Hai quả thận kín đặc sỏi như 'bắp ngô', suýt phải chạy thận suốt đời
Nam bệnh nhân phát hiện sỏi thận từ hai năm trước nhưng chưa điều trị, đến khi trở lại bệnh viện, thận đã phủ kín sỏi, suy giảm chức năng nghiêm trọng.
Hai năm trước, người đàn ông 36 tuổi được phát hiện có sỏi ở cả hai bên thận nhưng gác lại việc điều trị vì phải chăm sóc bố bệnh nặng.
Gần đây, anh quay lại bệnh viện do tình trạng mệt mỏi kéo dài, được chẩn đoán suy thận nặng do sỏi tích tụ quá nhiều. Các bác sĩ tuyến dưới từ chối phẫu thuật vì tiên lượng xấu, nguy cơ phải chạy thận cao.
Anh tìm đến Bệnh viện E (Hà Nội), nơi bác sĩ Mai Văn Lực, khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu và Nam học, trực tiếp thăm khám. Hình ảnh chụp CT khiến bác sĩ Lực sửng sốt - hai quả thận của bệnh nhân gần như bị bịt kín bởi sỏi, ước tính lên tới gần một triệu viên nhỏ. “Sỏi chen chúc như bắp ngô”, bác sĩ mô tả.
Là ca cực kỳ phức tạp, nhưng ê kíp y bác sĩ vẫn quyết tâm can thiệp. Sau nhiều giờ tán sỏi, hàng trăm nghìn viên sỏi li ti được lấy ra khỏi thận bệnh nhân. Hiện anh hồi phục, chức năng thận cải thiện rõ rệt và đang được theo dõi để phòng ngừa tái phát.

Hai quả thận bệnh nhân gần như bị bịt kín bởi sỏi, ước tính lên tới gần một triệu viên nhỏ. (Ảnh: BSCC)
Bác sĩ Lực cho biết, sỏi thận là bệnh lý phổ biến tại Việt Nam. Ngoài yếu tố địa lý, nhiều nguyên nhân khác cũng góp phần hình thành sỏi như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa canxi, thay đổi pH nước tiểu, di truyền, môi trường làm việc nóng bức, nhiễm trùng tiết niệu, thói quen ăn mặn, ít vận động hoặc lười uống nước.
Ở các vùng nông thôn, tình trạng sử dụng nước đá vôi chưa qua xử lý cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Người bị sỏi thận thường thấy đau vùng hông lưng. Khi sỏi rơi xuống niệu quản, cơn đau có thể quặn thắt, lan xuống bụng dưới, kèm theo tiểu buốt, tiểu rắt. Không điều trị kịp thời, sỏi có thể gây tắc nghẽn, dẫn tới nhiễm trùng hoặc suy thận.
Để phòng tránh và bảo vệ chức năng thận, bác sĩ khuyến cáo cần uống đủ nước mỗi ngày, kể cả khi không cảm thấy khát. Chế độ ăn nên hạn chế muối, thực phẩm giàu oxalat, thịt đỏ, đồ chế biến sẵn; đồng thời tăng cường rau xanh và hoa quả. Việc vận động thường xuyên, duy trì cân nặng hợp lý và thăm khám định kỳ cũng rất quan trọng.
Người từng mắc sỏi có thể vỗ nhẹ vùng thắt lưng sau khi uống nước để hỗ trợ đẩy sỏi nhỏ ra ngoài.
Với những người sống ở nơi có nguồn nước đá vôi, nên sử dụng máy lọc để giảm khoáng chất. Người lao động trong môi trường nhiệt độ cao cần bổ sung nước và điện giải thường xuyên nhằm ngăn chặn sự hình thành sỏi.