GS Trương Nguyện Thành: "Người thầy tương lai phải dạy học trò cách đặt vấn đề và dùng ChatGPT để giải quyết"
Quan điểm của Giáo sư Trương Nguyện Thành về "sự học", sự thành công cũng như thất bại khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.
Gói ghém hành trang và tạm gác lại sự nghiệp đồ sộ với tư cách là Giáo sư tại Đại học Utah (Mỹ), ông Trương Nguyện Thành - người được biết đến với biệt danh là "giáo sư quần đùi", đã quyết định thực hiện hành trình 24 giờ bay từ Mỹ về Việt Nam để bắt đầu cho một dự án giáo dục của mình.
Có thể nói, đây là màn "đánh cược" lớn nhất trong cuộc đời của "giáo sư quần đùi", bởi suy cho cùng, sự trở về lần này có thể khiến ông thành công, nhưng cũng không ngoại trừ khả năng ông bị "bại trận" ngay trên chính sân nhà. Nhưng ông vẫn cứ quyết tâm quay lại Việt Nam, vẫn cứ khao khát cho một dự án mà ông từng khẳng định "dành 10 năm cuối đời để làm viên gạch lót đường". Đối với Giáo sư, dù bản thân chỉ là một "viên gạch" đi chăng nữa, nhưng có thể giúp đỡ các tổ chức giáo dục tại Việt Nam phát triển, như vậy đã là thành công rồi.
Ngồi lại với Talksoul và host Bình Bồng Bột, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã có những chia sẻ, cắt nghĩa, luận giải thú vị về việc học hiện nay trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Để rồi từ đó, chúng ta có được đáp án cho câu hỏi: "Bản chất của sự học là gì?".
Talksoul - Talk trong trò chuyện và Soul trong tâm hồn - là talkshow với sự dẫn dắt của host/ nhà biên kịch/ nhà báo Bình Bồng Bột. Mỗi tập Talksoul, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với một khách mời là người thành công trong lĩnh vực của họ. Để tìm ra câu trả lời cho việc điều gì tạo nên họ của hiện tại, và định nghĩa hạnh phúc của họ là gì.
Talksoul #8 với Giáo sư Trương Nguyện Thành
Việc học ở trẻ con dễ dàng hơn người lớn
Xin chào, mở đầu tôi có một câu hỏi rằng nên xưng với Giáo sư là thầy hay anh nhỉ?
Tôi thường gọi tất cả những người thầy ở Mỹ của tôi bằng tên, thay vì gọi họ như quy tắc. Ví dụ, ông thầy của tôi tên là Michael Golden, tôi không gọi ông ấy là Professor Golden mà xưng bằng Michael. Hoặc có thầy tên Donald Truller thì tôi không gọi ông là Professor Truller mà gọi là Donald. Bản thân các thầy cũng muốn tôi gọi như vậy, vì họ muốn học trò thoải mái để phản biện với thầy.
"Thưa thầy, con không đồng ý với ý kiến của thầy" nghe hơi hỗn đúng không? Nhưng nếu đổi thành "Em không đồng ý với ý kiến của anh" thì nghe lại nhẹ nhàng hơn nhiều. Đó cũng là lý do tôi khuyên học trò gọi mình bằng "anh", không xưng "thầy - con" để việc phản biện trở nên dễ dàng hơn, không đi quá giới hạn.
Giảng đường bên Mỹ thường là học sinh nhìn xuống và thầy nhìn lên, trong khi ở Việt Nam là thầy đứng trên bục giảng và học trò nhìn lên, như vậy có phải sẽ không kích thích được tư duy phản biện của học trò không?
