đang chờ mua một thứ gì đó. Đỗ lại ngay đối diện thì mới thấy một chiếc biển màu xanh to, lấp ló sau tán cây đề tên giò chả Hường Sự.
Có người đã “ghim” tên này rồi về tra thử, muốn xem liệu ở đây có loại giò chả độc đáo hay đặc sản vùng miền nào chăng? Thế nhưng, kết quả nhận được chỉ là một vài dòng giới thiệu, hai ba chiếc ảnh, được chép đi chép lại từ bài này sang bài khác.
Điều này không khỏi khiến người ta đặt nghi vấn, cớ sao mà một cửa hàng nằm ngay giữa phố cổ - trung tâm của tinh hoa ẩm thực Hà Thành, hằng ngày tiếp một lượng khách đủ lớn, mà tìm những thông tin cơ bản nhất lại khó đến như vậy?
Cửa hàng không bán cho người bận rộn
Để thỏa trí tò mò của giới “sành ăn”, chúng tôi đã cất công tới tận nơi, hòa mình vào dòng người xếp hàng mua giò chả. Nhìn vào bên trong, gian nhà tầng 1 tương đối rộng rãi, song chỉ kê một chiếc bàn dài gần bằng cánh cửa. Trên đó bày cơ man nào là các loại chả, giò, nem chua, nem thính, bánh bao, bánh dày giò…
Ngoài chăm chú nhìn dao, thớt và thoăn thoắt lấy đồ, cô chủ cũng không quên lắng tai nghe, ghi nhớ xem khách gọi loại nào và muốn thái ra sao. Thi thoảng lại nhắc nhở con gái đứng kế bên về yêu cầu của từng người mua.
Suốt mấy tiếng không ngơi tay nhưng dường như trên gương mặt không có dấu hiệu của sự mệt mỏi, lúc nào cô cũng ân cần hỏi han mọi người. Chẳng thế mà có một vị khách đã chia sẻ rằng: “Tôi thích đứng ngắm cô thái chả, không vội thì xếp hàng lâu một chút cũng chẳng sao. Nhìn cô vừa tập trung, vừa tỉ mỉ mà cũng cực kỳ thuần thục, tôi rất ngưỡng mộ”.
Thi vị lên thì như lời vị khách nói trên, nhưng còn với những người đầu tắt mặt tối, đi làm 8 tiếng mỗi ngày mà muốn thưởng thức được món giò chả ở đây, chẳng khác nào một “trận chiến”. Chia sẻ của một người lỡ "nghiện" giò chả ở đây:
“Đi làm trước 7 giờ thì cô chưa mở cửa, chiều về mở đến 7 rưỡi tối nhưng mọi người đi lúc 5 giờ chiều đã mua hết loại muốn ăn rồi còn đâu. Có hôm tôi phải xin phép đi muộn trước để đợi 8 giờ sáng cô mở cửa là sà vào tranh ngay 50 ngàn chả mỡ”.
“Nhà tôi và nhà cô chủ quán là chỗ quen biết, tôi ăn từ lúc còn học cấp 1 Hồng Hà. Trước mẹ tôi hay canh giờ vắng hơn để không phải đợi lâu. Nhưng có hôm tôi đi làm về đúng giờ cao điểm, kể cả bước vào chào cô trước thì cũng phải ra xếp hàng cho tử tế rồi chờ đến lượt, chen ngang là cô nhắc nhở ngay”.
Miếng chả mỡ không có vân hoa
Trên chiếc bàn dài của cô chủ quán có không ít loại chả như chả mỡ, chả cốm, chả cá hay giò, nem chua, nem thính… Trong số đó, thứ gây ấn tượng và lúc nào cũng hết đầu tiên chính là chả mỡ.
Bà Hải - một vị khách lâu năm nhận xét: “Không giống như hầu hết các hàng gắn liền với cái danh Ước Lễ, chả nướng nhà Hường Sự có màu sẫm hơn, gần như chuyển sang cam nâu, thay vì màu vàng thường thấy”.
“Tôi thì không rõ về cách làm nhưng có thể cảm nhận được, miếng chả mỡ cả tảng, được chiên rất kỹ, già dầu nên phần mỡ thái viên chẳng những đã chuyển sang trong suốt, mềm mại mà còn mang tới một mùi thơm nhất định”.
Chưa hết, “khách ruột” còn chỉ ra thêm một đặc trưng, để phân biệt với các hàng khác. Rằng, nếu nhìn kỹ, những miếng mỡ hòa cùng lớp thịt của chả ở đây không hề tạo thành đường vân hoa vốn được coi là “tiêu chuẩn” của chả mỡ truyền thống.
