Hà Nội chia 3 vùng phòng chống COVID-19: Giao thông đi lại ra sao?
Sở GTVT Hà Nội vừa có phương án tổ chức giao thông tại các chốt kiểm soát chống dịch được hình thành theo sự phân vùng của UBND thành phố Hà Nội.
Phương án số 1469 của Sở GTVT Hà Nội nêu rõ: chỉ tổ chức phân luồng giao thông đối với người và phương tiện “được phép mới ra đường” và di chuyển từ vùng 1 (vùng đỏ) ra vào vùng 2 (vùng cam), vùng 3 (vùng xanh) và ngược lại thông qua 21 chốt cứng của liên ngành. Người và phương tiện không thuộc đối tượng được phép ra đường không lưu thông qua các chốt.
Cụ thể, người và phương tiện từ vùng 1 muốn ra vào vùng 2 lưu thông qua 6 chốt kiểm soát, gồm: Cầu Thăng Long, Cầu Nhật Tân, Cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Cầu Vĩnh Tuy, Cầu Thanh Trì.
Đối với người và phương tiện tham gia giao thông (thuộc đối tượng “được phép mới ra đường”) đi từ vùng 1 ra vào vùng 3 và ngược lại thông qua các chốt: Cống Liên Mạc, cầu Diễn, cầu Xuân Phương, cầu Ngà, cầu sông Đáy, cầu An Lạc, Cầu 72II, cầu Cù Sơn, cầu Tân Phú, cầu Mai Lĩnh, Ngã ba đê Tả Đáy, cầu Thạch Bích, cầu Khe Tang, cầu Qua, cầu Quán Gánh, Ngã ba đê Hữu Hồng - trạm bơm Hồng Vân.
Thời gian thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông này bắt đầu từ 6 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ ngày 21/9/2021.
Về phương án tổ chức, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, với 21 chốt trực liên ngành do Công an thành phố chủ trì, Sở GTVT Hà Nội bố trí tổng số 63 cán bộ thanh tra giao thông trong 1 ca trực, 126 cán bộ thanh tra giao thông trong 1 ngày, thực hiện trực thường xuyên 24/24/7.
Đối với chốt trực phân vùng giãn cách do UBND Quận - Huyện chủ trì (9 chốt), Sở GTVT Hà Nội bố trí 30 cán bộ thanh tra giao thông trong 1 ca trực, 90 cán bộ thanh tra giao thông trong 1 ngày, thực hiện thường xuyên 24/24/7.
Ngoài ra, tại 23 chốt trực khu vực cửa ngõ, vẫn được duy trì và Sở GTVT tiếp tục huy động, bố trí 56 cán bộ thanh tra giao thông trong 1 ca trực, 168 cán bộ thanh tra giao thông trong 1 ngày, thực hiện trực thường xuyên 24/24/7.
Trong văn bản phân luồng, tổ chức giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng nêu rõ ranh giới và địa phận các quận huyện. Cụ thể:
Vùng 1 (vùng đỏ - nguy cơ cao), là khu vực đô thị trung tâm thành phố với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được xác định là vùng đỏ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao; phạm vi là toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện (Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, cầu Giấy, Thanh Trì) và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai).
Vùng 2 (vùng nguy cơ màu cam - phía Bắc, Đông sông Hồng): được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, sông Đuống với vùng 1; phạm vi: toàn bộ địa giới hành chính của 05 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.
Vùng 3 (vùng xanh – nguy cơ thấp ở phía Tây, phía Nam thành phố), Phạm vi: toàn bộ địa giới hành chính của 10 Quận/huyện/thị xã : Sơn Tây, Ba Vì, Phú Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phú Xuyên và 1 phần của 5 quận/huyện thuộc phân vùng 1 (Nam Từ Liêm, Băc Từ Liêm, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai) chủ yếu được chia bởi Sông Đáy, Sông Nhuệ.