Hạn chế sự xuất hiện, tác động tiêu cực của những nghệ sĩ ứng xử thiếu văn hóa

Thùy Chi,
Chia sẻ

Đây là chia sẻ của Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương tại chương trình tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ".

Phát biểu tại buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ", ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, quan điểm cá nhân ông về vấn đề ứng xử của các nghệ sỹ trên mạng xã hội rất được quan tâm những ngày qua là "không dùng từ phong sát, cấm sóng" bởi những từ ngữ này "không phù hợp" và "nặng nề".

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, chắc chắn sẽ có những biện pháp quản lý nhà nước để thanh lọc môi trường mạng, môi trường văn hóa nghệ thuật.

"Hiện tại, chúng tôi đang làm việc tích cực với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để ra một quy chế phối hợp nhằm ảnh hưởng sự tác động xã hội với những trường hợp không tuân thủ các quy tắc ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực. Biện pháp quản lý nhà nước là chắc chắn có. Hy vọng là có bộ quy tắc sớm hơn tháng 10", ông Trần Hướng Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, nghệ sỹ là danh xưng đáng trân trọng, người nghệ sỹ phải có ý thức giữ gìn hình ảnh của mình, tuân thủ quy định pháp luật và Bộ quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sỹ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục.

Trước đó, năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, yêu cầu nghệ sỹ tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; không được sáng tác, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc, gây tác động tiêu cực đến tư tưởng, thẩm mỹ của công chúng.

Không gian mạng là con dao hai lưỡi

Tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday" ngày 19/4 do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty cổ phần truyền thông Việt Nam Like và Công ty LeBros tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội với mong muốn lan toả thông điệp tới mọi tầng lớp người dân đặc biệt là giới trẻ Việt Nam cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội, để góp phần văn hóa ứng xử đẹp của xã hội.

Buổi tọa đàm đã ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó có cả các nghệ sỹ về câu chuyện đang rất nóng mấy ngày qua.

Hạn chế sự xuất hiện, tác động tiêu cực của những nghệ sỹ ứng xử thiếu văn hóa - Ảnh 1.

Nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros phát biểu tại tọa đàm

Theo nhà báo Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty LeBros, mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích nhưng song hành với đó cũng là những hậu quả khó lường. Trong đó nhiều người không kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình, dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội, vướng vào những tranh cãi không đáng có và bị những cảm xúc tiêu cực chi phối.

"Những người bình thường lên mạng xã hội bỗng trở thành những quan tòa, phán xét cuộc sống của người khác. Con người cũng dễ trở nên giận dữ trên mạng xã hội. Con người có nhiều cơ hội để thể hiện cá tính và có xu hướng dễ vướng vào tranh cãi. Và khi đã tranh cãi trên mạng xã hội không ai muốn "thua" vì có nhiều "khán giả" đang quan sát", ông Vinh cho biết.

Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sỹ Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thì nhấn mạnh, không gian mạng là con dao hai lưỡi và người nghệ sỹ khi tham gia mạng xã hội nên có ý thức tự giác cao về sự tác động của mình.

"Không gian mạng là con dao hai lưỡi, có thể giúp nghệ sỹ lan tỏa hình ảnh nhưng cũng có thể hủy diệt uy tín, sự nghiệp. Các nghệ sĩ luôn tìm cách để thu hút sự chú ý từ công chúng. Tuy nhiên, cách làm đôi khi bị lố, thậm chí có nhiều hành động phản cảm và lạm dụng mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn, bóc phốt, đấu tố nhau" bà Loan cho hay.

Hạn chế sự xuất hiện, tác động tiêu cực của những nghệ sỹ ứng xử thiếu văn hóa - Ảnh 2.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam phát biểu tại chương trình tọa đàm

Cũng nói về câu chuyện ứng xử trên mạng xã hội, đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết, một trong những giải pháp là tăng kết nối và các hoạt động ở đời sống thực, mỗi cá nhân khi tham gia đời sống trên mạng xã hội, nên biết "tỏ thái độ", lựa chọn "món ăn tinh thần" cho mình.

Anh cũng chia sẻ đang ấp ủ dự định về những chương trình nghệ thuật, các bảo tàng nghệ thuật, nơi mà mỗi người có thể đến, trực tiếp thưởng thức cùng gia đình, bạn bè để quên mạng xã hội ảo, và tìm sự cân bằng trong cuộc sống.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Hàn Trang, nữ diễn viên tham gia phim "Lối về miền hoa" cho rằng nghệ sỹ nên dùng mạng xã hội để lan tỏa những điều tích cực và khi nghệ sỹ phạm lỗi thì khán giả - những người phán xét công tâm nhất -  sẽ là "quay lưng".

"Khi các nghệ sỹ có cách hành xử không phù hợp, công chúng sẽ quay lưng, sự nghiệp gặp khó khăn, thậm chí bị xử lý theo pháp luật. Đó là những hình phạt vô cùng nghiêm khắc’, diễn viên Hàn Trang cho biết.

Chia sẻ