Vào "mùa" bệnh, phụ huynh lo ngay ngáy chuyện vắc xin
Đầu tháng 6, khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai, các khoa truyền nhiễm của bệnh viện Nhi Trung ương ngột ngạt bởi quá nhiều bệnh nhân nhi được chuyển đến. Cảnh người lớn trẻ nhỏ đứng lố nhố chờ đến lượt khám bệnh đứng ngoài hành lang bệnh viện không hề hiếm. Được biết, trẻ nhập viện bởi rất nhiều loại bệnh, chủ yếu là thủy đậu, sởi,
Hiện tại, dù bệnh sởi đã hạ nhiệt nhưng nguy cơ bùng phát các loại bệnh khác vẫn cao như: chân tay miêng, thủy đậu, viêm não… Điều đáng nói là những bệnh này gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ nếu không được phát hiện kịp thời. Rút kinh nghiệm từ đợt dịch sởi, dù chưa có thông tin có dịch gì mới nhưng phụ huynh hầu hết chủ động đưa con đi tiêm chủng.
Cùng với vắc xin thủy đậu đã hết, mới đây nhiều điểm tiêm chủng tại TP Hà Nội tiếp tục thông báo một số loại vắc xin không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia như vắc xin “5 trong 1”, “6 trong 1” và vắc xin thủy đậu, phế cầu khuẩn cũng đã hết. Điều này làm người dân khá hoang mang trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang bắt đầu vào mùa.
Chị Tuyết Mai (Hàng Đường, Hà Nội) lo lắng đứng trước cửa Trung tâm y tế dự phòng chia sẻ: “Được biết, bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm lây lan rất nhanh qua đường hô hấp cũng đang ngày càng gia tăng. Cả 2 tuần nay, cách ngày mình lại đưa con nhỏ đi tiêm vắc xin thế nhưng lần nào cũng ra về ‘tay trắng’ khi nhân viên y tế bảo ‘hết hàng’ và chưa biết đến khi nào có. Mình không biết đến bao giờ mới có vắc xin cho con tiêm”.
Sự lo lắng của chị Mai cũng dễ hiểu. Bởi theo số liệu thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc thủy đậu, số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ (năm 2013 ghi nhận 7.900 ca). Cũng như một số bệnh, thủy đậu là bệnh có vắc-xin chủng ngừa, tuy nhiên nó lại chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mà thông qua việc tiêm chủng dịch vụ.
Nhiều người phải ra về vì "hết hàng"
Vì vậy, bảng "hết hàng" của cơ sở tiêm khiến ai ai cũng lo lắng, thất vọng.
Những ngày nắng nóng, tại các trung tâm y tế dự phòng ở Lò Đúc, Nguyễn Chí Thanh, luôn có hàng trăm phụ huynh chen chúc nhau dưới trời nắng nóng để đăng ký tiêm ngừa vắc xin "dịch vụ" cho trẻ. Chị Liễu (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Đã hai lần tôi đưa con đi tiêm mũi 5 trong 1 Pentaxim (ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do HIB ở trẻ em) đều phải về vì đến thì nhận được thông báo hết vắc xin, và chẳng ai biết bao giờ có”.
Đầu hè - thời điểm nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát, ví dụ như bệnh thủy đậu, nếu bệnh đó hoành hành, người mắc bệnh có nguy cơ tử vong nếu bị biến chứng nặng. Thế nhưng, khi đưa con đi tiêm phòng không ít bậc cha mẹ ngỡ ngàng ôm con về trong nỗi lo ngay ngáy.
Không chỉ ở những trung tâm tiêm dịch vụ mà ngay cả ở phường, nhiều người dân cũng nhận được câu trả lời tương tự.
Chị Bích Hà (phường Phúc Tân, Hà Nội) chia sẻ: "Mình thường tiêm cho con ở phường, thế nhưng đợt vừa rồi đưa con lên phường 5 lần 7 lượt cũng đều nhận được câu trả lời là hết sạch vắc xin".
Bộ Y tế cấp phép cho nhập khẩu thêm vắc xin
Trả lời vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung Ương cho biết, trong thời gian qua do nhu cầu tiêm chủng vắc xin của người dân tăng cao bất thường nên có hiện tượng thiếu vắc xin thủy đậu cục bộ tại một số tỉnh, thành phố lớn. Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho người dân gồm hai hệ thống là tiêm chủng Mở rộng Quốc gia và tiêm dịch vụ.
Nhiều năm qua, Bộ Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo cung cấp đầy đủ 11 loại vắc xin miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia gồm: lao, bạch hầu, tả, thương hàn, bại liệt, ho gà, uốn ván, sởi, bệnh do Haemophylus influenza typ B, viêm gan virut B, viêm não Nhật Bản.
Vì có kế hoạch trước hàng năm, nên các vắc xin này được đảm bảo đầy đủ vì việc đặt hàng, sản xuất, cung ứng có kế hoạch. Bên cạnh vắc xin cung ứng từ Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin tiêm dịch vụ được nhập khẩu phục vụ theo nhu cầu của thị trường.
