Hà Nội: Thu giữ hàng trăm hộp thực phẩm cải thiện sinh lý, ngừa ung thư giả

MINH TUỆ/VTC News,
Chia sẻ

Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa triệt phá vụ buôn bán thực phẩm chức năng giả qua mạng xã hội, khởi tố 2 bị can.

Ngày 19/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam Lê Văn Hữu (SN 1997) và Trương Thị Thảo (SN 1998, cùng trú tại Kim Chung, huyện Hoài Đức) về tội buôn bán hàng giả.

Trước đó, ngày 6/6, Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra nam thanh niên đi xe máy chở 1 thùng các tông bên trong có 30 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe LADY.

Hà Nội: Thu giữ hàng trăm hộp thực phẩm cải thiện sinh lý, ngừa ung thư giả - Ảnh 1.

Bị can Trương Thị Thảo và Lê Văn Hữu.

Qua lời khai ban đầu, nam thanh niên xưng là nhân viên giao hàng từ tòa nhà Time coffe, 117 Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội.

Nghi vấn số hàng hóa trên là hàng giả, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đội quản lý thị trường số 24 huyện Hoài Đức, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra tầng 4 tòa nhà Time coffe. Kết quả, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhãn hiệu LADY; Vinslim V3; Collagen Firming Sleeping Mark.

Những thực phẩm chức năng này được quảng cáo giúp ổn định nội tiết tố nữ, cải thiện sinh lý, ngoài ra còn góp phần phòng ngừa ung thư vú và cổ tử cung.

Thời điểm kiểm tra, Lê Văn Hữu và Trương Thị Thảo không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Hà Nội: Thu giữ hàng trăm hộp thực phẩm cải thiện sinh lý, ngừa ung thư giả - Ảnh 2.

Thực phẩm chức năng giả bị thu giữ.

Tại cơ quan điều tra, Lê Văn Hữu khai nhận, khoảng đầu năm 2022 Lê Văn Hữu thuê tầng 4 tòa nhà Time coffe làm văn phòng, lấy tên công ty VDGgrup để kinh doanh đồ gia dụng và thực phẩm chức năng nhưng không có đăng ký giấy phép kinh doanh.

Sau đó, Lê Văn Hữu thuê Trương Thị Thảo làm quản lý, Lương Thị Ngọc (SN 2000, huyện Kim Thành, Hải Dương), Đỗ Thu Sanh (SN 2002, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) là nhân viên tư vấn, Giáp Văn Sáng (SN 1993, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), Ngô Thị Yến (SN 1997, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), Lê Minh Lộc, Nguyễn Tiến Hoàn là nhân viên marketing, Nguyễn Tuấn Thanh là nhân viên giao hàng.

Lê Văn Hữu đặt mua các sản phẩm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên mạng về để bán, Trương Thị Thảo là người nhận hàng kiểm tra hàng, xuất bán và báo cáo lại cho Hữu, mặc dù biết là hàng giả, không có hóa đơn chứng từ nhưng các đối tượng vẫn tiếp tục bán kiếm lời.

Để lẩn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Hữu đã thuê nhà có thang máy được kiểm soát bằng dấu vân tay để không cho người lạ vào mà chỉ có người của Hữu và Thảo kiểm soát; bán hàng chủ yếu qua livestream và Zalo, mạng xã hội. Sau khi bán hàng thành công thì xóa toàn bộ dữ liệu.

Chia sẻ