Vào buổi học đầu tiên của mỗi khóa học do tôi đứng lớp, tôi thường nói với sinh viên rằng tất cả những gì tôi nói đều chỉ mang tính tương đối. Có kiến thức hôm nay đúng nhưng sang đến ngày mai có thể nó không còn phù hợp nữa, hoặc kiến thức mới đã ra đời. Vì vậy, các bạn lắng nghe thì lắng nghe nhưng cần hiểu kiến thức không phải là cứ 2+2=4 mà 2+2 có khi chưa chắc đã bằng 4, nếu ở trong bối cảnh khác.
451 Độ F là một cuốn sách phản địa đàng của tác giả Ray Bradbury. Đến bây giờ người ta vẫn không thể tin được khả năng tiên tri tài tình của Ray Bradbury khi xã hội giả tưởng trong 451 Độ F thật giống với xã hội của chúng ta hiện nay: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Khoa học hiện nay đã phát triển vượt bậc và nó buộc chúng ta phải có cách nhìn khác đi về nhiều khía cạnh của đời sống, đặc biệt là trong việc học, sự học. Đây có phải là điều cản trở chúng ta đến tri thức không?
Có một sự kiện gần đây mà theo tôi đã làm thay đổi toàn bộ cục diện về việc dạy và học: Sự xuất hiện của công cụ trí tuệ nhân tạo mang tên ChatGPT. Chatbot AI này có thể thi đỗ cả bằng thực hành Bác sĩ và chứng chỉ hành nghề Luật của Mỹ, chỉ cần nói đến đây là biết sức mạnh khủng khiếp của nó.
Vậy thì là một thầy giáo, một giáo sư khi đứng trước lớp, tôi dạy học trò cái gì khi họ có thể ngồi bên dưới, sử dụng ChatGPT tìm kiếm, kiểm chứng thông tin rồi phản biện lại những gì tôi nói?
Tôi nghĩ bây giờ, giáo dục không chỉ dừng lại ở việc thầy giảng trò nghe, thầy giảng gì trò biết đấy nữa. Tôi thường dạy sinh viên của mình cách tìm kiếm, khai thác kiến thức và cách khởi động các quy trình. Nó giống như một quy luật không thể phá vỡ như thế này: Tìm hiểu quy trình - cảm thấy tò mò - đặt vấn đề. Suy cho cùng, cách đặt vấn đề quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta tìm được hướng giải quyết cho vấn đề đó.
Theo tôi, vai trò của người thầy trong tương lai là dạy cho học trò cách đặt vấn đề, cách sử dụng ChatGPT (không chỉ là ChatGPT mà trong tương lai có thể có những công cụ trí tuệ nhân tạo thông minh hơn cả nó) để tìm tòi, khai thác, đối chiếu, áp dụng kiến thức.
Đúng là khoa học ngày nay cực kỳ phát triển, nhưng tôi tin có một điều mà lại trí tuệ nhân tạo không có, mà con người lại sở hữu đó chính là khả năng đặt những câu hỏi. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được bởi con người tiến hóa được đến ngày nay là nhờ vào tính tò mò của mình như một đứa trẻ con. Đây có phải là cách mà giáo sư dạy cho các học trò: Đừng bao giờ ngưng là một đứa trẻ?
Bản chất sâu thẳm của trẻ là sự tò mò khám phá thế giới, khi nhìn thấy bất kỳ sự vật sự việc nào đó, chúng đều sẽ có cho mình cả một vạn câu hỏi vì sao: "Vì sao lá cây có màu xanh?"; "Vì sao gọi là hươu cao cổ?"; "Vì sao bà có tóc bạc?"...
Khi thấy con như vậy, bố mẹ không những không giải đáp, mà còn cảm thấy khó chịu khi con có phần hiếu động quá mức hay chúng đang tìm mọi cách để làm phiền ta. Lúc này, thật không khó để bắt gặp những câu nói được thốt lên: "Con ơi, con ngồi xuống hộ ba, lấy điện thoại ra mà chơi này, đừng có hỏi tại sao, tại sao nữa, ba mẹ đang bận lắm rồi".
Đây chính là việc chúng ta đang phá vỡ đi quy trình học tập tự nhiên của trẻ.
