Hà Nội hỗ trợ 2-4 triệu đồng đổi xe máy cũ lấy mới: Ai được 2 triệu, ai được 4?
Chủ trương hỗ trợ 2-4 triệu đồng để người dân bỏ xe máy sản xuất trước năm 2002 và không đạt chuẩn về khí thải sắm xe mới của TP Hà Nội đang đặt ra nhiều băn khoăn. Xe cổ có phải đổi? Chỉ đổi bộ phận gây ô nhiễm được không?
Ngày 7/9, tin từ Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, ông Nguyễn Thế Hùng (Phó Chủ tịch UBND TP) đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố"; báo cáo lãnh đạo thành phố trước ngày 15/9.
Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), chương trình nhằm mục đích từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải từ các phương tiện giao thông đã cũ nát.
Chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để phục vụ cho việc đo khí thải trên địa bàn 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân. Sở dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ với các cơ chế hỗ trợ khác nhau.
Khi người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng (dự kiến thí điểm với 5.000 xe máy). Còn người dân muốn đổi xe máy, dự kiến được hỗ trợ 2-4 triệu đồng...
Trao đổi với phóng viên về chủ trương này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương đo kiểm chất lượng không khí của Hà Nội. Tuy nhiên, việc lấy nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường để hỗ trợ người dân đổi xe theo đề xuất là không hợp lý.
“Bởi vì nguồn ngân sách ấy còn được chi tiêu cho nhiều việc khác chứ không chỉ có nội dung này”, ĐB Quốc Khánh nói.
Ngoài ra, với mức dự kiến hỗ trợ 2-4 triệu đồng cho người dân đổi xe, bà Khánh cho rằng không căn cứ: “Tại sao lại 2-4 triệu mà không phải là từng mức cho từng loại xe? Có những loại xe quá 18 năm mà người dân vẫn dùng tốt thì làm thế nào?”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề.
Bà Khánh cũng đưa ra thắc mắc: Tại sao không khuyến cáo người dân thay thế những phụ tùng gây ô nhiễm môi trường, trong khi nhiều nước cũng không bắt buộc đi thu hồi hết?
“Trên thế giới vẫn có những xe cổ tồn tại bao đời, có giá trị rất lớn khi mang đấu giá. Vì họ biết đó là xe cổ, thay thế phụ tùng để không trở thành những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Nên chăng chỉ thay thế những bộ phận trong xe dễ gây ra ô nhiễm ra môi trường. Những xe vẫn tốt dù có thời hạn đăng ký trên 18 năm mà đi thu hồi để tái chế, liệu có doanh nghiệp nào đứng ra làm hay lại thành một đống rác thải?”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, bà Khánh cho rằng, việc Sở Tài nguyên và Môi trường đứng ra thực hiện dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân bị thu hồi xe máy quá niên hạn sử dụng cũng không hợp lý. Thay vào đó, nên để các hiệp hội, các doanh nghiệp đứng ra làm, họ sẽ tính toán hỗ trợ cho người dân thì thỏa đáng và phù hợp hơn.
“Không phải lấy tiền quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để hỗ trợ như thế… Có vẻ như Sở sẽ chồng lấn sang vai của doanh nghiệp”, nữ ĐBQH này nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân cũng bày tỏ băn khoăn với chủ trương này của Hà Nội.
Anh Văn Nam (Ba Vì, Hà Nội), một lái xe công nghệ cho biết, 5 năm trước, khi còn là sinh viên cao đẳng, anh được bố mẹ mua lại chiếc xe Honda Dream (đăng ký từ năm 1993) từ người quen.
“Hai năm trong trường cao đẳng tôi chỉ đi từ nhà đến trường, mỗi ngày chưa đến 10km. Khi ra trường, tôi đi làm, mỗi ngày cũng chạy không quá 15km. Hai năm nay, doanh nghiệp nợ lương, cực chẳng đã tôi đành đi chạy Grab.
Chiếc xe là cần câu cơm của cả gia đình nên tôi cũng thường xuyên bảo dưỡng, thay dầu, sửa chữa ngay nếu có biểu hiện hỏng hóc. Hơn nữa, xe được nhập nguyên chiếc từ Thái Lan nên dù sử dụng nhiều năm nhưng máy móc vẫn rất tốt.
Nếu theo đề xuất mà Hà Nội vừa đưa ra thì xe của tôi trong diện phải thu hồi. Mức hỗ trợ cao nhất cũng chỉ 4 triệu đồng. Với 4 triệu này tôi biết mua xe gì để kiếm kế sinh nhai?”, anh Nam chia sẻ.
Cùng quan điểm với anh Nam, anh Chiến (quê Nam Định, lái xe ôm tại phố Đào Tấn) cũng rất lo ngại bởi chỉ những lao động nghèo mới sử dụng xe máy cũ: “Giờ Thành phố thu hồi và hỗ trợ 2- 4 triệu đồng thì tôi không biết xoay sở ra sao?”.
Anh Chiến chia sẻ thêm, bạn anh có chiếc xe Honda Dream cũng đã đăng ký 20 năm, mới đây có người hỏi mua 20 triệu anh ấy chưa bán. Nếu TP áp dụng quy định này, bán không được giá mà mang đi "đổi" với giá 4 triệu đồng, chắc chắn anh ấy sẽ không chấp nhận.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trình thành phố thì sẽ có hai nguồn kinh phí để thực hiện chương trình này.
Thứ nhất, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe....
Thứ hai, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì các hoạt động tuyên truyền. Kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường năm 2020 tại nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố...