Hãi nhất bị đốt vía khi đi mua sắm
Vừa nghe cô chủ hàng đanh đá phát giá, Hằng đã choáng. Thấy thái độ không muốn mua hàng của Hằng, cô ta liền xin ít giấy: “Để em đốt vía, chứ giá này chị không mua được đâu”.
Không mua là… đốt
Chuyện đi chợ hay mua sắm đồ dùng mà bị chủ hàng đốt vía đã không xa lạ với nhiều người. Bác Dung, sống ở phố Khâm Thiên, Hà Nội, ngay cả trong thời hiện đại khách hàng là thượng đế này, ở Hà Nội vẫn có hiện tượng khách hàng phải dò thái độ của người bán chứ không phải chủ hàng chiều khác. “Không ít người thấy khách hỏi xem hàng thì mồm mép leo lẻo, nếu không mua thì đổi mặt, trở giọng chanh chua, đanh đá”, bác Dung bực bội nói.
Tuy nhiên, theo chị Khanh, sống ở quận Hai Bà Trưng, người bán hàng mặt nặng mày nhẹ là còn dễ chịu. Với nhiều bà chủ, nếu khách là người “mở hàng” mà không mua gì là lập tức họ lầu bầu “đốt vía”. Chính vì thế, ai cũng sợ phải làm khách mở hàng, nghe bà chủ đon đả "mở hàng cho chị" là giật mình. Khanh vẫn còn hãi hùng khi nhớ đến cảnh bị đốt vía tại chợ Đồng Xuân, dù chị đã tránh đi đầu giờ sáng.
Hôm ấy, chị định mua một chiếc quần cho con. Mặc cả không được, chị đưa trả lại kèm lời cảm ơn. Chị chưa kịp đi ra, bà bán hàng đã rút giấy, bật lửa đốt vía. “Bà ấy không ngừng luồn qua luồn lại dưới háng một tờ giấy cháy bùng bùng, lại luôn miệng văng tục. Trước hành vi vô văn hóa ấy, tôi còn thấy ngượng. Vậy mà không hiểu sao, người ta vẫn làm như không”, chị Khanh bức xúc nói.
Chị Trang, ở Hoàng Cầu, Hà Nội, cho biết, chị rất bất ngờ khi đi mua sách học cho con mà cũng bị đốt vía. “Tôi đi tìm mua quyển Bài tập trắc nghiệm môn Toán 2 nhưng cửa hàng chỉ có quyển 100 bài tập trắc nghiệm Toán 2 . Tôi trả lại sách, vừa bước ra cửa đã thấy chủ hàng đốt vía. Tôi thấy người bán quá thiếu tôn trọng khách”, chị Trang nói.
101 cách tránh… đốt vía
Chiêu thức đơn giản, cũng là chiêu được sử dụng nhiều nhất là lân la nói chuyện, hỏi han mấy chị bán hàng như đã quen từ lâu để tạo cảm tình.
Chị Thảo, ở ngõ Mai Hương, hồ hởi kể lại lần chị ra ngõ Gia Ngư để mua tất cho gia đình. “Các cô bán hàng ở đây nổi tiếng là chắc lép, khó mặc cả dù chỉ một nghìn. Tuy nhiên, nếu mình khéo bắt chuyện làm thân thì chắc chắn sẽ có ngoại lệ”, chị Thảo tiết lộ. “Hôm ấy, mình cứ sà vào hàng như khách đã mua hàng quen, vừa xem tất vừa buôn chuyện với cô chủ. Thôi thì đủ cả, từ chuyện chồng con, gia đình đến nhà cửa, bếp núc. Chọn được khoảng 6 - 7 đôi, mình kỳ kèo và không quên tự nhận là khách quen. Kết quả, lần ấy mình được cô chủ hàng bán cho với giá thấp hơn một chút”, chị Thảo kể lại.
Chị Thảo cũng dặn thêm, nếu đã chọn lựa mà vẫn không tìm được món hàng ưng ý, cứ giao hẹn là đi xem thêm và lát nữa sẽ quay lại. “Để cho có vẻ giống thật thì cứ hỏi thêm địa chỉ cửa hàng, tên của chủ hàng. Như thế thì chẳng ai lại đốt vía mình cả”, chị Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, chiêu này khá đơn giản và chỉ áp dụng được với các chủ hàng ghê gớm “vừa vừa”. Gặp những người "kinh khủng" hơn thì lại phải dùng cách khác. Với những người “đứng vía” và bạo miệng, cách mà họ hay dùng là tỏ ra sành sỏi, biết hết các chiêu của chủ hàng.
Chị Liên, ở phố Bạch Đằng, kể, khi mua đồ ở một shop trên phố Trần Nhân Tông, chị nhìn thấy chiếc áo choàng giá 650.000 đồng, áo len giá 360.000 đồng. Chị mặc cả và bắt mẽ cô chủ shop: “Lạ gì, tất cả đều từ lò Quảng Châu. Sang đó nhặt mớ, đóng thùng, chở đến biên giới thì thuê cửu vạn về tận Hà Nội, không thuế má, vậy mà ăn dày thế?”. Lập tức chiếc áo choàng chỉ còn hơn 500.000 đồng, chiếc áo len còn 300.000 đồng, kèm một lời rỉ tai thân thiện: “Chỉ chị em mới bán giá này. Đừng nói giá ấy cho ai mà họ tị chết”.
Sau đó, chị Liên kể lại chuyện với mấy người bạn cùng với lời giải thích vui vẻ: “Thực ra, cứ nói như thế để người ta không làm giá với mình chứ mình có biết hàng ở đâu đâu”.
Nhưng chiêu “độc” nhất thì phải kể đến chị Hằng, ở tập thể Quỳnh Mai. Sau khi nghe giá, nhìn cô chủ hàng có vẻ đanh đá, chị trả lại áo và hỏi xin ít giấy. Ngạc nhiên, cô ta hỏi: “Chị cần giấy để làm gì?”. Hằng nói luôn: “Để em đốt vía, chứ em bán giá này chị không mua được đâu”. Cô bán hàng, gặp trường hợp này lần đầu, ngẩn mặt một lúc rồi cười rũ ra, đồng ý bán cho chị cái áo với giá rẻ. Ai nghe kể lại cũng phục chị Hằng bởi cách mặc cả có một không hai ấy.
Mặc dù găm sẵn cho mình vài "mánh" như một hình thức tự vệ khi đi mua hàng nhưng các bà nội trợ vẫn “lè lưỡi, lắc đầu” với kiểu đốt vía của nhiều người bán khi khách “trót” hỏi mà không mua. Đốt vía để buôn may bán đắt, nhiều chủ hàng không nghĩ rằng vô tình mình đã làm mất khách bởi nhiều người sợ chết khiếp không dám bén mảng đến lần thứ hai.
“Nếu cứ quá câu nệ vào cái lệ này thì các bà bán hàng sẽ lãng phí mấy tiếng đồng hồ của buổi sáng vì không ai dám đi mua vào thời điểm có thể phải làm khách mở hàng”, chị Khanh phân tích.
Baodatviet