Hai người tử vong do sởi, một ca nhập viện muộn

N.Dung,
Chia sẻ

Hai ca tử vong mới nhất liên quan sởi, trong đó một trẻ nhỏ nhập viện muộn. Ngành y tế đang rà soát trẻ từ 11–15 tuổi chưa tiêm sởi.

Bộ Y tế cho biết tuần qua, cả nước ghi nhận hơn 4.100 trường hợp nghi mắc sởi, giảm gần 9% so với tuần trước.

Trong số này, có hai ca tử vong, gồm một bệnh nhân đang điều trị ung thư có nhiều bệnh nền và một trẻ nhỏ nhập viện muộn sau ba ngày phát bệnh.

Hai người tử vong do sởi, một ca nhập viện muộn - Ảnh 1.

Tiêm vắc-xin sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 76.312 ca nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 8.614 ca dương tính. Diễn biến dịch bắt đầu tăng từ tuần 9, chững lại ở tuần 14 và giảm nhẹ ở tuần 15, 16.

Các tỉnh phía Bắc là nơi ghi nhận số ca tăng mạnh nhất, trong khi các khu vực khác đang có xu hướng ổn định.

Tại sao vắc xin sởi được tiêm vào bắp đùi trẻ dưới 6 tuổi nhưng lại tiêm cánh tay người trưởng thành?

Tại sao vắc xin sởi được tiêm vào bắp đùi trẻ dưới 6 tuổi nhưng lại tiêm cánh tay người trưởng thành?

Bộ Y tế cho biết độ tuổi mắc bệnh đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh sở. So với 3 tháng đầu năm 2025, nhóm từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi (chiếm 61,4%) đã giảm 6%; giảm nhẹ ở nhóm dưới 1 tuổi (chiếm 2,7%), giảm 0,4% (bao gồm cả nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi không có chỉ định tiêm vắc-xin sởi).

Đáng chú ý, nhóm trên 10 tuổi (chiếm 35,9%) tăng 6,4%, trong đó nhóm từ 11 – 15 tuổi chiếm 19,2%, và nhóm trên 16 tuổi chiếm 16,7%.

Đến ngày 17-4, đã có 52 trong số 54 tỉnh, thành đã đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95%, hai tỉnh còn lại đạt từ 90 đến dưới 95%.

Bộ Y tế nhận định dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu tỉ lệ tiêm chủng không được duy trì đồng đều, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và khu đô thị lớn. Ngành y tế đang tập trung rà soát trẻ từ 11–15 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vắc-xin có thành phần sởi; không rõ tiền sử tiêm chủng; chưa từng bị sởi hoặc có nguyện vọng tiêm vắc-xin sởi.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur được giao nhiệm vụ hướng dẫn và triển khai chiến dịch tiêm chủng đợt 3 trong năm 2025, tập trung vào khu vực có nguy cơ cao.

Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường phối hợp truyền thông, khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng và theo dõi dấu hiệu bệnh để kịp thời điều trị, tránh biến chứng nặng.

Chia sẻ