Hà Anh: Vietnam’s Next Top Model có quá thiên vị với Huyền Trang?
Trước ý kiến cho rằng BGK quá thiên vị cho Huyền Trang, Hà Anh cho rằng, BGK là những người có thể nhìn ra tố chất, khả năng của một người mẫu, điều mà không phải ai cũng thấy được.
Đẹp mỹ miều vẫn là không đủ
- Chị nói sao khi có một số ý kiến cho rằng Ban giám khảo VNTM quá thiên vị cho thí sinh Huyền Trang, những người khác cố gắng 10, Huyền Trang chỉ cần cố 4-5 thôi vẫn được đi tiếp? Xem lại những bức hình từ trước đến nay của Trang, không có tấm nào quá xuất sắc, liệu có phải BGK ưu ái Trang vì chiều cao?
- Ba thí sinh bị loại đầu tiên cao từ 1m75 – 1m78, vì vậy không thể nói là chúng tôi thiên vị Trang do cô ấy có chiều cao. Các thí sinh có chiều cao kém hơn như Thanh Hoa, Thu Thủy vẫn được đi rất sâu vào các vòng trong, họ đều dưới 1m70.
Các thí sinh bước ra khỏi cuộc thi đều có những ấm ức riêng. Tôi hiểu, các bạn ấy dẫu sao cũng chỉ là thí sinh, không thể nhìn thấy tố chất và tiềm năng của người mẫu như chúng tôi, những người có chuyên môn cao hơn và có kinh nghiệm hơn.
Nếu nhìn lại quá trình của Huyền Trang, cần nhìn vào tổng thể. Thứ nhất, Huyền Trang đến từ Bắc Giang, trong một gia đình chân chất, chưa bao giờ có tiếp xúc gì với thời trang, showbiz, thậm chí là cái đẹp. Thứ hai, cô ấy cao như thế, khác người như thế, ngộc nghệch, ngây ngô như vậy, trong quãng đời cô ấy lớn lên luôn không cảm thấy thoải mái trong da thịt của mình, đó là điều tôi đã trải qua nên rất hiểu.
Huyền Trang phải học rất nhiều, cô không chỉ học các kĩ năng để làm người mẫu, mà còn phải học từ những điều rất nhỏ, đó là làm sao để cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình, hiểu được cơ thể mình, biết được thế nào là thời trang.
Vậy, so với xuất phát điểm của các bạn đến từ thành phố, Huyền Trang có mốc xuất phát thấp hơn nhiều. Để đuổi kịp các bạn khác, cô ấy phải nỗ lực lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi có nhận xét rất kĩ, nhiều thí sinh nghe nhưng không để ý, còn Trang rất tập trung và hiểu và có sự lột xác. Nhiều lần gần như Trang ngấp nghé bờ vực bị loại, nhưng rồi cô ấy lại vươn lên.
Tôi khẳng định, đến giờ phút này, Ban giám khảo vô cùng công bằng. Chúng tôi không chấm trên một tấm hình mà dựa trên cả quá trình. Ban giám khảo luôn ở hậu trường chụp hình, tập luyện để hướng dẫn, xem cách tiếp thu của các bạn ấy ra sao.
Khi chấm, chúng tôi phải tính đến cả những yếu tố đó nữa, chứ không phải như khán giả nghĩ chúng tôi chỉ căn cứ trên một tấm hình và nói rằng bạn này mặt xinh, ảnh đẹp thế này mà không được. Nếu tiêu chí dành cho người mẫu chỉ là đẹp, thì cần gì phải bày ra bao nhiêu thử thách, huấn luyện, sao không mở một cuộc thi diễn ra trong 10 ngày, sân khấu hoành tráng, thí sinh được trang điểm, đi giày cao gót... để tìm ra người đẹp nhất?
- Ban đầu chị lạnh lùng, nhưng ở những tập cuối, chị lại rơi nước mắt khi một thí sinh bị loại. Vì sao lại có sự thay đổi đó?