Não bộ của trẻ em trống rỗng như một tờ giấy trắng, nên chúng luôn tìm cách để lấp đầy trang giấy trắng đó bằng sự tò mò về thế giới xung quanh. Cũng vì lẽ đó mà việc học ở trẻ dường như dễ dàng hơn so với người lớn.
Còn khi tiếp nhận một kiến thức mới, người lớn lại phải tìm mọi khoảng trống trong một trang giấy đã được vẽ chi chít, lấp đầy bằng nét bút trước đó. Tuy nhiên, tin vui là não bộ của chúng ta giống như một màng lọc tự động. Những cái kiến thức không còn hữu dụng hoặc không còn được chúng ta trọng dụng nữa, chúng sẽ bị lọc ra khỏi bộ não.
Lấy một ví dụ thú vị, có lần tôi ghé thăm một trường liên cấp ở Ninh Thuận, trường có cả hệ tiểu học, THCS lẫn THPT. Tôi đặt câu hỏi: "Tại sao trời màu xanh?".
Các bạn tiểu học 5-6 tuổi đáp: "Trời màu xanh vì sáng ngủ dậy em đã thấy nó màu xanh rồi. Tối nó màu đen".
Các bạn THCS thì nói: "Trời màu xanh là tại vì ánh nắng mặt trời phản chiếu mặt biển". Ở Ninh Thuận mà, có biển, nghe rất hợp lý.
Nhưng đến các bạn trung học phổ thông, vì đã học các kiến thức khoa học nên các bạn đưa ra câu trả lời học thuật hơn. Điều này cho thấy càng học, chúng ta càng biết cách thay thế kiến thức không chính xác bằng những kiến thức chính xác hơn.
Sự khác biệt của sự học giữa trẻ con và người lớn là vậy. Cá nhân tôi hay nói và nhắc nhở bản thân rằng không có cái gì đúng và cũng chẳng có cái gì sai. Quan trọng là nó có phù hợp với bối cảnh hay không mà thôi. Cho nên đừng vội đánh giá bất cứ điều gì, kể cả bản thân tôi khi thấy một cái gì đó vô lý, hay đi ngược lại so với hiểu biết của mình, tôi cũng không đánh giá đúng - sai, trái - phải. Thay vào đó, tôi sẽ thu thập thêm thông tin, kiểm chứng, làm thí nghiệm, xử lý và có đánh giá kết luận lại.
Có ý kiến cho rằng vấn đề lớn của thời đại ngày nay là chúng ta rất dễ bị xao nhãng, anh nghĩ sao?
Thế hệ hiện tại khác rất nhiều so với thế hệ trước. Chẳng hạn như việc giải trí, ngày xưa chúng ta chẳng có gì ngoài sách và tivi. Mà tivi khi ấy cũng có gì ngoài mấy chương trình chiếu buổi tối đâu. Đến 8 giờ may ra mới có cải lương hoặc kịch nói gì đó. Không còn gì nữa thì tắt tivi đi. Nghe đài đôi khi mới có vài bài nhạc.
Còn giới trẻ bây giờ gặp phải vấn đề là quá tải thông tin từ quá nhiều kênh thông tin. Điều này chi phối sự quan tâm của não bộ. Từ xem video, chơi game, nói chuyện chat chit, lướt Facebook, các bạn làm rất nhiều chuyện cùng lúc và khó tập trung được. Trong khi những việc có giá trị lớn lại thường đòi hỏi ở chúng ta sự tập trung và nỗ lực, cũng như thời gian nữa. Chứ không phải cứ làm nửa tiếng đã nhìn vào đồng hồ rồi bỏ đi chơi game hoặc mở Facebook ra xem có ai comment vào post mình vừa đăng không.
Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học hiện nay?
