Hà Nội đề xuất mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo
6 dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại CSGD mầm non, GDPT công lập đang được TP Hà Nội xem xét, ban hành Nghị quyết quy định cụ thể mức thu và cơ chế quản lý thu chi.
Ngày 13/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định danh mục các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao sự chuẩn bị khoa học, bài bản, đầy đủ của cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị quyết, bà Nguyễn Lan Hương cho rằng, đơn vị soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết đối với công tác nâng cao chất lượng dạy và học; xem xét mức trần áp dụng, để đảm bảo tính ưu việt, nhân văn của Nghị quyết. Sở Giáo dục và Đào tạo cần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh trong triển khai thực hiện Nghị quyết; tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản thu, chi theo quy định.
Cũng tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học đã bày tỏ ý kiến tâm huyết, quan điểm thẳng thắn đóng góp vào dự thảo Nghị quyết. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nêu ý kiến, đối với những nội dung thu theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND, đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét và làm rõ hơn, tiền dịch vụ bán trú 235.000 đồng/học sinh/tháng sẽ được tính toán sử dụng như thế nào cho phù hợp với mỗi cơ sở giáo dục; phân tích, làm rõ hơn nhu cầu thực tế để quy định mức thu hợp lý...
Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Hoàn Kiếm Vũ Thành Vĩnh nêu ý kiến, xây dựng danh mục các khoản thu và mức thu cần nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo hài hòa danh mục và mức thu các khoản dịch vụ, hỗ trợ tăng thêm phù hợp với khả năng chi trả của phụ huynh học sinh. Nếu tổng hợp tất cả các mức tăng của học sinh khi sử dụng các dịch vụ, hỗ trợ hằng tháng và trong năm học là số tiền lớn. Do vậy, cần xem xét kỹ lưỡng và quan tâm chế độ miễn giảm đối với học sinh thuộc diện chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, cần chú trọng nguyên tắc dân chủ trong việc thỏa thuận tự nguyện giữa cơ sở giáo dục với cha mẹ học sinh; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi để tạo sự đồng thuận xã hội trong tổ chức thực hiện.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Báo Đại đoàn kết.
Đưa ra những nội dung cần cân nhắc thêm trong dự thảo Nghị quyết, bà Đặng Thị Hồng Thái, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phân tích dư luận xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội là Thủ đô của cả nước nên cần có những chính sách ưu việt hơn về giáo dục đào tạo; nếu thành phố chưa có chính sách hỗ trợ chung thì nên có hỗ trợ cho từng vùng, từng đối tượng …
Trước đó, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nêu bật sự cần thiết ban hành Nghị quyết để phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển hiện nay. Từ năm 2013 các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội triển khai thực hiện các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục (thu khác) theo quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND. Đến nay, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về thẩm quyền danh mục, mức thu đối với khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập thuộc HĐND cấp tỉnh. Tuy nhiên do chưa có văn bản thay thế Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngoài ra, mức thu các khoản thu khác theo Quyết định số 51/2013/QĐ- UBND được thực hiện từ năm 2013 (đến nay đã hơn 10 năm), Nhà nước đã điều chỉnh mức lương cơ sở với tỷ lệ tăng khoảng 56,5%; mặt khác tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 so với năm gốc 2013 của thành phố Hà Nội là 33,44%. Trong khi mức thu các khoản thu khác (dịch vụ hỗ trợ giáo dục) đến nay của thành phố Hà Nội vẫn giữ nguyên nên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện dịch vụ hỗ trợ giáo dục.
Bên cạnh đó, hiện một số nội dung thu đã phát sinh tại các đơn vị nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quy định. Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập gặp khó khăn trong việc triển khai do không có cơ sở pháp lý, cụ thể như: Chương trình hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá; đối với cấp học mầm non, do đặc thù công việc một số cha mẹ phải đi làm sớm về muộn hoặc làm việc cả ngày thứ 7 và trong thời gian nghỉ hè rất cần được gửi con tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập ngoài giờ chính khóa; tiền ở của học sinh nội trú tại một số trường có khu nội trú (không bao gồm Trường Phổ thông dân tộc Nội trú)...