Hà Nội đua... “mua, bán“ suất vào trường tiểu học
Để kiếm một chỗ học cho con trong năm học tới, nhiều phụ huynh đã huy động hết các mối quan hệ, từ bạn bè đến đồng nghiệp, các mối quan hệ với nhà trường như công an, UBND phường nơi trường đóng... cũng là một áp lực đối với hiệu trưởng trong việc “chạy trường”.
"Đến mùa lại chạy"
Nếu như những năm trước, trên các diễn đàn Internet, việc mua bán suất vào lớp 1 diễn ra khá rầm rộ và công khai với những lời rao như: “Cần nhượng một suất xin vào lớp 1 trường tiểu học T.V”, “suất học cho bé vào lớp 1 trường T.A”, “có một suất vào trường tiểu học NTC, lớp chọn”... thì năm nay, việc rao bán này có phần “bí mật” hơn, chỉ là những “rỉ tai” của các mẹ, các chị trên các diễn đàn dành riêng cho các bậc làm cha mẹ với các hội, các nhóm có con chuẩn bị vào lớp 1; người đi trước chỉ đường, mách mối cho người đi sau.
Anh Hiếu (quận Ba Đình) cho biết: “Sốt ruột vì con đầu lòng năm nay vào lớp 1, tôi cũng hay vào các diễn đàn như lamchame, webtretho để hỏi ý kiến. Hầu hết các mẹ đều nói, cách tốt nhất là tìm cách làm quen với một giáo viên của trường, sau đó quà cáp nhờ giáo viên này giới thiệu với Hiệu trưởng. Như thế vừa chắc chắn, mà giá lại “mềm” hơn chạy “cò”. Cái khó là tìm được giáo viên để quen thôi”. Anh Hiếu cho biết thêm: “Mềm” thì “mềm”, giá chung bây giờ cũng phải tầm 1.000 USD trở lên”.
Hình chỉ mang tính minh họa
Chị Phương (Nghĩa Tân-Hà Nội) cũng tìm mọi cửa để cho cậu quý tử nhà mình vào thực nghiệm. Năm học 2013-2014, cậu cả vào lớp 1. Mặc dù nhà ở Nghĩa Tân, nhưng chị Phương lại cố “chạy” cho con vào trường Tiểu học T.H (Ba Đình - Hà Nội), vừa trái tuyến, lại trái cả đường đi.
Chị cho biết: “Trường tiểu học T.H được coi là điểm mơ ước của nhiều phụ huynh. Để “mua” một chỗ học cho con ở trường này, vợ chồng tôi sẵn sàng từ bỏ và chấp nhận bỏ ra “bao nhiêu cũng được”.
“Mua” được chỗ ở trong trường, chị Phương tiếp tục cuộc “săn” tìm địa chỉ để con học chữ trước khi vào lớp 1. Tan lớp mẫu giáo Minh Nhật được mẹ dí hộp sữa vào tay, giục uống nhanh lên để kịp tới lớp luyện chữ để tháng 9/2013 vào lớp 1. Nhiều hôm, vì muốn chơi xích đu thêm, cu cậu không chịu, khóc lu loa. Người ngoài nhìn thấy, ai cũng tỏ ra ái ngại, nhưng với chị Phương đó là một niềm tự hào.
Những câu chuyện kể trên, mùa tuyển sinh nào cũng xảy ra và âm ĩ từ cuối học kì II của năm học. Nhưng nó thực sự “nóng” khi không khí thi cử, tuyển sinh bắt đầu vào chặng nước rút với không chỉ bậc học tiểu học mà cả với bậc THCS.
Hàng loạt tên trường được đưa vào “tầm ngắm” của phụ huynh như: Tiểu học D.V A (Cầu Giấy), THCS L.Q.Đ (Cầu Giấy), Tiểu học T.A, tiểu học Q. T, T. V, THCS N.D, THCS T.V (Hoàn Kiếm), tiểu học K.Đ, THCS H.D (Ba Đình), tiểu học N.T. C, (Đống Đa), Tiểu học T.N…
Cuộc đua có tương xứng?