Thực ra, nền giáo dục của chúng ta gắn chặt với những phương pháp truyền thống. Tôi không có bất kỳ định kiến gì với nó cả, bởi phương pháp này đã được áp dụng bởi rất nhiều nơi trên thế giới. Ngay kể cả tôi khi đứng trên bục giảng cũng thấy các em sinh viên ngồi cặm cụi viết lách, ghi chú. Nhưng tôi thấy rằng sinh viên phải học khác đi, chính từ đó đã thôi thúc bản thân tôi tìm hiểu và đổi mới phương pháp dạy học của mình theo hướng mới mẻ hơn.
Nhớ lại câu chuyện của tôi khi qua Mỹ học bậc trung học, thầy giáo có đưa cho tôi cái máy tính cầm tay và bảo tôi cầm lấy. Nhưng bạn biết tôi nói gì không? - "Em không cần, mấy cái này em tự làm được". Thấy phản ứng của tôi như vậy, thầy giáo không nói gì. Mãi đến tận hôm sau thầy mới mới hỏi tôi: "Thành, em nghĩ rằng là em có thể giải bài không cần cái máy tính này mà vẫn làm tốt đúng không? Bây giờ chúng ta thử làm một cái thí nghiệm nhé!".
Thế là, thầy ghép cặp tôi với một bạn học yếu nhất lớp để xem ai giải 3 bài toán nhanh hơn. Khác biệt ở chỗ tôi phải tính chay bằng tay, còn bạn kia sử dụng máy tính cầm tay. Bạn biết kết quả thế nào không? Kết quả là khi tôi còn chưa giải xong bài thứ nhất, thì bạn học sinh được coi là yếu nhất lớp kia đã hoàn thành bài cuối cùng.
Rồi thầy nói một câu làm tôi nhớ mãi: "Thực sự trong cuộc sống, đặc biệt là khi em phải ra đời, cái quan trọng là phải giải quyết vấn đề càng nhanh chóng, chính xác càng tốt. Sếp của em, họ không cần quan tâm em dùng công cụ gì để hoàn thành nhiệm vụ, em vận dụng kiến thức ra sao để giải quyết các vấn đề. Họ chỉ cần biết em có giải quyết các vấn đề chính xác, hiệu quả và nhanh chóng không thôi".
Thế là tôi chỉ biết gãi đầu: "Ui, hóa ra mình tự tin không đúng chỗ".
Thái độ khi đứng trước thất bại sẽ ảnh hưởng đến những quyết định tương lai của bạn
Nhắc đến "giáo sư quần đùi", người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh người thầy gieo chữ trên đất Mỹ với thâm niên hàng chục năm trời. Nhưng đọng lại trong tôi sâu sắc nhất về Giáo sư đó chính là hình ảnh anh cùng cậu con trai đạp xe đạp xuyên Việt. Với lịch trình bận rộn, đâu là động lực để anh tạm rời xa công việc nghiên cứu, để cùng con chu du đến những vùng đất mới?
Trong mường tượng của nhiều người, giáo sư là một người có máu tóc bạc phau, tối ngày cầm cuốn sách rồi quanh quẩn trong phòng thí nghiệm. Với tính chất công việc của mình, đa phần sẽ nghĩ những người làm công tác nghiên cứu như tôi sẽ không có sức khỏe tốt. Thì sự thật đúng là vậy đấy!
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc vào một ngày đẹp trời, tôi đến gặp bác sĩ và được ông kết luận rằng đang bị tiểu đường loại 2 và nó đòi hỏi tôi phải "sống chung với lũ", uống thuốc suốt đời. Chưa dừng lại ở đó, huyết áp của tôi đang ở mức khá cao. Có thể các bạn không biết, ba tôi từng mất vì đột quỵ còn mẹ tôi qua đời là bị tiểu đường nặng. Sau khi nghe xong tin đấy, tôi như sực người ra và chuẩn đoán bệnh của bác sĩ như hồi chương cảnh tỉnh cho sức khỏe của tôi.
