Hàn Quốc bùng nổ vấn nạn mẹ trẻ đơn thân cho con nuôi: Góc khuất sau những số phận đáng thương

NAM ANH,
Chia sẻ

Nhiều người mẹ đơn thân ở Hàn Quốc không muốn bỏ con nhưng luôn vấp phải sự phản đối vô cùng gay gắt từ phía gia đình và cả mối lo xã hội kỳ thị.

Bộ phim tài liệu “Forget Me Not” của nữ đạo diễn người Đan Mạch gốc Hàn Quốc Sun Hee Engelstoft dường như khiến xã hội Hàn Quốc “sực tỉnh” khi những người mẹ trẻ đơn thân với nỗi lo sợ bị kỳ thị và những định kiến xã hội cay nghiệt đã phải từ bỏ con và cho làm con nuôi.

Mang theo máy quay phim đến trung tâm bảo trợ dành cho những bà bầu đơn thân trên đảo Jeju của Hàn Quốc, Sun Hee Engelstoft – nữ đạo diễn người Đan Mạch gốc Hàn Quốc - đã lên sẵn ý tưởng về một câu chuyện hạnh phúc truyền sức mạnh cho những người phụ nữ trẻ này, để thuyết phục họ giữ lại con.

Nhưng mọi chuyện không như dự liệu.

Góc khuất sau những số phận đáng thương

Cuối cùng, cô quyết định làm một bộ phim tài liệu thực tế về góc khuất của những số phận đáng thương ở đây. Đó là một nền văn hóa tình dục bảo thủ sâu sắc, luật đăng ký khai sinh lỏng lẻo và hệ thống nhận con nuôi hầu như đã được tư nhân hóa.

Khía cạnh được tập trung nhiều nhất là việc những người mẹ không muốn bỏ con nhưng luôn vấp phải sự phản đối vô cùng gay gắt từ phía gia đình và cả mối lo xã hội kỳ thị. Tất cả khiến những bà mẹ trẻ đơn thân bị áp lực, xấu hổ và từ đó quyết định từ bỏ con và cho làm con nuôi. Thực tế là những người mẹ không muốn bỏ con nhưng luôn vấp phải sự phản đối vô cùng gay gắt từ phía gia đình và cả mối lo xã hội kỳ thị.

Cú sốc và nỗi đau khi buộc phải chia ly với chính đứa con mang nặng đẻ đau và nỗi sợ hãi bị kỳ thị của những bà mẹ đơn thân được ghi lại trong bộ phim tài liệu có tựa đề “Forget Me Not”. Bộ phim đã khắc họa rõ nét và chân thực nhất về số phận những người mẹ đơn thân Hàn Quốc cũng như cho thấy rõ vì sao hàng nghìn người con nuôi Hàn Quốc khó kết nối lại với mẹ ruột của mình, nhiều thập kỷ sau khi được chuyển đến sống với những gia đình nhận nuôi ở phương Tây.

Những đứa trẻ được nhận nuôi, trong đó có Engelstoft, cáo buộc các giới chức liên quan hạn chế việc truy cập hồ sơ, giả mạo tài liệu để che giấu nguồn gốc thực sự của những đứa trẻ và cả sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan nhận nuôi và chính phủ Hàn Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Engelstoft cho biết: “Mỗi khi tôi bắt đầu cảnh quay với một người phụ nữ (ở trung tâm bảo trợ) hoặc theo dõi câu chuyện của người đó, họ đều nói rất muốn giữ lại đứa con. Nhưng điều đó không thể xảy ra. Tôi hoàn toàn kinh hoàng với kết cục đó”.

“Forget Me Not” được công chiếu tại các rạp Hàn Quốc vào tháng này, mở màn cho nỗ lực của chính người làm phim: có thể hiểu và thông cảm cho người mẹ ruột người Hàn Quốc của mình, người đã cho Englestoft làm con nuôi ngay sau khi sinh con lúc mới 19 tuổi.

Hàn Quốc bùng nổ vấn nạn mẹ trẻ đơn thân cho con nuôi: Góc khuất sau những số phận đáng thương - Ảnh 1.

