Hà Nội: Kế toán nhận cuộc gọi từ "nhân viên thuế", 10 phút sau tài khoản ngân hàng của công ty bị rút sạch

ANH THẢO,
Chia sẻ

Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo, tuyên truyền, nhưng người dân vẫn mắc bẫy các chiêu trò giả mạo lợi dụng danh nghĩa công chức thuế, cơ quan thuế lừa người nộp thuế cài đặt các ứng dụng lạ nhằm chiếm đoạt tài sản.

Mới đây Công an phường Phú Thượng, quận Tây Hồ tiếp nhận đơn trình báo của anh N.V.N. (SN 1983), là kế toán của Công ty TNHH xây dựng trên địa bàn quận Tây Hồ trình báo về việc vào ngày 4/3 vừa qua anh đã bị lừa đảo mất số tiền trên 835 triệu đồng.

Hà Nội: Kế toán nhận cuộc gọi từ "nhân viên thuế", 10 phút sau tài khoản ngân hàng của công ty bị rút sạch- Ảnh 1.

Anh N. cho biết, vào thời gian trên đã nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên Chi cục thuế quận Tây Hồ, yêu cầu kết bạn Zalo để thông báo về việc hoàn thuế cho công ty và đề nghị bị hại truy cập vào 1 đường link lạ trên phần mềm điện thoại di động của mình để được hỗ trợ về thuế.

Tưởng đó là cán bộ cơ quan Nhà nước thật, anh N. làm theo và chỉ sau đó 10 phút số tiền của công ty do bị hại quản lý đã bị rút hết khỏi tài khoản ngân hàng.

Thực chất thủ đoạn lừa đảo này không hề mới và đã được cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều lần tuy nhiên vẫn có rất nhiều trường hợp người dân sập bẫy.

Cũng trên địa bàn thành phố, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo trên không gian mạng với nhiều thủ đoạn phổ biến như: Mạo danh cơ quan công an, cán bộ phường, lừa đảo tuyển cộng tác viên,...

Hà Nội: Kế toán nhận cuộc gọi từ "nhân viên thuế", 10 phút sau tài khoản ngân hàng của công ty bị rút sạch- Ảnh 2.

Như mới đây, bà T. (SN 1965), trú tại quận Tây Hồ nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà T. có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo. Sau đó, bà T. nhìn thấy một người mặc trang phục Công an nhân dân trong video call yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Do tin tưởng, bà T. đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng, sau khi biết bị lừa nên đã đến Công an quận Tây Hồ trình báo.

Bên cạnh đó, Công an thành phố mới đây cũng đưa ra cảnh báo về một hình thức lừa đảo mới thông qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Theo đó, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, số lượng người dùng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhằm vào những người dùng các ứng dụng hẹn hò trực tuyến.

Hà Nội: Kế toán nhận cuộc gọi từ "nhân viên thuế", 10 phút sau tài khoản ngân hàng của công ty bị rút sạch- Ảnh 3.

Các đối tượng sẽ tìm “con mồi” qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo,... Sau khi kết bạn và mức độ tin tưởng đã được tăng lên, các đối tượng sẽ chuyển sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia vào đầu tư tài chính đầy hấp dẫn.

Khi “con mồi” chấp nhận chi tiền cho các “khoản đầu tư”, số tiền lãi được hoàn lại theo đúng lời hứa để tăng độ tin tưởng. Tuy nhiên, khi số tiền đầu tư lớn, các đối tượng sẽ lấy hết số tiền đó và lấy lý do: “nâng cấp gói VIP”, “hoàn trả quỹ hỗ trợ đầu tư”, “gỡ bỏ chế độ an toàn”,… để tiếp tục chiếm đoạt số tiền của nạn nhân cho đến khi “con mồi” phát hiện bị lừa.

Trước tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn ra phức tạp, Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, không bấm vào bất kể đường link lạ quảng cáo, hiện trên mạng Facebook, Zalo… "lạ" nào được gửi đến khi những thông tin của người đó đưa ra chưa được kiểm chứng, đề phòng bị lừa đảo, phát tán mã độc vào thiết bị điện thoại di động.

Đáng chú ý, không để mã OTP, mã truy cập vào tài khoản ngân hàng, mật khẩu điện thoại hay các loại mật khẩu khác trên máy điện thoại di động, vì khi đã bấm vào link lạ, đồng nghĩa với việc virut mã độc do đối tượng gửi đính kèm đường link đó đã vào được máy điện thoại di động của bạn, lúc đó điện thoại của bạn sẽ bị chiếm quyền sử dụng. 

Các đối tượng lừa đảo sẽ vào phần ảnh, ghi chú để tìm mật mã này, đọc các tin nhắn và các thông tin khác có trên máy điện thoại, từ đó mở được tài khoản ngân hàng và rút hết tiền của bạn chuyển sang tài khoản khác.

Chia sẻ