Lúc này, tôi suy nghĩ: "Đúng nhỉ, bao lâu làm nghề, cái công việc được coi là nặng nhọc nhất của mình đó chính là đứng dậy và đi ra khỏi cái văn phòng, bàn làm việc hoặc từ phòng thí nghiệm đi vào phòng vệ sinh". Thực ra nói vậy cũng không phải vì tôi vẫn có những hoạt động nhẹ như: đi lên xuống thang máy, lấy xe ô tô đi về nhà… nhưng chúng nào có nặng nhọc gì đâu. Tôi thậm chí còn chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện tập thể dục.
Sau lần chẩn đoán bệnh đó, tôi cứ đau đáu một câu hỏi rằng nếu chẳng may có gì xảy ra, thì con mình sẽ ra sao đây. Đến lúc này, tôi mới quan tâm tới chuyện sức khỏe của bản thân. Hành trình đi xe đạp xuyên Việt giống như là một bài trắc nghiệm hoặc đánh giá sức khỏe bản thân tôi: Mình còn có đủ sức không? Cả về thể chất lẫn tinh thần của mình nó có đủ mạnh để đối diện với những thách thức mới trong cuộc sống của mình không?
Thường thì người ta sẽ học được nhiều hơn ở trong cái thất bại hơn là trong thành công. Vì một khi thành công rồi, người ta dễ rơi vào suy nghĩ tôi thành công nghĩa là những gì tôi đã làm từ trước đến nay là đúng, tại sao tôi phải học cái mới làm gì. Điều này chứng tỏ việc chấp nhận thất bại và chủ động đón chờ thất bại cũng là một cách học tốt, anh có nghĩ vậy không?
Quy trình mà chúng ta đưa kinh nghiệm và trải nghiệm vào não bộ như thế nào?
Con người có một cơ chế hoạt động là tiết kiệm tối đa năng lượng sử dụng. Não chúng ta là bộ phận phải sử dụng năng lượng nhiều nhất để xử lý thông tin xem cái nào đáng sử dụng. Việc này rất tốn thời gian và năng lượng nên nó đã sinh ra cơ chế sàng lọc. Tôi làm cái gì ra kết quả nào, mọi thú sẽ được lập vào não thành một quy trình tự động. Lần sau đụng phải việc tương tự tôi cũng không cần nghĩ nữa, vì não tự động cho ra kết quả rồi.
Thế nhưng chẳng hạn một ngày đẹp trời môi trường thay đổi, quy trình mình ráp vô não không còn phù hợp nữa. Mình làm việc như mình đã từng làm, kết quả nó lại hỏng. Mình nghĩ: Ủa sao vậy? Mình làm lại y chang, kết quả vẫn không xong. Nguyên do là vì não mặc định đó là cách làm thành công, mình không xóa được thứ mà não đã học.
Những người làm khoa học thường có một tư duy rằng không có thí nghiệm nào họ làm là thành công và cũng chẳng có thí nghiệm nào họ làm là thất bại. Mỗi thí nghiệm đều cho ra một kết quả khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện ban đầu của nó. Anh làm một thí nghiệm nhưng kết quả lại không như anh mong muốn, suy ra là điều kiện ban đầu của anh chưa đúng. Anh phải thay đổi điều kiện ban đầu và làm thí nghiệm mới. Nếu kết quả chưa đạt thì cứ tiếp tục lặp lại.
Nói đến thất bại, hình như anh từng có một khoảnh khắc rất sợ hãi trong quá khứ, đó là lúc anh bị rất nhiều trường gửi thư từ chối nhận vào học. Đến lá thư cuối cùng, anh thậm chí không dám mở nó ra vì sợ rằng đó tiếp tục là một lá thư từ chối, nếu là vậy thật thì thế giới của anh như sụp đổ bởi toàn bộ hy vọng của anh đặt vào việc học. Đó có phải khoảnh khắc làm thay đổi cuộc đời anh không?
