Hai khả năng về sự "biến mất" của dữ liệu gốc bài thi trắc nghiệm ở Sơn La

PV,
Chia sẻ

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, nhận định giả thiết chỉnh sửa bài thi trước khi quét bài ở Sơn La là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hai khả năng về sự biến mất của dữ liệu gốc bài thi trắc nghiệm ở Sơn La - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông tin về sai phạm trong kết quả thi THPT Quốc gia tại Sơn La. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN

Tìm lại điểm thực ở Sơn La khó đến mức nào?

Sau khi kết thúc đợt làm việc tại Sơn La, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Tổ trưởng tổ công tác của Bộ GD&ĐT tại Sơn La - khẳng định tính chất sự việc ở Sơn La khác với Hà Giang và rất nghiêm trọng.

Tổ công tác còn nhận thấy những bất thường vượt quá khả năng, nhiệm vụ của mình nên đã cùng các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công an vào cuộc làm rõ.

Theo ông Mai Văn Trinh, quá trình rà soát nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa và có khả năng đây mới chính là hình ảnh bài làm thực của các thí sinh khi chưa bị can thiệp. Ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD&ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu gửi lên Bộ GD&ĐT giữ trước khi chấm thi hoàn toàn giống nhau.

Ông Trinh lý giải đây là lý do tổ công tác không chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm ở Sơn La như ở Hà Giang.

Vì vậy, cho đến nay Bộ GD&ĐT vẫn tạm thời công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của thí sinh đã được công bố ngày 11/7. Điều này đồng nghĩa với việc để lấy lại công bằng cho các thí sinh trung thực là rất khó.

Hai khả năng về sự biến mất của dữ liệu gốc bài thi trắc nghiệm ở Sơn La - Ảnh 2.

Bảng điểm thi thật và thi thử của nhiều thí sinh tại cụm thi Sơn La khiến nhiều người đặt dấu hỏi

 Trao đổi với báo Zing.vn, ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng việc khôi phục bài thi của tỉnh Sơn La rất khó khăn, trừ khi tìm được đĩa CD quét bài thi gốc.

"Trường hợp không tìm được đĩa CD chứa dữ liệu bài thi gốc, cách duy nhất là Bộ Công an phải vào cuộc điều tra. Tôi nghĩ nếu quyết tâm làm tới cùng, công an có thể điều tra ra dấu vết tẩy xóa, chỉnh sửa trên bài thi của thí sinh và phân biệt được đâu là đáp án do thí sinh chọn, đâu là đáp án do người khác chỉnh sửa.

Viện Khoa học Hình sự có thể nhận biết được dấu hiệu như vết tô cũ, mới, vết tẩy xóa…, kể cả việc giám định dấu vân tay để xác định bài thi nào có sửa chữa, tẩy xóa", ông Hoàng nói.

Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ Thông tin, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh, lại cho rằng khả năng khôi phục điểm gốc của các thí sinh tại Sơn La gần như bằng không.

Kể cả có tìm được đĩa CD gốc, chuyên gia công nghệ thông tin cũng chỉ khôi phục được khoảng 90% dữ liệu, không có khả năng khôi phục 100% dữ liệu gốc. Trường hợp may mắn khôi phục được 99,99% dữ liệu bài thi cũng không được phép căn cứ vào dữ liệu đó để ấn định điểm thực của thí sinh.

"Nếu 0,01% sai số rơi vào những thí sinh trung thực thì rất oan uổng cho các em. Do đó, nếu còn khả năng sai số thì chúng ta không thể dùng dữ liệu này để kết luận điểm thi cuối cùng của thí sinh tại Sơn La", ông Tài phân tích trên báo Zing.vn.

2 khả năng về hành vi gian lận điểm thi

Theo phân tích của một chuyên gia trên báo Thanh niên, gian lận ở Sơn La diễn ra một trong hai khả năng.

Khả năng thứ nhất là chụp ảnh bài gốc, lưu lại trong máy tính, sau đó mới can thiệp vào kết quả trên file text. Nhưng khi có nguy cơ bị lộ (do Bộ đi xác minh, kiểm tra ở Hà Giang), người ta mới rút bài thi thực của thí sinh ra để "tẩy", sau đó chụp ảnh lại và ghi đè file ảnh này lên file ảnh gốc.

Để hợp thức hóa về thời gian chụp ảnh (theo quy định là phải chụp cuối tháng 6, đầu tháng 7), người ta sửa thời gian ở máy chủ trước khi quét lại.

Khả năng thứ hai, sau khi nhận bài thi ở điểm thi về, sửa trực tiếp trên bài thi rồi mới đưa vào quét. Nhưng khả năng này khó xảy ra hơn vì đó là một chuỗi hành vi gian lận rất tinh vi, đòi hỏi sự công phu.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, dù khả năng nào thì việc phục hồi lại bài thi gốc là trong tầm tay nhờ công nghệ hiện đại và sự sắc bén của các cán bộ cơ quan điều tra.

Đối với khả năng đầu tiên, cho dù người ta sửa thời gian ở máy chủ thì cơ quan công an vẫn sẽ xâu chuỗi được các sự việc để phát hiện ra sự phi lý về các thời điểm hiển thị trong ổ cứng chứa dữ liệu.

Với khả năng thứ hai, cơ quan điều tra vẫn có thể tìm ra manh mối để trả lại điểm thi thực cho thí sinh hoặc chí ít là có thể giám định từng bài thi để kết luận bài thi bị can thiệp.

Ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT, cũng nhận định giả thiết chỉnh sửa bài thi trước khi quét bài ở Sơn La là hoàn toàn có thể xảy ra vì kết luận ban đầu của Bộ GD-ĐT cho thấy có tới 5 người liên quan mà trong phòng chấm thi trắc nghiệm (cách ly hoàn toàn với bên ngoài) thì số lượng người tham gia cũng chỉ khoảng như vậy.

Nếu tất cả "bắt tay" với nhau để vi phạm thì điều gì cũng có thể xảy ra, kể cả việc chọn bài thi ra để sửa rồi mới quét. Điều này không phức tạp vì phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách, không rọc phách, trên phiếu hiển thị tất cả thông tin cá nhân của thí sinh.

Tổng hợp

Chia sẻ