Hải sản tuy ngon nhưng những phần này không nên ăn: Bạn nên biết trước khi ăn
Hải sản là món ăn rất giàu chất dinh dưỡng, được nhiều người yêu thích, nhưng mỗi loại hải sản lại có cách ăn khác nhau và có những bộ phận không ăn được mà nhiều người chưa biết.
Tôm, cua, cá, ốc, sò,… là những hải sản quen thuộc được nhiều người yêu thích không chỉ vì hương vị thơm ngon của chúng mà còn vì là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho cơ thể.
Tuy nhiên, trong mỗi loại hải sản đều có những bộ phận không nên ăn nếu không sẽ gây hại tới sức khỏe. Vậy liệu bạn có biết bộ phận đó là gì và từ trước tới nay bạn đã ăn hải sản đúng cách hay chưa?
1. Cua
- Mang cua:
Cua có 2 dãy lá mang, xếp liên tiếp theo dọc trục mang. Bộ phận này nằm dưới mai cua, có hình dáng khá giống những chiếc răng lược và mềm. Mang cua là cơ quan hô hấp của cua, có chức năng lọc nước.
Khi cua lên cạn, một lượng nước sẽ được lưu trữ trong mang giúp cua tiếp tục hô hấp và duy trì sự sống trong thời gian dài. Do đó, những chất bẩn và vi khuẩn trong nước có thể bám lại ở mang cua, gây nguy hiểm tới sức khỏe khi ăn.
- Ruột cua:
Ruột cua là đường màu đen nằm ở phần dạ dày thông lên rốn cua. Trong ruột cua có chứa chất thải, độc tố do đó tốt nhất không nên ăn bộ phận này.
- Dạ dày cua:
Phần này chính là túi xương nhỏ màu vàng hình tam giác nằm trong thân cua. Khi ăn nên nhẹ nhàng loại bỏ phần này ra, tránh bị vỡ vì trong dạ dày cua có chứa nhiều cát bẩn.
- Tim cua:
Khi lấy mai cua ra, bạn sẽ thấy một hình lục giác có màu trắng nằm ở chính giữa và đó chính là tim cua. Bộ phận này của cua cũng nên được loại bỏ trước khi ăn.
2. Tôm
- Đường chỉ đen ở lưng tôm:
Đường chỉ đen ở lưng tôm (đường chỉ tôm) là đường tiêu hóa của tôm, chứa dạ dày và đại tràng, nên nó không hề sạch như nhiều người thường nghĩ.
- Đầu tôm:
Đầu tôm chính là nơi chứa các bộ phận nội tạng của tôm, do đó hàm lượng kim loại nặng trong đầu tôm cao hơn nhiều so với thân. Tuy nhiên, đối với tôm nuôi, hàm lượng này là không đáng kể.
3. Ốc biển
- Não và tuyến nước bọt của ốc:
Trong não ốc (nằm ở phần đầu của con ốc) có chứa các chất độc, dễ gây chóng mặt, ngộ độc thực phẩm nếu ăn nhiều. Thời gian ủ bệnh do ngộ độc thực phẩm gây ra bởi ốc thường từ 1 – 2 giờ với các triệu chứng là nôn mửa và chóng mặt.
Do đó, trước khi nấu, bạn cần sơ chế ốc sạch sẽ bằng cách ngâm ốc trong nước sạch từ một đến nhiều lần. Bên cạnh đó, bạn không nên ăn những loài ốc lạ để tránh ngộ độc.
- Ruột ốc: Ruột ốc nằm ở đuôi ốc, ở vòng xoáy nhỏ nhất, chứa nhiều chất bẩn. Do đó, bạn nên loại bỏ phần đuôi ốc trước khi ăn.
4. Sò điệp
Khi sơ chế sò điệp, bạn hãy lấy một con dao lóc phần thịt của nó ra khỏi vỏ. Sau đó, loại bỏ lớp màng mỏng bao quanh thịt sò, bởi đây là những bộ phận chứa nhiều cát bẩn nhất của sò điệp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên loại bỏ phần bao tử màu đen do đây chính là nội tạng của sò điệp. Vì vậy, có thể nói rằng ăn sò điệp chính là ăn phần cơ nối giữa hai mảnh vỏ của sò điệp.
5. Bào ngư
Sau khi cạy phần thịt bào ngư lên, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy bên dưới có một túi màu đen và đây chính là cơ quan nội tạng của bào ngư. Nội tạng của loại hải sản này có chứa các độc tố, có thể gây ra các phản ứng dị ứng như viêm da. Các triệu chứng ngộ độc bào ngư là phù nề, phát ban đỏ ở mặt và bàn tay.
*Theo Health 163