Thấy các cô xin mua miếng chả ở phía rìa, lấy được cả phần vỏ cháy, người viết cũng gọi theo. Mang ngay về nhà, bày ra đĩa, cảm giác đầu tiên khi xắt miếng chả là dẻo vô cùng, vỏ có hơi dai nhưng không bở nên không hề bị tách lớp. Cắn một miếng, hương thơm béo của thịt và mỡ ứa ra, ăn cùng với cơm nóng rất đưa miệng.
“Giò, chả mỡ, chả cốm, mắm tép, bánh gio, nem chua, chân giò muối… Cô bán nhiều thứ lắm, mà cái nào cũng ngon. Chả mỡ không đầu đỉnh bằng tay nghề của cô Hường. Nhưng chả cốm cũng dẻo thơm mùi thịt và cốm mới chứ không cứng. Chả ở đây nhà tôi có thể ăn cả ngày, sáng bánh dày kẹp chả, trưa bánh mì kẹp chả, tối ăn cơm trắng với chả, combo như vậy là có một ngày tuyệt vời”, chị Hà đi đón con tan học về, tiện mua chả cho bữa tối.
Cửa hàng không nhận ship dù nhiều người ở xa muốn thử
Một điều đặc biệt nữa của cửa hàng này là không nhận ship lẻ tẻ. “Kể cả Tết, muốn mua giò chả hay nem chua, nem thính cho nhà ăn, cứ ra chỗ cô, có hết, không phải lo”, cô Hường nói khi có người ngỏ ý đặt trước đồ, nhờ chuyển về nhà giúp.
Trong thời đại đến cái kim còn có thể đặt hàng qua mạng, nếu ai lần đầu nghe tới, hẳn sẽ vin vào lý do “hàng ở phố cổ nên kiêu kỳ như nhau ấy mà”. Tuy nhiên, nhìn vào cách buôn bán giản dị của cô chủ quán, thậm chí so về giá cả cũng ngang những hàng khác thì đâu phải như lời phán xét kia? Dường như, điều mà cửa hàng này mong muốn nhất là mời các vị khách của mình tới tận nơi, nhìn thử, ăn thử rồi mua về đúng loại mà họ thích nhất.
Thế cho nên, chiều chiều vẫn thường có những vị khách chạy xe máy ngược từ Nhân Chính hay Tôn Đức Thắng lên Hàng Vải. Và cũng có thể, vì hành trình mua được một miếng chả ở đây không dễ dàng nên người ta càng cảm thấy ngon miệng và trân trọng hơn.
Muốn ăn, chỉ có thể đội mưa đến tận nơi.
Phát triển “thương hiệu” riêng từ hương vị quê hương
Được biết, cô Hường cũng là con cháu của làng Ước Lễ nức tiếng Hà Thành. Theo dòng thời gian mà di chuyển ra phố cổ Hà Nội mưu sinh, mang theo công thức làm giò chả truyền đời.
Theo như nhiều người dân sinh ra và lớn lên ở “phố hàng”, từ nhỏ, họ đã quen thuộc với hình ảnh cô Hường bày chiếc mẹt với miếng chả vàng cam to bự ngay vỉa hè Hàng Vải. Sau hơn 30 năm, vẫn là hình ảnh người phụ nữ cần mẫn ấy nhưng khung cảnh đổi thay khá nhiều.
“Có thể bạn không tin, vỉa hè của cửa hàng bán đồ hầu đồng mà cô Hường ngồi ké để bán hàng trước kia chính là ngôi nhà hiện tại đấy. Nghe đâu cô mua lại với giá 9 hay 12 tỷ gì đó cơ. Căn nhà này rộng và dài lắm. Cô cũng đủ tiêu và dư dả nên cứ để một góc trước nhà bán hàng thôi, chẳng cần cho thuê mướn gì cả”.
“Cô Hường giờ bán vì đam mê thôi chứ con cái trưởng thành cả rồi, còn ngoan ngoãn, hay phụ giúp mẹ nữa”.
Những người hàng xóm hay các vị khách quen, mỗi người đến mua đều đem theo vài lời kể kèm sự ngưỡng mộ dành cho cô chủ quán giò chả. Tuy chưa rõ thực hư về giá trị của ngôi nhà phố cổ ra sao nhưng ý chí làm giàu từ tâm của chủ nhân hàng chả Hường Sự đã được chứng minh bằng chính sự yêu thích của mọi người.