Nếu được quay lại khoảnh khắc đó, tôi sẽ nói với bản thân rằng: Mình cũng như mọi người thôi, tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc chợt thấy hồi hộp, lo sợ vì tương lai. Mà tương lai đó, mình thật sự không mong nó sẽ đến.
Giác quan thứ 6 cho tôi biết có khả năng cao tôi sẽ bị từ chối nhưng tôi sợ đối diện với sự thật. Tuy nhiên rõ ràng là chỉ khi nào chúng ta có khả năng đối diện với những sự thật phũ phàng một cách trực diện thì chúng ta mới có khả năng bước qua nó. Còn không thì chúng ta sẽ mãi lẩn tránh nó mà thôi.
Khi ấy, nếu tôi không cho mẹ tôi mở lá thư đến cùng thì tôi còn có thể làm gì? Chẳng lẽ tôi cứ để nó ở đó? Trước sau gì tôi cũng phải mở nó ra thôi.
Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta phải đối diện với những tình huống tiến lên không được mà rẽ cũng không xong. Khi ấy, nếu không đối diện trực diện, chúng ta sẽ sống rất lay lắt, sống không ra sống. Cho tới một ngày bạn dám đối diện và vượt qua nó, bạn mới ngộ ra rằng mình thấy tiếc vì đã phải bỏ ra quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định đó.
Anh có thể kể tiếp phần sau của câu chuyện lá thư nhập học kia không?
À thì mẹ tôi mở lá thư ra và đúng là rất tiếc, trường đã từ chối. Vào giây phút đó, thế giới của tôi như sụp đổ thật. Mọi hy vọng của tôi không còn nữa. Cánh cửa tương lai như sụp xuống. Tôi hoang mang vì không thấy con đường của mình ở đâu, tương lai của mình ra sao. Tôi ủ rũ bước lên lầu rồi tôi nghe thấy mẹ tôi nói vọng vào: "It's not the end of the world, Thành", có nghĩa là: Chưa phải tận thế đâu.
Tôi ngồi trong phòng thẫn thờ hết cái cuối tuần để nghĩ xem mình muốn gì. Cuối cùng, tôi cũng quyết định rằng: Con đường tiến về phía trước tuy không rõ ràng nhưng nếu không bỏ cuộc thì tôi vẫn có thể.
Vậy là tôi lên dự tính đến một thành phố nhỏ nơi vẫn có trường đại học. Tôi kiếm việc làm trong lúc học thêm vào buổi tối để nâng cao trình độ tiếng Anh, sau đó xin học trong những lớp học bổ sung ở trường và rồi năm sau xin vào trường lại. Số tôi may ở chỗ khi tôi đến thư viện trường mượn sách, tôi có chia sẻ về việc xin vào đại học với các thầy cô, thấy thái độ không chán nản buồn rầu khi đối mặt với thất bại của tôi, các thầy cô ghi nhận. Một số thầy cô sẵn sàng viết thỉnh nguyện thư gửi cho trường với nội dung: nhờ trường cho tôi một cơ hội. Họ tin rằng nếu cho tôi cơ hội thì sau này trường cũng sẽ không thất vọng với quyết định của mình.
Và đúng là thế thật, vào ngày tôi nhận bằng cử nhân ra trường và chụp hình cùng giáo sư, khi ấy tôi đã có 3 bài báo nghiên cứu khoa học quốc tế trong tay, một bằng cử nhân Hóa, một bằng phụ về Toán, một bằng phụ về Lý, một bằng phụ về Công nghệ thông tin và sắp sửa có thêm một bằng phụ về Xác suất thống kê.
Ở thời khắc ấy tôi học được một điều rằng thái độ của bạn khi đứng trước thất bại sẽ ảnh hưởng đến những quyết định tương lai của bạn. Bạn làm gì sau khi thất bại có thể dẫn bạn đến những ngã rẽ khác nhau của cuộc đời. Và ngã rẽ đó tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào thái độ của bạn.
