GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói có lợi ích nhóm sau tranh luận về sách Tiếng Việt 1 - CNGD là suy diễn

Hoàng Đan,
Chia sẻ

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng ở cả hai phía phê bình và ủng hộ cuốn sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã có những suy diễn chủ quan, đẩy vấn đề đi quá xa.

Những suy diễn chủ quan, đẩy vấn đề cuốn sách của GS Đại đi quá xa

Những ngày qua, cuốn sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (CNGD) do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên nhận được nhiều ý kiến đánh giá, bình phẩm trái chiều của dư luận xã hội.

Trao đổi với PV vào chiều 10/9, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, hiện là Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông, nhận xét ở cả hai phía phê bình và ủng hộ cuốn sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đã có những suy diễn chủ quan, đẩy vấn đề đi quá xa.

Điển hình, GS Thuyết dẫn chứng về ý kiến đã gắn phương pháp dạy đánh vần của cuốn sách này với đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.

Ông Thuyết cho hay, một vài ý kiến còn nghi ngờ, phía sau những tranh luận về cuốn sách Tiếng Việt 1 - CNGD có "lợi ích nhóm", nhằm "ngăn cản cuốn sách đến với nhà trường" - khi bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Đó là một suy diễn chủ quan. Tôi không hiểu nhóm lợi ích nào đứng sau tranh luận về cuốn sách này làm gì.

Bởi cuốn sách thí điểm này đã có vị trí ổn định trong hàng nghìn trường và khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới áp dụng, việc chọn sách giáo khoa thuộc quyền quyết định của các trường. Sách của bất kì tổ chức, cá nhân nào cũng được thẩm định, lựa chọn công bằng, do đó, không có gì phải lo lắng cả", GS Thuyết nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói có lợi ích nhóm sau tranh luận về sách Tiếng Việt 1 - CNGD là suy diễn - Ảnh 1.

Cuốn sách Tiếng Việt 1- Công nghệ Giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại.

Ông nói thêm, việc xuất hiện tranh luận, bàn tán đối với cuốn sách này chỉ bắt đầu khi có một phụ huynh đưa lên trên mạng clip hướng dẫn cách đánh vần của cô giáo, còn trước đó sách vẫn được sử dụng bình thường.

Cũng có ý kiến cho rằng, có ý đồ nào đó nhằm làm mất uy tín cuốn sách. Tôi không hiểu tại sao lại có thể suy diễn đến như vậy - ông Thuyết bày tỏ.

Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông bày tỏ, theo ý kiến của ông, sách đã phục vụ công chúng, có khen chê là chuyện bình thường.

"Những người có trách nhiệm nên giải trình để người dân hiểu và tiếp thu ý kiến phê bình với thái độ cầu thị để hoàn thiện sách, thay vì đưa ra những suy diễn chủ quan, khiến dư luận hoang mang", GS Thuyết nhấn mạnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói có lợi ích nhóm sau tranh luận về sách Tiếng Việt 1 - CNGD là suy diễn - Ảnh 2.

GS Hồ Ngọc Đại.

Tranh luận, bình luận... làm mọi việc "rối tung lên"

GS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, ông không đồng tình với ý kiến đặt vấn đề có lợi ích sau các tranh luận về cuốn sách Tiếng Việt của GS Hồ Ngọc Đại.

Theo GS Dong, trong cuốn sách của GS Đại có điểm được, nhưng cũng có điểm chưa được nên có nhiều người từng học, cho con học tán thành với cách dạy, một số người khác lại bày tỏ sự không ủng hộ.

Trong lúc đó, một số người khác lâu nay có thể ưa hoặc không ưa, nhân việc hai bên đưa ra tranh luận - họ đưa ra ý kiến, bình luận... từ đó làm mọi việc "rối tung lên".

Tuy nhiên, theo ông Dong, đây đều là các ý kiến của quần chúng. Cuốn sách có được sử dụng hay không, quyết định do Nhà nước - khi Chương trình Giáo dục phổ thông mới sắp được thực hiện.

Ông dẫn lại ý kiến trả lời của Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, năm học 2017-2018 và 2018-2019 các tỉnh vẫn triển khai tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường.

Tuy nhiên, không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

"Do đó, việc đặt vấn đề lợi ích nhóm hay gây tranh luận để ngăn cản cuốn sách của GS Đại tôi cho rằng không nên, không phù hợp.

Chúng ta cần hết sức tỉnh táo, không sa đà. Khi dư luận thắc mắc, tác giả nên giải thích rõ cho mọi người hiểu", GS Dong nêu ý kiến.

Trước đó, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, sách Tiếng Việt 1 - CNGD của ông chỉ có một cuốn, không có sách bổ trợ. Năm học này có hơn 800.000 học sinh trong cả nước sử dụng nên hẳn sẽ có "nhiều nhóm làm sách giáo khoa khác bị ảnh hưởng về lợi ích. Và tôi cho rằng cơn bão tấn công tôi xuất phát từ đó".

"Nhưng tôi đã đủ già để hiểu: "Họ chỉ chấp nhận vì lợi ích của họ. Đừng hy vọng họ vì lợi ích của chúng ta". Tôi là nhà khoa học, tôi không biết chuyện sách giáo khoa được bán thế nào, không quan tâm chuyện lỗ lãi của ai đó ra sao.

Tôi chỉ quan tâm một việc, sách giáo khoa của tôi đến được tay trẻ con. Việc còn lại, pháp luật sẽ có nhiệm vụ điều chỉnh!", GS Đại nói.

Còn PGS Nguyễn Lân Hiếu khi trả lời Zing nói rằng, có lợi ích nhóm sau tranh luận về GS Hồ Ngọc Đại.

Ông nói rằng mình quyết "lôi ra ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ Giáo dục và trường Thực nghiệm, cũng như để độc quyền sách giáo khoa.

Chia sẻ