- Tính thực tế khiến tôi thay đổi. Không những khán giả xem được diễn biến tình cảm của thí sinh mà còn của người dẫn chương trình và giám khảo. Bởi ngay từ ban đầu khi chưa biết các em, mình chưa thể có được sự đồng cảm và nhiều tình cảm như bây giờ, sau khi đã trải qua một quá trình. Hồi đó nếu tôi bày tỏ tình cảm với các em ấy là giả dối vì trong trái tim không có cảm xúc và đối diện các em như một người làm việc chuyên nghiệp thôi và chỉ nhìn vào tiêu chí, do đó có lạnh lùng hơn.
Những nhận xét tôi dành cho các thí sinh VNTM là khắt khe nhưng không gây tổn thương cho ai, mà thẳng thắn, mang tính chuyên môn để các bạn làm quen với yêu cầu cao của nghề. Qua quá trình rèn luyện, giảng dạy các bạn, tôi hiểu được tâm hồn, tính cách và sự nỗ lực của các bạn. Tôi cũng có những buổi đến nấu ăn, nghe nhạc... cùng các bạn và có những trải nghiệm cùng các bạn và cảm xúc đến từ đó.
Để tìm ra người chiến thắng không dễ. Ngoài thông mình, tố chất, nghị lực... người chiến thắng phải có tâm và ý chí cháy bỏng, nếu chỉ cao, đẹp mỹ miều thì không đủ.
- Muộn giờ, chảnh, không nghe theo ý của stylist hoặc nhiếp ảnh gia... là những điều thường thấy ở một số người mẫu Việt Nam. Chị nghĩ sao?
- Ở nước ngoài không có chuyện cả ekip làm việc phải chạy theo một ai đó. Sự khắt khe về thời gian cũng được ràng buộc bằng tài chính. Ví dụ khi tôi làm việc ở Anh, công việc tính theo giờ, người ta thuê mình trong 4 tiếng, nếu công việc kéo dài đến tiếng thứ 5, họ phải trả tiền thêm cho mình qua thỏa thuận với agency. Nếu không, đúng giờ là mình bước ra khỏi nơi làm việc. Ngược lại, họ cũng đòi hỏi người mẫu phải đúng giờ. Nếu họ yêu cầu tôi có mặt lúc 6h, nếu tôi đến sau 6h, họ có thể yêu cầu tôi về vì họ đã gọi thay thế người khác rồi, hoặc họ sẽ phạt hợp đồng.
Cả ekip của họ hàng chục con người, bao nhiêu tiền đổ vào cho việc thuê studio, nhiếp ảnh gia... họ không có thời gian để lãng phí, vì vậy tác phong công nghiệp, tư duy rõ ràng, phải rất nhanh, chuyên nghiệp, sức bền cao.
Không bao giờ có chuyện êkip phải chờ đợi hay chạy theo một ai đó vì sức cạnh tranh quá lớn, họ sẵn sàng gọi người khác thay thế nếu người mẫu nào không đáp ứng được yêu cầu của họ.
Sở dĩ, người mẫu chảnh, sai giờ... là do ngành thời trang của Việt Nam còn nhỏ, sự lựa chọn không nhiều, lại bị chi phối bởi tên tuổi của người mẫu nên người mẫu mới cho mình cái quyền đó. Suy nghĩ này hoàn toàn sai, khiến công việc không chuyên nghiệp và tạo ra sự không hài lòng về nhau trong cùng một ekip.
Chúng ta hãy đặt câu hỏi vì sao những shoot hình quảng cáo trên truyền hình lại quay ở nước ngoài, sử dụng người mẫu nước ngoài. Không phải vì lí do họ đẹp hơn mình, mà là họ chuyên nghiệp hơn mình.
Khi người ta bỏ ra khoản tiền mấy trăm ngàn đô thì không thể nào để cho người mẫu làm ảnh hưởng đến tiến độ cũng như tiền bạc của họ. Các người mẫu phải nhìn lại và nghiêm khắc với mình sẽ tạo cơ hội cho mình và người khác. Nếu chỉ chăm chắm đi dự tiệc, hét giá cát-sê... thì chỉ 3 tháng sau, dài lắm là 1 năm, tên tuổi của mình sẽ biến mất khỏi bản đồ showbiz.