Trường “làng” là thuật ngữ không chỉ xuất hiện ở các vùng nông thôn mà ngay tại các quận nội thành của Hà Nội, quan điểm trường “làng” vẫn còn tồn tại. Trong tâm trí của các phụ huynh thì một số trường ở Đ.C (Đống Đa), K. M (Ba Đình), K. T (Đống Đa) vẫn chỉ là những "trường làng".
Họ không tin vào chất lượng của những trường này nên cố gắng “vùng vẫy” để thoát ra. Chị Mai Quỳnh Trang có hộ khẩu ở Vạn Phúc, Ba Đình, con trai chị sang năm vào lớp 1, nhưng chị nhất quyết xin cho con vào tiểu học K. Đ. Lý do là trường ở Vạn Phúc là trường làng.
Cuộc đua vào các trường điểm của các phụ huynh đôi khi lại không đạt kết quả như mong muốn. Lo lắng tốn kém không biết bao nhiêu để có một suất “ngoại giao” ở trên UBND quận rót xuống. Chị Đ. K. L (Đống Đa - Hà Nội), nghĩ mình đã tìm được một môi trường tốt cho con học tập, nhưng sau gần 2 tháng học, chị nhận ra rằng mình đã sai lầm.
Chị L kể: “Khi con chưa vào trường, tôi nghe các phụ huynh khác nói: “Trường Tiểu học L.Q.Đ (Từ Liêm -Hà Nội) rất tốt!”. Vì vậy, huy động các mối quan hệ của cả vợ lẫn chồng một cách bền bỉ hơn một năm trời, tôi cũng có được một chỗ cho con học ở trường. Nhưng sau một kì học đầu tiên, tôi nhận ra rằng mình đã sai lầm. Vì mọi cái không giống những điều các phụ huynh nói. Tiền đóng góp cao, nhưng chất lượng dạy và học rất kém, thậm chí bữa ăn bán trú cũng không xứng với “đồng tiền bát gạo” mình bỏ ra.
Đặc biệt, gần đây tôi rất thất vọng. Khi giáo viên giỏi của trường cứ lần lượt ra đi, đứng lớp chủ yếu là giáo viên mới ra trường, vừa thiếu kinh nghiệm lẫn kĩ năng sống. Nhiều phụ huynh đã chuyển trường cho con. Bản thân tôi cũng rất muốn chuyển, nhưng sợ với chất lượng dạy ở đây sang các trường công lập cháu không theo được. Tôi cảm thấy rất hoang mang!”.
Bác P.V.B. xin được cho cháu ngoại vào trường điểm ở quận Đống Đa, sĩ số 60 cháu/lớp, cháu bác B bị loạn thị nhưng vì lớp quá đông, cô giáo không quan tâm xuể, xếp ngồi bàn thứ 5. Hậu quả sau một năm học, mắt con bé chỉ có 4/10. Bức xúc, bác B. đưa cháu về học đúng tuyến.
Thực tế, câu chuyện trường điểm nhồi nhét 50 - 60 học sinh/lớp là hết sức bình thường và diễn ra hầu hết các quận trên địa bàn Hà Nội. Và theo chính những giáo viên lớp ngoại giao thì không phải mọi học sinh trong lớp đều có tố chất thông minh, thậm chí học sinh tiếp thu bài cũng chỉ hơn các lớp cuối chút ít mà thôi.
Ngoài ra, có hiện tượng trường điểm nhưng sáng học ở trường, chiều bán trú ở nhà dân; trường điểm cho các cháu ngủ trưa trên bàn; trường điểm chạy đua bệnh thành tích… chỉ thương cho những “mầm non” tương lai của đất nước bị “ép” theo ý của bố mẹ, nên từ một đứa trẻ bình thường bỗng chốc trở thành “bệnh nhân”.