Hà Nội: Giật mình nước chuyển màu như chè đỗ đen khi pha trà
Dùng nước vừa bơm từ giếng lên để pha trà, nhiều người dân ở xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm, Hà Nội) một phen phát hoảng khi nước đổi màu đen sì, nổi váng bọt và có mùi hôi tanh.
Nhiều năm nay, hàng nghìn người dân ở thôn Linh Quy, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội không dám dùng nước được bơm trực tiếp từ giếng khoan hay giếng đào. Để có thể sử dụng loại nước này, các hộ dân trong thôn đều phải sử dụng các bể, máy lọc nước qua nhiều công đoạn để có thể sử dụng được nhưng vẫn không hết mùi tanh.
Anh Hùng chỉ vào bể nước bơm vẫn còn sộc mùi tanh.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Đức Hùng (32 tuổi) cho biết, nguồn nước bơm trực tiếp từ giếng khoan, giếng đào không thể sử dụng được từ nhiều năm nay. Khi bơm lên nước có mùi hôi tanh nhưng gia đình anh hơn 10 nhân khẩu bao năm qua vẫn phải sử dụng vì hiện tại địa phương chưa có hệ thống nước máy sạch.
Khi dùng để pha trà, nước chuyển màu như chè đỗ đen.
“Trước kia cứ nghĩ nước hơi tanh chút nhưng dùng chắc không sao. Tuy nhiên, pha trà rót ra chén thì nước đen sì như chè đỗ đen đặc. Ban đầu tôi nghĩ hay trà mua có vấn đề nên đi mua trà khác về pha thì kết quả vẫn tương tự”, anh Hùng chia sẻ.
Bể lọc lâu ngày có lớp bùn đất bám khá dày, mùi hôi tanh khó chịu.
Nói rồi anh Hùng dẫn chúng tôi ra ngoài bể nước quan sát rồi lấy đầu ngón tay cạo lên lớp cát anh mới thay cách đó chưa đầy 1 tháng thì toàn bộ lớp cát bị vàng ố, dính nhiều chất bẩn. Múc chậu nước vừa bơm lên, anh Hùng lấy một ấm trà mạn vừa pha bằng nước đóng bình rót vào. Chỉ trong nháy mắt, chậu nước dần chuyển màu tím ngắt như chè đỗ đen đặc, càng rót nhiều nước chè thì nước càng đen sì, sau đó nổi váng.
“Không chỉ nhà tôi ở đây bị mà hầu như tất cả các hộ dân trong thôn đều bị. Nhiều gia đình khoan sâu 40 – 50 mét nhưng nước vẫn hôi tanh. Khi nấu cơm thì bị vàng, nấu canh thì nước màu đen. Thấy vậy gia đình không ai dám ăn”, anh Hùng tâm sự.
Nguồn nước hôi tanh khiến anh Hùng phải sử dụng 2 bể lọc nước sau đó xử lý thêm qua hệ thống máy lọc XO nhưng nước vẫn hơi có mùi.
Nước được bơm từ giếng khoan lên bốc mùi hôi tanh.
Khi vừa đổ nước trà vào thì chậu nước nhanh chóng đổi màu.
Chỉ trong nháy mắt nước chuyển sang màu đen xì như chè đỗ đen đặc.
Bể lọc nước lâu ngày thành vệt ố vàng đậm.
“Khổ nhất là quần áo trắng mới mua chỉ giặt một hai lần là sau chuyển sang màu vàng. Nghĩ cũng lo cho sức khỏe về sau nhưng hiện tại nhiều hộ dân trong thôn vẫn sử dụng nên mình cũng phải dùng, chứ giờ nếu mua nước đóng bình thì biết bao nhiêu cho đủ”, anh Hùng bày tỏ.
Nói về nguyên nhân của thực trạng này, theo anh Hùng, do trong làng có nhiều hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm cung cấp thực phẩm vào nội thành từ nhiều năm nay, chất bẩn dồn ứ vào ao làng nên lâu dần gây ô nhiễm nguồn nước.
Theo người dân địa phương, do trong làng có nhiều hộ giết trâu bò, chất thải ùn ứ ra ao làng khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Mỗi ngày, các lò này mổ hàng chục con trâu, bò và hàng trăm con gà, ngan, vịt. Nước thải dồn ra cống, ao làng. "Lâu ngày, nguồn nước này tích tụ biến ao làng thành nơi chứa nước thải hôi thối khiến bệnh tật phát sinh", anh Hùng nói.
Anh Hùng cùng nhiều người dân trong thôn bày tỏ mong muốn làng sớm có hệ thống nước máy sạch dùng để yên tâm và đảm bảo sức khỏe.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Chính (64 tuổi), Trưởng thôn Linh Quy cho biết, thôn có 430 hộ dân với 1.450 nhân khẩu đang phải ăn uống nguồn nước có mùi hôi tanh.
Theo ông Chính, những năm nay gần các hộ dân ở đây phải mua bình nước đóng sẵn kết hợp nguồn nước mưa dự trữ. Trong khi đó, nhiều hộ điều kiện kinh tế khó khăn không có kinh phí mua bình nước sạch phải chấp nhận sử dụng nước lọc từ giếng khoan.
Vị trưởng thôn Linh Quy cho hay, hiện tại trong thôn có khoảng 20 hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm. Những hộ này hoạt động thường xuyên khiến hệ thống cống rãnh luôn trong tình trạng ùn ứ chất thải. Nguồn nước không đảm bảo kéo theo nhiều bệnh tật, đặc biệt bệnh ngoài da và tiêu hóa.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Kim Sơn cho biết, các lò giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã nhắc nhở, xử các cơ sở không phép này.
“UBND xã đã kiến nghị di dời các lò mổ ra ngoài nhưng đến nay chưa thực hiện được. Cuối năm 2014, đoàn kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã về lấy mẫu nước nghiên cứu nhưng đến nay chưa có hồi âm. Theo đề án quy hoạch, năm 2015, xã sẽ có đường ống nước sạch từ nhà máy dẫn về nhưng hiện vẫn chưa thấy”, ông Hải cho biết thêm.
Nói về hiện tượng nước khi pha trà chuyển màu đen sì, ông Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho biết, do nguồn nước người dân sử dụng bị nhiễm sắt nặng.
“Khi người dân sử dụng nguồn nước này để pha trà thì lập tức chuyển màu đen xì do hàm lượng sắt trong nước rất cao, hàm lượng sắt đó nó sẽ tác dụng với chất chát ở trong nước trà khiến nước bị đen lại như chè đỗ đen đặc”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, nếu nguồn nước có mùi tanh, người phải làm vòi bơm nước từ trên cao như vòi hoa sen sau đó tạo thành hệ thống phun mưa từ trên cao xuống bể, để các chất sắt tác dụng với ô xy trong không khí, sau đó sắt sẽ lắng xuống lấy nước trong để sử dụng.
Ông Thịnh cũng đưa ra lời khuyên: “Nếu sử dụng nước có hàm lượng sắt cao thì giặt quần áo bị ố vàng, sắt có mùi tanh khó ăn. Khi ăn thì không thể tiêu hóa được nên người dân phải lọc sạch nước mới có thể sử dụng được”.