Hang động tráng lệ trên đỉnh Trường Sơn vừa phát hiện đã bị xâm hại thô bạo
Mới đây UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình - nơi có hang Sơn Nữ vừa mới được phát hiện - đã phát đi văn bản “nghiêm cấm các tác động đến thạch nhũ tại các hang động trên địa bàn xã”.
Theo đó, trước vẻ đẹp kỳ vỹ của hang Sơn Nữ, ngay sau khi công bố những phát hiện đầu tiên, nhiều đoàn, chủ yếu là người dân địa phương kéo nhau vào xem hang Sơn Nữ.
Nhiều người đã vô tình ngồi lên thạch nhủ trong hang Sơn Nữ
Do không được hướng dẫn, cũng như không nắm bắt các kiến thức về thạch nhủ, nhiều người đã tác động thô bạo lên thạch nhủ, nguy cơ kiệt tác hàng triệu năm của thiên nhiên bị phá huỷ.
Theo ông Howard Limbert - Trưởng Đoàn thám hiểm của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, thạch nhũ, măng đá trong hang động là các thực thể rất mỏng manh. Thạch nhũ là một kiệt tác được tạo thành từ tinh chất của đá và nước trong thời gian rất dài, có thể là hàng trăm triệu năm.
Những tác động này có nguy cơ xoá sổ hang Sơn Nữ
Ông Howard Limbert nói ước tính cứ 10.000 năm thạch nhũ mới tăng 1 cm. Ở Việt Nam, quá trình này có thể nhanh hơn một chút do điều kiện khí hậu nhiệt đới, mặc dù vậy, thạch nhũ, măng đá phải mất một thời gian rất dài để tạo ra.
Trước hình ảnh một số người đứng, ngồi trên thạch nhũ trong hang Sơn Nữ được phát tán trên mạng xã hội thời gian gần đây, ông Howard Limbert cho rằng đó là những tác động thô bạo, gây hại đến thạch nhủ.
Chuyên gia Hiệp hội hang động Hoàng Gia Anh cũng mong muốn các đơn vị liên quan cần phải khảo sát chính xác, kiểm tra các yếu tố trong hang Sơn Nữ để xem liệu có khả năng khai thác du lịch hay không. Cùng với đó là kịp thời có biện pháp để bảo vệ hệ thống thạch nhũ trong hang động này.
Một khối thạch nhủ tráng lệ trong hang Sơn Nữ vô tình trở thành điểm đứng, ngồi để check in của du khách
Như Tiền Phong đã thông tin, mới đây tỉnh Quảng Bình công bố phát hiện thêm 1 hang động nguyên sơ, có vẻ đẹp tráng lệ nằm trên đỉnh Trường Sơn, thuộc bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.
Hang động dài hơn 1,5 km, nơi cao nhất của cửa hang khoảng 30 m, người dân địa phương tạm gọi là hang Sơn Nữ. Trong hang những khối thạch nhũ trắng chảy xuống, tràn ra như tấm lụa trắng khổng lồ mềm mại, lấp lánh.