Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản tại huyện Phúc Thọ
Hà Nội vừa ghi nhận 1 ca mắc viêm não Nhật Bản, là bé trai 12 tuổi, ở huyện Phúc Thọ.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội vừa ghi nhận 1 ca mắc viêm não Nhật Bản; bệnh nhân là bé trai 12 tuổi, ở huyện Phúc Thọ. Đây cũng là ca bệnh đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm nay.
Bệnh nhi khởi phát với các triệu chứng sốt cao, đau đầu; sau đó xuất hiện thêm biểu hiện bị cứng gáy, đi lại loạng choạng và được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Kết quả xét nghiệm dịch não tủy của bệnh nhi cho thấy bệnh nhi dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, viêm não, màng não do virus, vi khuẩn không có dấu hiệu điển hình mà biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi.
Thường bệnh nhân có những triệu chứng giống với các bệnh viêm đường hô hấp khác như: Sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn vọt hay có những trẻ cũng không biểu hiện những triệu chứng đó.
Vì thế, khi trẻ có bất cứ triệu chứng nào giống như cảm cúm, sốt, sổ mũi, đặc biệt là kêu đau đầu và nôn, sốt cao mà việc dùng thuốc hạ sốt không mang nhiều hiệu quả giảm sốt, giảm đau; triệu chứng buồn nôn, nôn không liên quan đến bữa ăn thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện để được theo dõi, chẩn đoán và điều trị sớm, giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm cho bé.
Khi thăm khám, các bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ toàn thân không… để quyết định chọc dịch não tủy chẩn đoán xác định.
Với thể viêm não, viêm màng não do vi khuẩn, chỉ sau một đến hai ngày bị viêm não, bệnh đã có thể chuyển sang giai đoạn nặng hơn khiến não bị tổn thương, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu cứu được cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề về thần kinh. Nếu được phát hiện sớm, não chưa bị tổn thương, tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao hơn, ít di chứng thần kinh hơn.
Theo các bác sĩ, viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm. So với các thể viêm não khác, bệnh nhi viêm não Nhật Bản rất nguy kịch, nặng nề, nguy cơ để lại di chứng thần kinh sau này là khó tránh khỏi.
Để phòng viêm não Nhật Bản, trẻ cần được tiêm mũi 1 khi được 12 tháng tuổi; mũi hai sau mũi một 1-2 tuần; mũi ba cách mũi hai một năm. Đặc biệt, cha mẹ cần cho trẻ đi tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ mới đạt 90 – 95%. Nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ; tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Nên nhắc lại bằng 1 mũi vaccine phòng viêm não Nhật Bản khoảng 5 năm sau để cũng cố miễn dịch.