Hà Nội gia tăng nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Với thời tiết bất thường từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 10.447 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), chưa có trường hợp tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết có nhiều biến chứng nguy hiểm người dân không nên chủ quan.

Theo TS Hoàng Đức Hạnh-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 22/11, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 10.447 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), chưa có trường hợp tử vong. 

So với năm trước, số ca mắc tăng nhưng so với cùng kỳ năm 2009, là năm có dịch trên địa bàn Hà Nội thì giảm 29%. Cùng kỳ năm 2009, toàn thành phố ghi nhận 14.632 trường hợp mắc SXH, trong đó 4 trường hợp tử vong. Hiện tại, hơn 9.600 trường hợp mắc đã khỏi hoàn toàn, chiếm 92,4%.

Bệnh nhân phân bố tại tất cả các quận, huyện, thị xã nhưng tập trung chủ yếu ở quận Hoàng Mai, Đống Đa , Hai Bà Trưng , Hà Đông , huyện Thanh Trì. Tổng số bệnh nhân mắc tại 5 quận, huyện này chiếm 64,4% số ca mắc toàn thành phố, còn lại phân bố rải rác tại các quận, huyện thị xã khác.

TS Hoàng Đức Hạnh cũng cho biết, số trường hợp mắc SXH tăng trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội nằm trong xu thế tăng chung của tình hình dịch trên cả nước và thế giới do năm 2015 thời tiết có diễn biến bất thường bởi hiện tượng El Nino nóng bức, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

 Phó Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo, việc phòng SXH quan trọng nhất là tránh bị muỗi đốt, vì vậy người dân cần mắc màn khi ngủ; đồng thời, phải diệt được muỗi trưởng thành,loại bỏ tất cả nơi muỗi đẻ như đồ phế thải, nơi nước đọng…

sốt xuất huyết gia tăng
Diệt muỗi  phòng bệnh SXH bảo vệ gia đình (ảnh minh họa)

Sốt xuất huyết gây biến chứng bất thường


Những ngày gần đây cộng đồng mạng xôn xao về nam diễn viên Por Tridsadee Sahawong (Thái Lan) phải cắt bàn chân, xuất huyết màng phổi do biến chứng của sốt xuất huyết khiến. Không ít người lo lắng, hoang mang bởi những biến chứng không ngờ của bệnh này.

Theo các chuyên gia  y tế biến chứng thường gặp nhất khi bị sốt xuất huyết và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các trường hợp tử vong là thoát huyết tương. Đó là hiện tượng huyết tương bị thoát qua thành mạch, kéo theo nước dẫn đến mất một lượng nước lớn trong tuần hoàn gây trụy mạch. Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết ở người mẹ mang thai có thể gây suy thai hoặc đẻ non, thai chết lưu. Với người mẹ thì rất có thể bị chảy máu khó cầm, tiền sản giật, làm tổn thương đến chức năng gan, thận, chảy máu kéo dài khi chuyển dạ. Do đó với phụ nữ có thai, nếu có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguy hiểm hơn, nếu lượng huyết tương bị thoát lớn, ồ ạt sẽ gây bụng to, cổ trướng. Loại biến chứng sốt xuất huyết nữa gây nguy hiểm là xuất huyết bất thường do rối loạn nguyên tố đông máu như: Chảy máu cam dữ dội, rong kinh, chỗ chích bị bầm tím, xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết nội tạng...

Không tự ý điều trị

Khi bị sốt xuất huyết nên hay không nên tự ý  truyền dịch? Theo ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) những ngày đầu, khi bệnh nhân sốt cao, ăn kém, nôn và tiêu chảy gây mất nước thì cần truyền dịch để bù lại lượng nước và điện giải đã mất, tránh hiện tượng cô đặc máu.

 Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo của bệnh, khi đã có tăng tính thấm thành mạch, thoát dịch ra ngoài thì cần truyền dung dịch cao phân tử để kéo dịch trở lại lòng mạch, đồng thời tăng cường đào thải dịch ra ngoài bằng các thuốc lợi tiểu. Nếu ở giai đoạn này vẫn truyền nhiều dịch và không tăng cường thải dịch ra ngoài thì bệnh nhân sẽ có nguy cơ tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng, màng tim) và phù phổi cấp, rất nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. Khi truyền dịch hay bất cứ điều trị bằng phương pháp nào cần có chỉ định các bác sĩ.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết


Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Mặc quần áo dài tay.

Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.

Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Chia sẻ