- Năm 2010, chị từng bị gặp những trục trặc như hở nội y trên sân khấu, bị đưa lên báo là chuyên đi dự tiệc không cát-sê, thu nhập không như đồn thổi... Chị nghĩ sao?
- Tôi không coi đó là trục trặc mà chỉ xem nó rất bình thường, bởi bên cạnh thành công, phải có lúc mình vấp nhẹ. Có thể có người sẽ thấy hả hê nếu chuyện đó làm ảnh hưởng đến tôi nhưng nó không làm mất đi tên tuổi và sự nghiệp của tôi, điều mà tôi đã xây dựng trong nhiều năm, còn tư cách là điều mà tôi đã xây dựng cả cuộc đời, không dễ gì nó làm tôi thấy "mất tất cả" hay khốn đốn.
Giới chuyên môn, những người đã làm việc cùng tôi trong thời gian dài, chắc chắn họ không đánh giá tôi qua những điều ấy. Còn người viết rằng tôi chuyên đi dự tiệc không cát-sê, thu nhập không như đồn thổi... là người viết không có bằng chứng, lập luận không xác đáng... nên tôi không lo lắng gì về bài báo đó.
Tôi chỉ cảm thấy mình có vấn đề trầm trọng nếu làm gì ảnh hưởng đến pháp luật, đạo đức, gây hại cho uy tín, kinh tế... của người khác. Có ai trên cuộc đời này thành công mà không có lúc này lúc kia, nếu tôi không có tì vết gì thì vô cùng vô lý.
- Nhìn lại năm 2010 của mình, Hà Anh thấy thế nào?
- Năm 2010 bắt đầu đánh dấu những thành công của Hà Anh trong công việc. Tôi đã bỏ công sức và thời gian để xây dựng tên tuổi của tôi trong nhiều năm và đến 2010 đã bắt đầu thấy thành quả, cũng giống như khi mình trồng cây thì đã thấy nó bắt đầu đơm hoa, kết trái.
Việc trở thành đại sứ thiện chí của UNICEF rất có ý nghĩa với tôi. Nó giúp tiếng nói, hành động của tôi có tầm ảnh hưởng hơn, đại diện cho thế hệ trẻ bày tỏ sự quan tâm đối với trẻ em và xã hội. Tôi rất trân trọng điều này vì nó không chỉ là sự thừa nhận của UNICEF và nhà nước, họ đã tín nhiệm trao cho tôi vai trò này, như vậy, tôi đã chứng tỏ được rằng mình không chỉ làm tốt công tác chuyên môn của một người mẫu, mà còn có thể làm công tác xã hội.
Việc làm giám khảo Vietnam’s Next Top Model (VNTM) cũng rất có ý nghĩa, đó là sự đóng góp của tôi và các thành viên BGK khác biến chương trình thành nơi định hướng chuyên môn cao cho ngành giải trí nói chung và người mẫu nói riêng.
Nếu so sánh với các cuộc thi hiện nay, bao gồm cả hoa hậu và người mẫu, đa số mọi người tập trung trong khoảng 10 ngày để thi, nhưng chủ yếu là trình diễn, thì VNTM mang tính chuyên môn, đào tạo, có tiêu chí và định hướng gần với công nghiệp thời trang thế giới. Với các bạn trẻ ở Việt Nam, đây là những điều rất mới mẻ, còn các người mẫu qua đó cũng nhìn nhận lại nghề của mình.
Được là một trong những người tiên phong mở ra một con đường mới, cách nhìn mới đối với nghề người mẫu ở nước ta, Hà Anh thấy đây là một cơ hội lớn, thử thách và vinh hạnh lớn vì mình tuy đã có nhiều trải nghiệm ở nước ngoài, nhưng mới về nước 2 năm gần đây thôi, mà đã được công nhận về khả năng chuyên môn và giao cho trọng trách cầm cân nảy mực khiến tôi tự hào. Đây là kết quả của cả quá trình mình bày tỏ quan điểm trong từng bài báo nhỏ về chuyên môn, như góp gió thành bão, và được mọi người cho rằng mình đã đủ độ chín.