Các vắc xin tiêm dịch vụ ngoài phòng 11 bệnh trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia còn để phòng một số bệnh khác như: thủy đậu, cúm, các bệnh do phế cầu chủng gây ra, viêm não mô cầu ... hoặc phối hợp 5 trong 1, 6 trong 1 để giảm số lần tiêm.
Vắc xin tiêm dịch vụ thường do các công ty tự nhập khẩu về theo dự báo và nhu cầu thị trường từ các nước Mỹ, Pháp, Cu Ba, Hàn Quốc,… để cung ứng cho các đơn vị tiêm chủng trong các trường hợp chưa xảy ra dịch bệnh. Những vắc xin thủy đậu, 6 trong 1 và một số loại khác không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nên phụ thuộc vào các công ty kinh doanh nhập khẩu và phân phối.
Các công ty kinh doanh nhập khẩu và phân phối vắc xin thường xem xét thị trường. Trong khi nhu cầu của người dân biến động, khó đoán trước, thêm vào đó vắc xin lại là mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, nó có đặc thù khác với các thuốc hóa dược là được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp.
Thời gian cần thiết để sản xuất là khoảng 06 tháng, có hạn dùng ngắn và điều kiện bảo quản đặc biệt, điều này càng khiến các công ty nhập khẩu phải tính toán kỹ. Ví dụ, một số doanh nghiệp nhập vắc xin về bán nhưng không tiêu thụ được hết trong năm 2013 nên sang năm 2014, họ phải hạn chế số lượng nhập khẩu. Đây cũng là nguyên nhân gây thiếu vắc xin dịch vụ cho năm nay.
Tuy nhiên, ngay khi có hiện tượng bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã cấp cho các công ty nhập khẩu vắc xin phòng bệnh thủy đậu số đăng ký lưu hành theo nhu cầu thông thường. Hiện công ty cung ứng vắc xin đã tiếp tục cung cấp, bổ sung vắc xin cho các cơ sở tiêm chủng.
Bộ này đã cấp phép nhập khẩu khẩn cấp 77.600 liều vắc xin của Hàn Quốc, gần 20.000 liều vắc xin của Bỉ và 200.000 liều của Mỹ.
Nên tiêm vắc xin theo đúng quy định của Bộ Y tế
Theo ThS. BS Lê Thị Phương Huệ BV Thanh Nhàn chúng ta nên tiêm chủng cho trẻ theo đúng quy định của chương trình tiêm chủng quốc gia. Về nguyên tắc, tiêm đúng lịch là tối ưu nhất vì nó giúp cho các bậc cha mẹ không nhầm lẫn, nhớ quên và phát huy được tối đa hiệu quả của vắc xin. Mỗi loại tiêm chủng phòng một loại bệnh khác nhau, chính vì thế các mẹ nên cố gắng đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng định kỳ để phòng bệnh cho trẻ. Có một số trường hợp trẻ bị ốm hay có vấn đề gì về sức khỏe mà chưa tiêm chủng được theo lịch. Sau đấy nếu trẻ khỏa lại chúng ta nên đưa trẻ đi tiêm bù.
Việc tiêm vắc xin chậm một thời gian không ảnh hưởng đến hiệu quả phòng bệnh. Nhưng nếu tiêm sớm và đầy đủ, đúng liều theo lịch thì sẽ phòng bệnh được sớm hơn. Nếu lỡ để muộn ngày cũng phải tiêm đủ liều để phòng bệnh cho trẻ. Ngoài các loại vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cha mẹ nếu muốn tiêm dịch vụ cho con thì nên đến trạm y tế để được tư vấn. Tuy nhiên có một số loại vac xin viên gan B tiêm trong vòng 24 tiếng đầu tiên sau khi sinh với mũi Lao dưới 1 tháng tuổi là tốt nhất mới có tác dụng phòng chống bệnh. Còn nếu chúng ta tiêm chậm đương nhiên là không tốt vì vắc xin không phát huy được hiệu quả. Đối với các mũi nhắc lại có khoảng cách trên 1 tháng, thông thường là 6 tháng thì có thể chậm vài tuần hoặc lâu hơn. Vấn đề là cha mẹ phải ghi chép cận thẩn lịch tiêm chủng để đưa con đi tiêm đúng ngày.
Ngoài ra, một sai lầm mà nhiều bậc cha mẹ thường mắc phải là quên không tiêm nhắc lại cho con các mũi vắc xin có khoảng cách 1 năm, 5 năm. Bởi theo quan niệm của một số người các mũi cơ bản là quan trọng nhất còn các mũi nhắc lại có khoảng cách kéo dài không thực sự cần thiết, có cũng tốt mà không có cũng không sao. Tuy nhiên, tnếu trẻ chỉ được tiêm các mũi cơ bản thì khả năng bảo vệ trẻ khỏi các bệnh sẽ chỉ giới hạn đến năm 4 – 16 tuổi. Còn khi tiêm nhắc lại các mũi vắc xin có khoảng cách 1 năm, 5 năm, giá trị bảo vệ, phòng ngừa bệnh tật của vắc xin sẽ là suốt đời. Vũ Tuyết
|