Hà Nội: Đổ xô đi sắm quần áo rét

,
Chia sẻ

Những đợt rét đầu đông đang khiến thị trường quần áo trở nên rất sôi động.

Tại các dãy phố bán quần áo lớn như Hàng Đào, Chùa Bộc, các cửa hàng trên đường Xuân Thuỷ, Nguyễn Trãi… lượng người mua bán, vào ra tấp nập. Năm nay người tiêu dùng có xu hướng chọn mua hàng của các hãng trong nước.

Chen nhau đi mua quần áo mùa đông

Tại phố Hàng Đào, nơi tập trung rất nhiều các cửa hàng quần áo, từ sáng đến tối, lượng người đổ về mua sắm đông nghẹt, khiến tắc đường đã trở nên thường xuyên vào giờ cao điểm. Trong các cửa hàng, lối đi cũng trở nên chật chội hơn bởi hàng hoá chất đầy và khách hàng chen nhau vào xem, mặc thử.

Trời trở lạnh, nhiều người chen nhau đi mua áo mùa đông.

Chị Nguyễn Thị Tiến, chủ cửa hàng Hafasco, 86 Hàng Đào, cho biết: “Dân mình có thói quen là cứ khi rét mới mua, thời tiết ấm thì bán chậm hơn. Những ngày ấm, người ta thử nhiều, mua ít nhưng những ngày lạnh thì nhao vào mua. Một tuần nay, lượng bán ra rất tốt”.

Còn tại hệ thống cửa hàng của Công ty Dệt len mùa đông, đường Nguyễn Tuân, các nhân viên cũng đang trong lúc bán “không kịp trở tay”. Chị Hà, một nhân viên bán hàng vừa lấy hàng cho khách, vừa nói: “Khách đã vào, rất ít người không mua. Những ngày này, bán từ sáng đến tối. Dù công ty chỉ quy định bán đến 21h nhưng có khách mua, 22h vẫn phục vụ”.

Cũng theo chị Hà, mặt hàng áo len có giá từ 100.000 - 150.000 đồng là bán chạy nhất; “doanh thu từ mỗi cửa hàng lớn có ngày được 20 triệu đồng còn những cửa hàng nhỏ cũng phải trên 10 triệu” - chị cho biết.

Tại phố Chùa Bộc (Hà Nội), tình trạng khách mua hàng quá tải cũng diễn ra thường xuyên, đặc biệt là vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Theo chị Mi, nhân viên cửa hàng Blue Exchange, gần một tuần nay, số lượng khách đến mua hàng tăng đột biến, vào ngày nghỉ nhiều khách phải đứng xếp hàng chờ đến lượt vào mua vì hết ngăn gửi đồ. Thậm chí nhiều người không gửi được xe đành phải ra về.

Dọc tuyến phố Chùa Bộc, rất nhiều cửa hàng phải đề biển “tuyển nhân viên” do lượng khách mua sắm đầu mùa đông và cuối năm tăng cao. Một nhân viên cửa hàng Nino Max cho biết: “Trước đây cửa hàng có 4 người, chia làm hai ca, nay tất cả làm một ca mà cũng không đủ để thanh toán cho khách, sắp tới chúng tôi chắc phải tuyển thêm người”.

Hàng nội địa lên ngôi

Điểm dễ nhận thấy là năm nay người tiêu dùng thường nhắm đến các thương hiệu nội địa như PT2000, Canifa, Foci, Blue Exchange, Nino Max… Trong khi một loạt cửa hàng thời trang ngoại nhập vẫn khá vắng khách. Các hãng thời trang này cũng thiết kế nhiều kiểu dáng trẻ trung, phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ từ 20-35 tuổi.

Năm nay các loại quần áo trong nước sản xuất được nhiều người ưa chuộng.

Nhiều mẫu trang phục được thiết kế với những tông màu tươi trẻ như hồng, cam, cốm..., bằng các chất liệu như cotton, lụa, thun và len mỏng, nhiều kiểu dáng trẻ trung, giá thành phù hợp, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.

Tại cửa hàng thời trang len Canifa của Công ty Dệt len Hoàng Dương, một nhân viên bán hàng cho hay, mới đầu mùa nhưng các loại khăn, mũ, áo len, kể cả loại dày cho những ngày lạnh đã bán rất chạy. Hàng cứ nhập về cao ngất lúc chiều thì chỉ đến tối là vơi dần. Một số mẫu được ưa chuộng, việc thiếu các cỡ tại cửa hàng là phổ biến.

Loại váy len lần đầu tiên được Canifa đưa ra năm nay với giá 240.000 đồng/chiếc được bán rất chạy. “Đa số khách hàng nữ chọn mua ngay lập tức dù thời điểm này chưa mặc được ngay. Hiện size S đã không còn hàng”, một nhân viên khẳng định.

Thu Thủy, sinh viên Học viện Ngân hàng đang chọn mua ở đây chia sẻ: “Tôi thấy hàng Việt Nam ngày càng tiến bộ về mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu, đặc biệt là giá cả cũng hợp lý, nên cứ thu về tôi lại đến đây để mua sắm quần áo”.

So với quần áo được bày bán trong các shop thời trang Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc, quần áo của các hãng trong nước có giá rẻ hơn đến một nửa. Một chiếc áo phao Hồng Kông hoặc áo dạ chất liệu bình thường, hình thức vừa phải mà giá niêm yết cũng từ 750 - 990.000 nghìn đồng. Trong khi hàng trong nước chỉ có giá từ 300 - 400.00 nghìn đồng.

“Giá đã đắt, nhưng thái độ của nhân viên bán hàng không dễ chịu. Khi mình mặc cả bớt xuống thì họ nói vẻ coi thường rằng ở đây không có hàng rẻ”, Thu Thủy bức xúc.

Chị Nga, chủ cửa hàng đại diện của Công ty may Thăng Long cho biết, hiện tại đa số khách đến mua quần áo thu đông, trong đó hàng mùa đông từ áo khoác lông vũ đến áo dạ, áo kaki nữ có doanh số tốt hơn hẳn.

“Người dân năm nay chuộng hàng Made in Vietnam do chất lượng hàng Việt ngày càng được nâng cao, giá cả phải chăng, mẫu mã đẹp. Mặt khác, lượng người chen nhau mua đông do số lượng hàng chỉ có hạn, nếu đã ưng mà không mua, lần sau quay lại không có”, chị Nga giải thích.
Theo Bee
Chia sẻ