- Nhiều người so sánh vai trò đại sứ UNICEF của Hà Anh với Angelina Jolie, Jackie Chan... và thấy, dường như chị chưa làm được gì từ khi nhận trọng trách?
- Vai trò này rất lớn, bởi tổ chức UNICEF đặt ra cho mình một chương trình trong kế hoạch rất chặt chẽ, bản thân tôi cũng phải học rất nhiều thứ. Làm đại sứ của UNICEF không đơn giản là cứ họ gọi thì mình đi làm từ thiện, mà mình phải nắm được những con số, dữ liệu, hiểu được vấn đề mà mình phát ngôn ra. Đại sứ thiện chí là người đại diện cho hình ảnh và tiếng nói của tổ chức nên Hà Anh và UNICEF không muốn làm gì vội vàng, mà phải có chiến lược, thông điệp phải rõ ràng, vững vàng.
Tôi được bổ nhiệm từ tháng 8/2010, từ đó đến nay tôi đã thực hiện nhiều chuyến đi thực tế để có kiến thức cho vị trí mà mình được bổ nhiệm. Từ trước đến nay, mọi người quen với hình ảnh một số người đi làm từ thiện, chụp ảnh rồi đăng lên báo.
Còn công việc của Hà Anh không phải là từ thiện, mà là công tác xã hội, nghĩa là mình mang thông điệp đó để truyền tải cho xã hội, do đó không thể sáo rỗng nói những lời mà mình được người ta bảo nói.
- Đúng vậy, làm gì cũng phải có chuyên môn thì mới làm tốt vai trò của mình. Ngoài kiến thức, cảm xúc từ những trải nghiệm cũng rất quan trọng. Nếu "làm cho có" thì rất dễ, nhưng làm với nhiệt huyết, chuyên môn và tầm nhìn xa thì cần phải tìm tòi và học hỏi.
- Bởi vậy, khi VNTM lên sóng, nhiều người mới vỡ lẽ rằng nghề người mẫu hóa ra cũng có những khó khăn, gian khổ và danh xưng người mẫu ở Việt Nam quá dễ dãi...
- Đúng như vậy, đó là điều mà tôi và những người làm chương trình muốn đưa đến khán giả. Chương trình có những điều vui vẻ, buồn cười, cảm động, nhưng bên cạnh đó còn có thông điệp: Để trở thành người mẫu chuyên nghiệp, hiểu biết về nghề, có kĩ năng làm nghề cũng phải đòi hỏi sự nỗ lực rất cao, đấy là chưa nói đến để làm được một người mẫu hàng đầu.
Ở Việt Nam chưa coi trọng nghề người mẫu, vì khán giả không hiểu. Họ cũng chỉ thấy: "À, nghề này cũng lung linh đấy!", nhưng thực chất họ chưa hiểu rõ nghề này là gì. Bởi thế, có những người mẫu sinh ra tính "chảnh", đòi hỏi... khiến người ngoài nhìn vào coi thường nghề này, mà lẽ ra nghề người mẫu rất đáng trân trọng như những nghề khác.
Hơn nữa, ngay bản thân những người trong nghề chưa đầu tư học hỏi về chuyên môn. Bên cạnh những người nỗ lực thật sự, có những người lại hài lòng với những gì họ đang có.
- Sau khi tham gia vào VNTM với vai trò thay thế vị trí của Nathan Lee, mối quan hệ giữa chị và Nathan Lee có gặp trục trặc gì?
- Không có vấn đề gì, vì Hà Anh, Nathan Lee hay những người mẫu khác làm trong nghề này đã quen với việc casting cho một công việc, có khi từ hàng trăm ứng viên mới có người phù hợp. Người này được chọn, người kia không được chọn không bao giờ là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn với nhau, bởi đó là chuyện bình thường. Mỗi người có một con đường, dự án riêng, Hà Anh tin rằng Nathan Lee cũng có những kế hoạch riêng và tạo ra thành công riêng cho Lee.
Mình là người trẻ, có tài năng, cống hiến, tâm huyết, nên bằng cách này hay bằng cách khác cũng sẽ đạt được những thành công mà mình mong muốn.