Hà Nội: Giá thịt gà tăng phi mã
Những ngày qua, giá gà tại các chợ lẻ Hà Nội tăng chóng mặt, báo chí liên tục phản ánh cùng một số doanh nghiệp khẳng định đang thiếu nguồn cung thịt gà. Tình hình có thực sự đáng báo động, nhất là khi năm hết tết đến?
Gà dội chợ
Chị Nguyễn Thị Thu, một tiểu thương buôn bán gà tại chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội), cho biết: Chưa bao giờ giá gà tăng nhanh như những ngày qua, chỉ trong vòng một tháng giá gà đã tăng 20%-30% tùy từng loại. Trong đó, gà công nghiệp tăng cao nhất từ 60.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; gà mía (gà lông đỏ) từ 90.000-95.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; gà ta từ 130.000-140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg.
“Giá cao có bán được đâu. Trước mỗi ngày tôi bán bốn năm chục con, mấy ngày này chỉ được hơn chục con. Khách chê đắt quá, chuyển qua ăn các loại thực phẩm khác hoặc mua thịt đông lạnh trong siêu thị” - chị Thu ngán ngẩm.
Nguyên nhân giá gà tăng nhanh, nhất là gà công nghiệp, theo chị Thu là do gà đầu trọc (gà công nghiệp thải loại nhập lậu từ Trung Quốc) đang khan hàng. Trong khi đó, người dân ngoài này thích các loại gà dai, thịt chắc nên giá loại gà này tăng nhanh, kéo theo giá các loại thịt gà khác và cả trứng gà công nghiệp cũng tăng (giá bán buôn thêm 300-400 đồng/quả, giá bán lẻ thêm hơn 600 đồng/quả). Không chỉ vậy, hàng loạt các loại thực phẩm khác chế biến từ gà như phở gà, bánh mì trứng… cũng thêm 3.000-5.000 đồng/suất so với trước.
Gà dội chợThịt gà mía bán lẻ tại chợ Đội Cấn hiện có giá 120.000 đồng/kg
Anh TMT, một chủ hàng người Bắc Giang, trước đây hay đánh gà lậu từ Lạng Sơn về Hà Nội, cho biết một tháng nay các cơ quan chức năng làm gắt nên gà lậu không vào được khiến giá gà nội địa tăng cao. Dân buôn gà lậu chuyển sang đánh gà và trứng từ phía Nam ra để phục vụ cho thị trường miền Bắc.
Người chăn nuôi tiếc nuối
Giá thịt gà bỗng dưng tăng trở lại khiến các chủ trang trại, người chăn nuôi từng thua lỗ tiếc đứt ruột.
Chị Trần Thị Thúy, chủ một trại gà tại Thái Nguyên, than thở: “Năm 2011, tôi phải bán cả nhà để mở rộng trại gà giống, làm chu trình khép kín. Nhưng mọi thứ thay đổi quá nhanh, đầu vào chăn nuôi cái gì cũng tăng, lại phải cạnh tranh với gà giống của Trung Quốc nên không cầm cự nổi phải bỏ chuồng cả nửa năm nay. Giờ chỉ biết tiếc!”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhằm phục vụ nhu cầu thịt tết, nhiều chủ trang trại và người chăn nuôi đã tập trung đầu tư tái đàn nhưng đa phần gặp khó khăn về vốn và giá đầu vào. Hiện giá gà mía giống tại thị trường miền Bắc vào khoảng 12.000-15.000 đồng/con; giá thức ăn chăn nuôi tăng 200-300 đồng/kg, có loại tăng 500-600 đồng/kg…
Tết vẫn đủ thịt gà?
Trao đổi với phóng viên chiều 27-12 qua điện thoại, ông Nông Ngọc Tăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết một tháng qua lượng gà nhập lậu vào Lạng Sơn giảm đáng kể do sự quyết liệt của chính quyền và lực lượng liên ngành chống buôn lậu của tỉnh.
Tình trạng vận chuyển gà lậu tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tương tự. Theo đó, những xe chở gà nhập lậu đã vắng bóng trên các tuyến đường của Quảng Ninh như quốc lộ 18, quốc lộ 10, khu vực biên giới Móng Cái… Trước đó, lượng gà lậu các loại từ Trung Quốc qua đây lên tới 100-200 tấn/ngày.
Liệu thị trường tết có khan hiếm thịt gà? Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Chắc chắn sẽ không thiếu thịt gà vì nguồn cung trong dân còn nhiều. Chuyện giá thịt, trong đó có thịt gà tăng vào dịp cuối năm là theo lệ thường, dự báo giá các loại thịt sẽ tăng thêm 5%-7%”.
Mức tăng giá ở các trang trại hiện nay được ông Nguyễn Đăng Văng, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận định chỉ cao hơn so với các tháng trước trong năm và đúng bằng giá thành sản xuất mà người nuôi hòa vốn hoặc có lãi chút ít.
Bên cạnh đó, việc giá gà phía Bắc tăng đột biến do nguồn cung hạn chế còn làm xuất hiện thông tin phải nhập thịt gà từ miền Nam ra bán. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các doanh nghiệp chăn nuôi chế biến thực phẩm, các trang trại miền Đông Nam Bộ - khu vực chăn nuôi lớn nhất cả nước - đều khẳng định: Không có tình trạng này.