Hai món “khoái khẩu” tốt nhưng ăn nhiều có thể ung thư
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nutrients cảnh báo nguy cơ ung thư có thể tiềm ẩn trong cả những thực phẩm thiết yếu nếu bạn có một chế độ ăn quá "lệch".
Nhóm tác giả từ Trường Khoa học y tế công cộng và Khoa Thống kê và khoa học tính toán thuộc Đại học Waterloo (Canada) chỉ ra rằng chế độ ăn quá nhiều phosphate (phốt-phát) có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, ảnh hưởng đến cả nam và nữ.
Dinh dưỡng cân bằng, đa dạng các món và nhóm chất mới là điều các bác sĩ thường khuyến nghị - Ảnh minh họa từ Internet
Phosphate có thể có trong phụ gia thực phẩm, nhưng cũng tồn tại một cách tự nhiên trong các món ăn hàng ngày. Trong đó, một số nhóm thực phẩm sẽ giàu phosphate hơn các món khác.
Nhóm hợp chất này rất cần thiết cho cơ thể, ví dụ trong quá trình tạo xương, tạo tế bào, năng lượng. Hàm lượng được khuyến nghị là 700 mg/ngày cho cả nam và nữ, riêng phụ nữ mang thai và thanh thiếu niên cần nhiều hơn một chút.
Tuy nhiên, nếu nạp quá nhiều thứ này, lợi ích hóa tác hại.
Theo News-Medical, nhóm khoa học gia Canada đã sử dụng bộ dữ liệu từ 3.302 phụ nữ ở độ tuổi 42-52, được yêu cầu cung cấp chi tiết về chế độ ăn.
Mặc dù Viện Y học Canada chỉ đặt giới hạn tối đa cho phosphate được tiêu thụ mỗi ngày là 4.000 mg, tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ ở mức trên 1.800 mg phosphate tiêu thụ, nguy cơ mắc ung thư vú đã tăng lên rõ rệt.
Điều này xác nhận một phân tích tổng hợp trước đó cho thấy người ăn quá nhiều thực phẩm giàu phosphate bao gồm thịt, sữa béo, đồ ngọt và đồ chế biến sẵn (thức ăn nhanh, đồ hộp) sẽ có nguy cơ ung thư vú tăng 14%.
Trong khi đó người thích ăn các món ít phosphate như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, sữa ít béo và cá giảm nguy cơ tận 18%.
Một so sánh khác cho thấy so với người uống 1 ly sữa mỗi ngày, người uống đến 3 ly có nguy cơ ung thư vú tăng 44%.
Sữa hay thịt là những thực phẩm có giá trị nhất định cho sức khỏe, nhưng nghiên cứu này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy quá ghiền thì không tốt.
Ví dụ uống 1-2 ly sữa nhỏ mỗi ngày được cho là tốt cho sức khỏe, giúp phòng ngừa một số bệnh như tim mạch, loãng xương, nhưng uống quá nhiều là điều không được khuyến nghị ở trẻ lớn và người trưởng thành, bởi có thể gây béo phì hoặc khiến bạn quá no bụng và ăn quá ít những món cần thiết khác, từ đó thiếu dinh dưỡng.