Hà Nội: Gặp người phụ nữ bị tiểu thương chợ Tân Lập đòi ném thịt lợn xuống ao
12 con lợn nuôi đã đến kỳ xuất chuồng nhưng tiểu thương không mua, bà Hồng đành mổ lợn bán nhưng khi bán đến con thứ 6 bị tiểu thương chợ Tân Lập (Đan Phượng – Hà Nội) có hành vi ngăn cản, đòi ném thịt xuống ao.
Tự mổ bán vì tiểu thương không mua
Tìm đến người phụ nữ lớn tuổi bị các tiểu thương chợ Tân Lập đòi "cướp" thịt vứt xuống ao gây xôn xao mạng xã hội ngày 31/5 vừa qua chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khốn đốn của người nông dân khi giá lợn bị rớt đến mức kỷ lục.
Bà Hồng và nhóm tiểu thương xảy ra xích mích tại khu vực gần chợ Tân Lập.
Bà Đỗ Thị Chút (sinh năm 1952, tên thường gọi là Hồng trú tại xã Cát Quê – Hoài Đức – Hà Nội) người xuất hiện trong đoạn video cho biết: Gia đình làm nông, có chăn nuôi 12 con lợn để kiếm đồng ra đồng vào phụ vào chi tiêu hàng ngày. Tuy nhiên, những năm trước khi giá lợn ổn định thì không sao, tiểu thương rất thích mua lợn của gia đình bởi lợn được chăm sóc chủ yếu bằng rau chuối, cám gạo và bã rượu.
Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, khi đàn lợn 12 con đến kỳ xuất chuồng nhưng tiểu thương không mua hoặc trả giá quá thấp, thấp đến mức gia đình bà ước lượng sẽ lỗ khoảng 20 triệu đồng so với mọi năm. Quá tiếc công sức của mình, bà Hồng đã tính đến việc tự mổ lợn và đem bán quanh nơi mình sinh sống.
Bà Hồng bên đàn lợn của gia đình.
"Gia đình tôi nuôi tổng 12 con lợn và đã mổ bán được 6 con trước khi xảy ra sự việc trên. Trước đó, tôi mổ bán cho bà con quanh nơi sinh sống tuy nhiên thời gian gần đây khi đổ rượu cho mối bên Tân Lập thì một số người nói mang sang bán nhiều người sẽ ủng hộ", bà Hồng kể.
Trong quá trình mang thịt lợn sang bên Tân Lập bán, bà Hồng đã bán được thịt trong các ngày 26 và 27/5, mỗi lần bán thường từ 30-40kg thịt.
Cũng theo bà Hồng, đến ngày 27/5 bà đã mang 40kg thịt các loại đến gần khu vực chợ Tân Lập để bán, khu vực bán thịt của bà Hồng cách chợ khoảng vài trăm mét. Giá mỗi kg thịt bà bán dao động từ 40-60 nghìn đồng/kg tùy loại. Việc bà Hồng bán thịt được cho là rẻ hơn và thịt ngon hơn so với các tiểu thương đang bán tại chợ, là nguyên do của sự việc.
"Tôi mang khoảng 40kg thịt sang bán thì bất ngờ bị nhóm tiểu thương trong chợ ra gây sự và đe dọa. Lúc đó bản thân sợ họ vứt thịt xuống ao nên giằng lại và giấu thịt đi", bà Hồng chia sẻ.
Liệu còn xuất hiện tình trạng "con gà tức nhau tiếng gáy"
Trước khi xảy ra sự việc của bà Hồng bị nhóm tiểu thương "cướp" thịt đòi ném xuống ao thì vào ngày 11/5 vừa qua tại TP. Hải Phòng cũng đã xảy ra sự việc chị Xuyến tự mổ thịt lợn bán bị 1 tiểu thương dùng chất thải tạt vào phản thịt gây bức xúc.
Theo đó, vào khoảng 9 giờ sáng ngày 11/5, khi chị Xuyến mang thịt lợn bày bán ở chợ Lương Văn Can (phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) thì bất ngờ bị hắt cả xô dầu luyn trộn phân lợn và nước cống lên người cùng toàn bộ số thịt.
Hiện trong chuồng gia đình bà Hồng còn lại 6 con lợn.
Một số tiểu thương chứng kiến sự việc cho biết, chị Xuyến bán thịt với giá 45.000-50.000 đồng/kg trong khi mẹ con người phụ nữ kia bán giá 70.000-80.000 đồng/kg. Cho rằng chị Xuyến phá giá, mẹ con người phụ nữ đã "ra tay trừng trị đối thủ"
Quay trở lại sự việc của bà Hồng diễn ra vào sáng 30/5, trước cổng chợ Tân Lập. Nội dung đoạn video clip cho thấy, người phụ nữ lớn tuổi mang phản thịt lợn ra bán thì bị 1 nhóm tiểu thương khoảng 4 người phụ nữ trẻ tuổi hơn trước ngực mặc tạp dề lao vào cãi lộn đòi "cướp" miếng thịt lợn ở trên tay người này. Nhóm tiểu thương lời qua tiếng lại với người phụ nữ lớn tuổi và nói rằng ở đây có nhiều thịt lợn rồi sau đó đòi mua lại số thịt lợn người phụ nữ lớn tuổi mang đến bán trong sự can ngăn của một số người dân.
Giá lợn giảm sâu khiến rất nhiều nông dân khốn đốn, nhiều gia đình phải tự mổ lợn bán nhưng gặp không ít khó khăn.
Liên quan đến vụ việc trên, sáng 1/6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Quy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, qua xác minh sự việc thì đây chỉ là xô xát chưa gây hậu quả chứ không phải cướp thịt lợn như thông tin trên mạng.
"Ngay khi có thông tin, chính quyền xã đã chỉ đạo công an xã triệu tập các hộ tiểu thương để xử lý; mặt khác, yêu cầu khi người dân bán thịt lợn phải mang vào chợ, có các chứng nhận vệ sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm", ông Quy thông tin.
Ông Quy cũng cho rằng hành động của các tiểu thương là không đúng, nhất là thời điểm giá lợn xuống thấp người dân cần giúp đỡ nhau. "Tuy nhiên, khi người dân nơi khác mang lợn đến bán mà không có giấy kiểm dịch hay giấy chứng nhận vệ sinh thì việc mua bán cũng không đúng. Do đó, tôi đề nghị ban thú y xã và ban quản lý chợ yêu cầu hộ dân đến bán phải có chứng nhận đầy đủ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm".