Hà Nội: Hai dịch bệnh truyền nhiễm tăng trở lại
Nhiều bậc phụ huynh đã chủ quan, nhầm lẫn với những bệnh lý khác dẫn đến tình huống trẻ nhập viện muộn, gây biến chứng nguy hiểm.
Hiện đang là thời điểm giao mùa, là điều kiện để virus phát triển, gây các bệnh về đường hô hấp. Thế nhưng cùng với đó, tại một số cơ sở y tế tại Hà Nội lại đang ghi nhận sự tăng trở lại của một số ca bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng dù không phải là đỉnh dịch.
Đáng nói, nhiều bậc phụ huynh đã chủ quan, nhầm lẫn với những bệnh lý khác dẫn đến tình huống trẻ nhập viện muộn, gây biến chứng nguy hiểm.
Như một bệnh nhi vừa điều trị gần 1 tuần với sốt xuất huyết. Trước đó, bé chỉ có dấu hiệu sốt kéo dài, không phát ban nên gia đình không rõ bé bị bệnh gì. Thậm chí, khi đến cơ sở y tế, tiểu cầu cũng không giảm rõ ràng.
"Đa phần trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao. Không phổ biến vào mùa này nên nhiều trường hợp phụ huynh có kinh nghiệm có thể tự điều trị tại nhà và không đưa trẻ đến bệnh viện khám thì trong nhiều trường hợp không phát hiện được sớm", THS.BS Đạng Quang Nhật, Khoa Nhi Tiêu hóa -Dinh dưỡng - Lây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thông tin.
Nhiều bậc phụ huynh đã chủ quan, nhầm lẫn với những bệnh lý khác dẫn đến tình huống trẻ nhập viện muộn, gây biến chứng nguy hiểm (Ảnh minh hoạ)
Cũng vì trẻ không có dấu hiệu điển hình nên lại tự điều trị tại nhà nhiều ngày rồi mới nhập viện. Như một bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng, dương tính với virus EV71 có thể gây biến chuyển độ nặng kèm cả bệnh viêm phổi.
"Thấy cháu nó cứ mọc mấy cái nốt lên thì cứ nghĩ cháu bị nóng thì bảo đi bôi cho cháu kem nẻ thôi. Nhưng càng ngày nó cứ mọc thêm ra đấy, không nghĩ là chân tay miệng như này", bà Đào Thị Khánh, Quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Hiện tại đang là đỉnh dịch của một số bệnh hô hấp như virus hợp bào hô hấp RSV nên một số phụ huynh chủ quan cho rằng trẻ không có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền nên có những sai lầm trong điều trị.
Tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, ngày nào cũng tiếp nhận khám và điều trị cho gần chục trường hợp mắc sốt xuất huyết và tay chân miệng. Đáng nói, các triệu chứng của bệnh đều âm thầm, rất khó nhận biết.
"Khuyến cáo các gia đình nếu thấy con có dấu hiệu sốt trên 2 ngày hoặc trẻ có dấu hiệu giật mình, kích thích hoặc ho, khó thở cần đưa đến cơ sở y tế. Tại thời điểm này chúng tôi vẫn ghi nhận những bệnh phối hợp kèm theo của sốt xuất huyết hoặc chân tay miệng làm cho bệnh trở nặng hơn, đặc biệt hô hấp", bác sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, Phó trưởng khoa Nhi Tiêu hóa -Dinh dưỡng - Lây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tuần qua, trên địa bàn có thêm 14 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 4 ca so với tuần trước đó. Thêm 37 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 13 ca so với tuần trước đó.
Có thể thấy, những dịch bệnh vốn đã hạ nhiệt hoàn toàn có thể tăng trở lại. Dù số mắc của các bệnh này đang có chiều hướng gia tăng nhưng hầu hết ca bệnh tản phát. Các chuyên gia dự báo, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc, phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu cảnh báo để trẻ được can thiệp và xử trí kịp thời.