Đạo diễn Sun Hee Engelstoft ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Những con số biết nói

Hơn 6.400 trẻ em Hàn Quốc được cho làm con nuôi ở nước ngoài vào năm 1982, chính là năm Engelstoft được đưa đến Đan Mạch. Tổng cộng, khoảng 200.000 người Hàn Quốc đã được nhận làm con nuôi ở nước ngoài trong suốt 6 thập kỷ qua (kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc từ năm 1953). Những gia đình nhận nuôi chủ yếu là người Mỹ và châu Âu.

“Forget Me Not”, được quay tại trung tâm bảo trợ Aeseowon của Jeju vào năm 2013 và 2014. Đạo diễn Engelstoft bày tỏ hy vọng bộ phim này sẽ góp phần đại diện cho tiếng nói của những người mẹ đơn thân, giúp họ tự tin chia sẻ những câu chuyện của mình. Bộ phim mở đầu với cảnh giám đốc của trung tâm này đọc cho Engelstoft nghe tờ giấy có chữ ký của mẹ ruột cô. Nội dung cho thấy, Engelstoft đã bị mẹ ruột từ bỏ ngay sau khi sinh và rằng người mẹ cũng cam kết sẽ không bao giờ tìm kiếm con.

Hồ sơ tài liệu này đã được lưu tại một trại trẻ mồ côi ở thành phố Busan, nơi Engelstoft được nuôi nấng trước khi công ty con nuôi Holt Children’s Services tìm được cho cô gia đình người Đan Mạch.

Engelstoft tin rằng, mẹ ruột mình là một trong số rất nhiều phụ nữ bị các công ty con nuôi buộc phải ký vào đơn từ bỏ quyền nuôi con ngay cả trước khi đứa trẻ vừa mới được sinh ra. Holt Children’s Services phủ nhận điều này, nói rằng, họ đã nhận Engelstoft từ trại trẻ mồ côi chứ không phải mẹ cô.

Hàn Quốc bùng nổ vấn nạn mẹ trẻ đơn thân cho con nuôi: Góc khuất sau những số phận đáng thương - Ảnh 2.

Một bức ảnh của Sun Hee Engelstoft, khi đó có tên gọi là Shin Sun Hee, trước khi được nhận nuôi. Ảnh: Korea Times

Việc đưa những đứa trẻ vào danh sách “bị bỏ rơi” hoặc “mồ côi” dù vẫn còn mẹ là để chúng dễ dàng được nhận nuôi và khó truy ra được nguồn gốc thật sự của các em. “Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu khi bị một công ty con nuôi mua đi bán lại và cha mẹ nuôi phải trả rất nhiều tiền vì tôi, và tôi muốn đảo ngược điều đó”, Engelstoft nói.

Nội dung bộ phim sau đó xoay quanh những bà mẹ trẻ ở Aeseowon. Tất cả đều được che mặt và lồng giọng để đảm bảo sự riêng tư cho họ. Họ làm việc nhà, chia sẻ những câu chuyện về những gã bạn trai tồi và nỗi đau khi sinh con. Họ thủ thỉ nói cười với con qua những bức ảnh siêu âm thai và cười khúc khích trong suốt buổi chụp ảnh khi mang thai.

Hàn Quốc bùng nổ vấn nạn mẹ trẻ đơn thân cho con nuôi: Góc khuất sau những số phận đáng thương - Ảnh 3.

Hình ảnh Sun Hee Engelstoft khi đến Sân bay Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Korea Times

Họ không bao giờ có thể tự quyết được

Đôi khi nhìn họ vẫn như bất kỳ thanh thiếu niên nào khác. Nhưng cuộc sống của họ bị phủ bóng u ám bởi những cuộc tranh cãi có nên giữ hay cho làm con nuôi, một quyết định trên thực tế là họ không bao giờ có thể tự quyết được.

Sau khi kiên quyết giữ con trong nhiều tháng, một cô gái 17 tuổi đành phải nghe theo cha mẹ vì họ nói rằng, những đứa bé không cha như thế này sẽ bị kỳ thị vì việc quan hệ tình dục trước hôn nhân là rất xấu xa. Ngay sau khi bị mẹ gây áp lực buộc phải ký vào đơn đồng ý cho làm con nuôi, các nhân viên của công ty Holt Children’s Services đưa đứa trẻ đến sân bay Jeju, rời đi. Một cô gái 17 tuổi khác bị trầm cảm sau khi cha mẹ cô lợi dụng hệ thống đăng ký khai sinh lỏng lẻo của Hàn Quốc (vốn rất dễ bị thao túng vì không yêu cầu đứa trẻ phải được đăng ký chứng sinh tại bệnh viện), phải khai con cô là con của họ. “Làm sao tôi và con có thể trở thành anh chị em?. Đó là con của tôi”, cô gái tự hỏi khi đi lang thang trong vô vọng trên đường phố.

Khi một cô gái 16 tuổi ngồi khóc trong căn phòng trống sau khi trao lại đứa con cho cha mẹ nuôi tại một bãi đậu xe, Engelstoft phải để máy quay phim xuống để an ủi cô ấy. “Khoảnh khắc đó giống như một điểm đột phá đối với tôi”, cô nói và cho biết thêm: “Tôi đã nỗ lực tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc và thấy các bậc cha mẹ luôn muốn điều tốt nhất cho con cái. Họ làm những gì họ tin là tốt nhất kể cả cha mẹ trong phim, cha mẹ nuôi của tôi và những người phụ nữ ở trung tâm bảo trợ”.

Lớn lên trong một cộng đồng người da trắng ở vùng nông thôn Đan Mạch, Engelstoft cho biết, cô “liên tục bị ám ảnh rằng không thuộc về nơi đó”. Người dân địa phương thường cố chạm vào mái tóc hoàn toàn khác màu của cô hoặc hỏi cha mẹ “thực sự” của cô ấy là ai. Cha mẹ nuôi đã hoàn toàn ủng hộ khi cô nói muốn tìm lại nguồn cội của mình. Họ đến thăm Hàn Quốc lần đầu tiên vào năm 2002 và theo lời kể của Engelstoft thì họ cảm thấy giống như “hạ cánh trên Mặt trăng”. Nhưng họ đã không thể tìm được mẹ đẻ cho Engelstoft. Holt Children’s Services không có nhiều thông tin.

Cảnh sát Busan sau đó tìm thấy 3 người phụ nữ trùng tên và tuổi với mẹ ruột của cô, trong đó một người thừa nhận đã từng bỏ một đứa trẻ cho làm con nuôi trước khi kết hôn và hiện đã có một đứa con nhỏ hơn Engelstoft 5 tuổi. Nhưng người này lại không muốn gặp Engelstoft, khiến cô bàng hoàng và đau đớn.

Với Engelstoft, quay phim giống như cuộc du hành thời gian. Cô xem những người phụ nữ ở Aeseowon như những phiên bản khác nhau của người mẹ ruột của mình, và họ coi cô như một phiên bản trưởng thành của những đứa con của họ. Cô đấu tranh để tìm câu trả lời khi họ hỏi liệu cuộc sống của cô có tốt hơn không.

Cô nói: “Tôi không muốn khuyên họ là nên giữ lại đứa bé hay từ bỏ nó và tôi thật sự đau đớn nhận ra điều đó. Những gì tôi có thể nói là tôi đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình để tìm kiếm mẹ ruột, trở lại Hàn Quốc và cố gắng khám phá những góc khuất của nó”.

“Mẹ tôi có thể nghĩ về điều này mỗi ngày và mỗi ngày có thể băn khoăn trong quyết định có nên liên lạc với tôi hay không”, nữ đạo diễn Engelstoft nói và cho biết: “Tôi có thể hiểu điều đó phải đau đớn như thế nào”. Cô cũng hy vọng xã hội sẽ xóa bỏ được những định kiến cay nghiệt đối với những người mẹ đơn thân và con cái của họ.

Theo SCMP, AP

Chia sẻ