GS. Trương Nguyện Thành nói về việc xưng hô "Thầy - con": Sự kính trọng nằm ở thái độ và cách cư xử chứ không phải nằm ở cách xưng hô

Vũ Trịnh,
Chia sẻ

Những ngày này, việc xưng hô thế nào trong nhà trường, thầy cô có nên gọi trò là "con" bỗng trở thành đề tài gây xôn xao cõi mạng.

Mới đây, trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân, được biết đến trong hơn 50 năm qua với vai trò cầm bút viết phê bình, tiểu luận của văn học Việt Nam hiện đại và trung đại đã có đăng tải một bài viết với nhan đề: YÊU CẦU GIÁO VIÊN VÀ CÁN BỘ GIÁO DỤC KHÔNG GỌI HỌC SINH LÀ "CON".

Trong bài viết của mình, ông lên tiếng yêu cầu Bộ GD&ĐT thảo sớm một quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung, trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó, ông nhấn mạnh việc nên cấm giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "Con", "Các con"; phải gọi là "Trò", "Các trò", "Các em", "Các bạn". Dân mạng đã có cuộc bàn luận sôi nổi xem vấn đề này nên được nhìn nhận thế nào, quan điểm trên đúng hay sai.

GS. Trương Nguyện Thành nói về việc xưng hô Thầy - con: Sự kính trọng nằm ở thái độ và cách cư xử chứ không phải nằm ở cách xưng hô - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân.

Trước vấn đề này, Giáo sư Trương Nguyện Thành, một thầy giáo từng nổi tiếng với biệt danh "giáo sư quần đùi" cũng đã có những chia sẻ quan điểm của mình với chúng tôi. Thầy cho rằng gọi thầy - xưng con phải tùy theo lứa tuổi và tùy theo trình độ nhận thức của người trẻ. Thầy nói cụ thể hơn: "Trình độ nhận thức của lứa tuổi tiểu học hay mầm non thì xưng con không là vấn đề gì, vì nhận thức của bé còn rất lệ thuộc vào người lớn, nhưng khi đã vào các cấp bậc như đại học thì gọi thầy xưng con, vô hình trung tạo khoảng cách cho sự trao đổi, phát triển tư duy độc lập!

1 đứa trẻ lên tới 13-14 tuổi thì đã bắt đầu hình thành nhận thức cá nhân, có suy nghĩ riêng, bắt đầu biết nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh cá nhân, đó là lý do vì sao lứa tuổi này thường cãi lời cha mẹ mà ở Việt Nam thường gọi là tuổi khó dạy. Ở lứa tuổi này, người lớn nên cho trẻ một không gian an toàn để phát triển bản thân!".

Để lấy dẫn chứng về điều này, thầy lấy dẫn chứng về trải nghiệm của thầy khi còn là sinh viên đại học. Lúc này thầy cũng từng sốc văn hóa khi thấy các nghiên cứu sinh gọi thầy mình bằng tên và tranh luận ngang hàng. Thời gian sau, thầy được giải thích rằng, ăn nói lễ phép chỉ là bề nổi của sự tôn trọng, mặt khác, khi nghiên cứu sinh gọi thầy bằng tên sẽ dễ dàng để người đó phản biện hơn. Giáo sư được thầy mình khi đó nói rằng: "Nếu để một người vào vị trí tôn kính thì rất khó để bảo rằng tin tưởng của người đó sai hay không còn hợp lý!".

GS. Trương Nguyện Thành nói về việc xưng hô Thầy - con: Sự kính trọng nằm ở thái độ và cách cư xử chứ không phải nằm ở cách xưng hô - Ảnh 2.

Giáo sư Trương Nguyện Thành.

Ở chiều ngược lại, thầy cho rằng khi mà sử dụng một danh xưng nào đó mà nói lên 1 sự khác biệt quá lớn như thầy với con, chẳng hạn như "con không đồng tình với quan điểm của thầy" nghe rất hỗn láo và rất khó vì văn hóa người Việt là văn hóa tôn trọng người lớn.


Từ đó, thầy Thành nhấn mạnh: "Mình muốn gì trong phát triển cá nhân của thế hệ trẻ. Nếu mình muốn một thế hệ trẻ chỉ biết vâng lời không cần cãi lại, không cần suy nghĩ nữa thì không có vấn đề gì ở đây cả. Còn nếu mình muốn có thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, có khả năng 'sóng sau xô sóng trước', để các em giỏi hơn thế hệ cha ông thì phải để cho các em có không gian phát triển cá nhân, suy nghĩ khác biệt với thế hệ trước, cho các em không gian để có cơ hội được sai!

Cha mẹ hay người lớn hay sợ con thất bại, con sai nhưng làm đúng hay thành công không dạy cho chúng ta một bài học gì cả, chỉ khi nào làm sai, thất bại nó mới dạy cho chúng ta một bài học. Té đâu ta mới nhớ tại sao ta té đau, còn ta không té ta sẽ không nhớ!".

GS. Trương Nguyện Thành nói về việc xưng hô Thầy - con: Sự kính trọng nằm ở thái độ và cách cư xử chứ không phải nằm ở cách xưng hô - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Thầy cho biết mình từng nhận được câu hỏi rằng “danh xưng quan trọng đến thế sao”, trước câu hỏi này, thầy lấy ví dụ vui: "Thời thiếu niên, tôi có quen 1 cô bạn lớn tuổi và phải gọi bằng chị, mà đã chị thì làm sao cua, phải xưng em chứ. Đã xưng chị mà mình xưng em thì đã thấp hơn người ta rồi nên cua người ta họ đâu có chịu, do đó muốn cua người ta mình phải đổi lại kêu người ta là em!".

Giáo sư Trương Nguyện Thành nói rõ mình không đánh giá quan điểm đang gây tranh cãi trên mạng là đúng hay sai vì điều này còn phụ thuộc vào việc xã hội Việt Nam có chấp nhận thay đổi điều đó hay không và đó là quyết định của mỗi cá nhân. Song thầy cho rằng, việc thay đổi xưng hô trong nhà trường không thể bắt đầu từ 1 chính sách mà phải hình thành từ từ, bắt đầu từ văn hóa, nhận thức trong mỗi gia đình.

Vị Giáo sư này cho biết, học trò là nghiên cứu sinh hay học viên cao học ở Mỹ của mình thường gọi mình bằng tên, còn nghiên cứu sinh Việt Nam thường gọi mình là anh Thành. Còn với các sinh viên đại học, thầy để cho các bạn gọi mình là Thành hoặc Pro. Thành, miễn là người đó cảm thấy thoải mái, không bị gò bó. Đối với thầy, sự kính trọng nằm ở thái độ và cách cư xử của người đó chứ không phải nằm ở cách họ xưng hô với mình.

Chia sẻ