Hà Nội: F0 test nhanh y tế không đón, tự chữa khi âm tính bị gọi đi điều trị tập trung
4 ngày vào khu điều trị, cách ly tập trung vẫn chưa có đơn thuốc; tự điều trị tại nhà 10 ngày test nhanh âm tính mới được thông báo đi điều trị tập trung…
Đây là những phản ánh của một số F0 tại Hà Nội mà chúng tôi ghi nhận được trong những ngày qua.
Chậm được tiếp cận y tế
Chị N.B (Hà Nội) cho biết, con chị đang học lớp 9 là F0, được đưa đi cách ly tập trung cùng các bạn F0 cùng lớp.
“Nhưng hôm nay là 4 hôm rồi mà chưa có đơn thuốc gì cả ạ. Hàng ngày có người đi hỏi xem các triệu chứng của cháu thôi chứ cũng chưa được test hay uống thuốc. Mong các bác sỹ cho e biết như thế có đáng lo ngại không, nếu có thì nên uống thuốc gì để phía gia đình chủ động mua gửi vào cho con (ngoài kẽm với C ra)”, chị N.B. đặt câu hỏi với các bác sĩ quân y tư vấn miễn phí cho bệnh nhân Covid-19 tại Hà Nội.
Trong khi đó, một công dân khác cũng phải lên mạng hỏi tư vấn của bác sĩ khi chị gái cô bị Covid-19 vào ngày hôm qua.
Hiện chị gái cô chỉ bị nghẹt mũi và chưa có các triệu chứng khác. Tuy nhiên, điều cô lo lắng là y tế không phát cho “thuốc uống kháng virus hay gì cả chỉ bảo súc họng”.
Vì thế, cô này hỏi “giờ cho uống thuốc Favipiravir 400mg luôn được không ạ?”.
Không chỉ chậm tiếp cận với y tế, mà nhiều người dân Thủ đô cũng phản ánh tình trạng phải chờ đợi quá lâu kết quả xét nghiệm khẳng định Covid-19. Điều này khiến nhiều F0 rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở”.
Đó là trường hợp gia đình anh B. ở khu đô thị cao cấp ở quận Hai Bà Trưng. Ngày 4/12, vợ anh bị sốt sau đó 1 ngày thì chị này đau họng, đo nhiệt độ 37.5 độ. Vì nghi ngờ mắc Covid-19 nên chị đã test nhanh cho kết quả âm tính.
Anh B. không có biểu hiện gì nhưng test nhanh lại cho kết quả dương tính.
Sáng 6/12 anh báo cáo lên y tế phường thì đến chiều tối ngày 7/12, y tế phường vào lấy mẫu để làm xét nghiệm PCR.
“Chúng tôi đã nghiêm chỉnh tự cách ly trong nhà và nhờ người nhà mua thuốc tự chữa trị đến ngày 11/12 tôi nhận được điện thoại thông báo của nhân viên y tế phường kết quả: cả hai vợ chồng dương tính”, anh B. cho hay.
Theo anh B ngay từ khi có dấu hiệu nghi ngờ thì cả hai vợ chồng anh chị đã “ở trong nhà suốt mấy ngày, tự điều trị tại nhà. Đến nay (11/12) là được 10 ngày. Anh chị cũng tự test nhanh tại nhà trong ba ngày liên tiếp 11- 12- 13/12 đều cho kết quả âm tính.
“Trong ngần ấy ngày mà y tế phường không có biện pháp chữa trị hay thăm khám xem bệnh nhân thế nào thì hôm nay tôi lại nhận được điện thoại thông báo đi viện tập trung. Tôi đã trình bày và có đơn xin được điều trị tại nhà từ hôm 11/12 nhưng họ vẫn không chấp nhận”, anh B. thông tin.
Anh B. vô cùng lo lắng và thấy khó hiểu khi đã liên tục test nhanh âm tính 3 ngày mà vẫn phải vào bệnh viện điều trị cùng các F0 khác trong khi trước đó test dương thì chờ đợi mãi không được đưa đi điều trị.
BS Huỳnh Tấn Vũ – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khi trở thành F0, trong quá trình điều trị cũng như sau điều trị việc tập luyện của người bệnh vô cùng quan trọng.
Phải coi test nhanh (kể cả tự test) nếu (+) là người nhiễm Covid-19
Trao đổi với phóng viên về những bất cập đang xảy ra trên thực tế khiến người dân cảm thấy không yên tâm, PGS.TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội thẳng thắn chỉ ra nhiều nguyên nhân.
Theo chuyên gia, Hà Nội không nhất quán trong việc ưu tiên F1, F0 điều trị tại nhà, chưa phát huy vai trò của test nhanh và tự test của người dân trong khi nhân viên y tế chậm đến với người dân tại thời điểm họ thông báo đã bị nhiễm/nghi nhiễm Covid-19. Các hoạt động tư vấn từ xa, cung cấp thuốc điều trị, hướng dẫn cách phòng ngừa chưa tốt…
“Những nguyên nhân trên dẫn đến lo lắng cho người dân và nguy cơ làm lan truyền dịch nếu họ không tuân thủ đúng quy định phòng ngừa hoặc tự đến bệnh viện, đồng thời dẫn đến tiếp cận y tế chậm có thể làm tăng nguy cơ tử vong nếu họ bị nhiễm thật hoặc chuyển biến nặng nhanh”, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.
Hơn thế nữa, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội chống dịch vẫn nặng về các biện pháp hành chính, chưa phát huy hết vai trò của người dân và các tổ chức xã hội vào công tác chống dịch.
“Điều này khó đáp ứng với tình hình dịch hiện nay”, PGS. TS Việt Hùng cảnh báo.
Do đó, Hà Nội cần phải nhất quán trong việc cách ly, điều trị tại nhà để mọi người dân chủ động trong việc cách ly, điều trị, nhất là trong những ngày đầu bị nhiễm.
Phải hỗ trợ tối đa cho người dân về các kiến thức tự cách ly, điều trị. Cung cấp nhanh nhất thuốc thiết yếu đặc biệt là thuốc kháng virus cho người nhiễm khi họ điều trị tại nhà.
“Phải coi test nhanh (kể cả người dân tự test) nếu cho kết quả dương thì xác định là người nhiễm Covid-19. Không làm, không chờ kết quả RT-PCR để khẳng định”, PGS. TS Việt Hùng nhấn mạnh.
Đặc biệt Hà Nội cần phải thành lập các trung tâm điều phối thuốc để đảm bảo cung cấp thuốc kịp thời cho người nhiễm. Cấp thuốc theo hệ thống y tế sẽ chậm vì mất nhiều thủ tục hành chính, và người nhiễm cũng khác nhau ở các quận huyện.
Hà Nội cần phải tăng cường hơn nữa năng lực xét nghiệm để đảm bảo trả kết quả <12 giờ, tránh tình trạng chờ kết quả xét nghiệm nhiều ngày như hiện nay.
Đặc biệt Thủ đô phải đưa các Bệnh viện phòng khám tư, thầy thuốc tình nguyện vào tham gia phòng chống dịch, điều trị người bệnh.
“Các đơn vị chuyên môn cần rà soát lại và tiêm vắc xin sớm cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong chưa được tiêm vắc xin. Đặc biệt cần bỏ ngay các biện pháp phòng dịch mang tính hành chính, ít hiệu quả như: Cấm mở cửa hàng sau 21 giờ hoặc không bán hàng tại chỗ...”, PGS. TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.