Hàn Quốc khai trương khu tưởng niệm thảm họa Itaewon
Hôm nay (29/10) tròn một năm xảy ra thảm họa giẫm đạp kinh hoàng tại khu phố Itaewon, thủ đô Seoul của Hàn Quốc, làm 159 người thiệt mạng.
Một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đã được dựng tại khu vực này để tưởng nhớ tới những nạn nhân xấu số.
Tác phẩm mang tên "Con đường tưởng nhớ và an toàn" gồm 1 bảng hiệu tên tác phẩm, 3 bảng phát quang có những dòng miêu tả ngắn gọn về thảm kịch, các bức ảnh và nhiều đồ vật tưởng niệm được đặt dọc ngõ phố nơi xảy ra thảm kịch.
Để tưởng nhớ các nạn nhân người nước ngoài, dòng thông điệp sẽ được dịch sang 14 ngôn ngữ khác nhau trên bảng hiển thị. Ngoài ra, 2 biển báo bằng đá sẽ được đặt ở đầu và cuối ngõ phố để nhắc nhở du khách về thảm kịch và tưởng nhớ các nạn nhân.
Ông Lee Jeong-min - Cha của nạn nhân thảm kịch Itaewon: "Những người dân đến tưởng nhớ và sẽ duy trì con hẻm này như một không gian của ký ức và mất mát. Giờ đây, ngoài việc thương tiếc cho người thân đã khuất, chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của mọi người và biến nơi này thành một không gian an toàn. Khi đứng đây, chúng tôi dường như cảm nhận được con cái chúng tôi mỉm cười, bước đi vui vẻ trên phố nhưng cũng cảm nhận được những đau đớn mà chúng phải trải qua".
Nạn nhân Itaewon viết về thảm họa để chữa lành
Chị Kim Cho-long, 33 tuổi, đã đi chơi ở khu Itaewon vào dịp Halloween nhiều năm, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều người như thế trong dịp này năm ngoái. Đám đông chen chúc đến mức chị bị đẩy khỏi mặt đất, không thở nổi… Thế rồi một người bạn không biết bằng cách nào kéo được chị thoát vào một quán bar, trong khi nhiều người quanh chị bị đẩy vào con ngõ, nơi 159 người cuối cùng đã thiệt mạng.
Tình trạng hỗn loạn kéo dài nhiều giờ, khi đó chị Kim còn chưa biết chuyện gì đang thực sự xảy ra và chị đã cận kề cái chết đến mức nào.
Chị Kim Cho-long - Tác giả cuốn sách "Tôi là người sống sót sau thảm họa?": "Tôi đi ra phố, thấy nhiều người nằm trên đường đang được hô hấp nhân tạo. Các xe cứu thương đỗ lộn xộn, nhiều người đang được đưa đi, nhưng đến lúc đó tôi vẫn không nghĩ rằng tất cả những người đó đã chết".
Chị Kim đi bộ hàng giờ mới về đến nhà trong trạng thái sốc. "Tôi không ngủ được suốt 2 ngày. Như bị ám ảnh, tôi không thể ngừng xem tin tức trên TV. Tôi không ăn không ngủ, chỉ uống nước và xem tin tức".
Chị Kim là nhà văn. Chị bị dày vò vì cảm giác tội lỗi là mình đã sống sót, nên cuối cùng chuyên gia trị liệu đã gợi ý chị viết ra để làm sáng tỏ được các cảm xúc của mình. Khi đăng các bài viết trên diễn đàn kín thì chị nhận được các phản hồi tích cực, bao gồm từ những người cũng bị chấn thương tâm lý vì thảm họa Itaewon. Nhưng khi những gì chị viết được đăng công khai thì phản ứng của đại chúng lại rất tiêu cực. Chị nhận được nhiều lời xúc phạm cá nhân, đổ cho chị là hư hỏng và lẽ ra đã không nên đi chơi ở đó. Các gia đình nạn nhân Itaewon cũng nhận được những vụ tấn công trên mạng như vậy. Nhưng chị Kim không lay chuyển quan điểm.
"Tôi tin là tất cả các công dân đang sống ở Hàn Quốc đều là những người đã thoát được thảm họa Itaewon".
Chị Kim hy vọng cuốn sách của mình sẽ được dịch ra tiếng Anh để câu chuyện về các nạn nhân Itaewon được biết đến rộng rãi hơn nữa và chị sẽ còn viết tiếp để giữ cho những kỷ niệm về toàn bộ các nạn nhân còn sống mãi về sau…