Sự học chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ ai, để thành công trong lĩnh vực nào đấy, chúng ta phải bỏ ra không biết bao nhiêu công sức để dung nạp kiến thức. Đúng, học tập là việc cả đời nhưng có cách nào để thôi thúc niềm hứng thú học tập trong bản thân chúng ta, mà không phải cố "gồng" lên để học hay không?
Chúng ta phải gồng lên là vì phải chịu những áp lực của xã hội hay áp lực của môi trường sống. Chẳng hạn như tôi cần tấm bằng để có công việc, tôi cần phải có cái chứng chỉ này, giấy chứng nhận nọ để tăng lương hay dễ dàng thăng tiến hơn trong công việc. Chính những điều đó đã tạo lên cho chúng ta những áp lực vô hình buộc bản thân phải hành động. Vô hình trung chính những điều đấy lại tạo nên căng thẳng trong cuộc sống của chúng ta. Áp lực đè nén làm việc học bớt đi sự lý thú vốn có của nó.
Cho nên, nếu cần phải học một thứ gì đấy, bạn hãy tìm cho mình sự thú vị bằng cách đặt ra các câu hỏi tại sao? Chỉ khi bản thân cảm thấy thú vị ở một lĩnh vực cụ thể, thì chúng ta mới bỏ công bỏ sức để tìm hiểu, nghiên cứu.
Như bản thân tôi, tôi rất thích tìm hiểu về văn hóa ở mỗi quốc gia mà tôi đi qua. Nên khi đến một quốc gia nào đó, tôi đều tò mò tìm hiểu về: những khu làng mang nét văn hóa của quốc gia đó, những quán ăn mà người bản xứ hay ăn, rồi khi nhâm nhi lại tranh thủ tìm hiểu xem nguồn gốc của món ăn đấy từ đâu và nó gắn liền với lịch sử văn hóa của của dân tộc đó như thế nào…
Thì khi đó, sự học mang lại sự thú vị cho tôi.
Chúng ta có nên bình thường hóa việc dành cho bản thân những phần thưởng sau khi học xong không?
Tôi nghĩ đó là một cái hết sức tự nhiên, nó giống như việc khi khát nước thì bạn sẽ đi tìm nước để uống, khi đói thì bạn sẽ đi tìm thức ăn để ăn vậy.
Quay trở lại với vấn đề chính, học lý thú như hình thành quá trình gây nghiện tự nhiên. Nếu bạn làm một điều gì mà khiến bản thân cảm thấy công sức bỏ ra là xứng đáng, nó sẽ như tiếp thêm động lực để ngày mai tiếp tục cố gắng. Chẳng hạn như ngày hôm nay, bạn đã học 2-3 tiếng đồng hồ, rồi ngày mai lại tiếp tục phấn đấu lên 4-5 tiếng nữa. Nhưng học nhiều thì sẽ có lúc mệt mỏi, lúc này chúng ta có tự thưởng cho mình cái gì đấy, không cần quá to tát đâu để tái tạo lại năng lượng.
Chẳng hạn như tôi, khi hoàn thành xong một cái báo cáo, có thể tôi sẽ tự thưởng bằng cách đi ra ăn ngoài món mà mình yêu thích. Tôi đã cố gắng làm cho xong công việc, rồi mới dám mơ tưởng đến món ăn đây, chắc là sẽ ngon lắm nhỉ để cho mình có động lực tiến lên.
Mình là người lớn thì cần phải học có mục tiêu. Ngay kể cả nỗ lực của bản thân cũng phải đi theo một quy trình tự nhiên để càng ngày càng nâng cao khả năng kiên cường và bền bỉ của mình. Chứ không phải tự nhiên nói tôi sẽ kiên trì là sẽ kiên trì được ngay.
Cảm ơn Giáo sư vì những chia sẻ thú vị này!