GS Ngô Bảo Châu: Giáo trình toán quá cũ, cần nghiên cứu, thay đổi dạy - học
Theo GS Ngô Bảo Châu, giáo trình môn toán được viết từ những năm 1970, theo giáo trình của Nga từ những năm 1940. Việc dạy toán hiện nay quá chậm, không bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội.
Chia sẻ tại tọa đàm trong "Ngày hội Toán học mở - MOD HCM năm 2022" sáng 4-12, tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP HCM, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ trăn trở trước việc dạy toán hiện nay.
Theo GS Ngô Bảo Châu, sinh viên rất ít theo học toán. Khoa toán các trường ĐH gặp khó khăn khi tuyển sinh, đặc biệt là toán ứng dụng.
Học sinh, sinh viên tham gia các trò chơi ứng dụng môn toán vào thực tiễn tại ngày hội
Dẫn giải nhận định trên, GS Ngô Bảo Châu thông tin ở Việt Nam có hơn 400 trường ĐH nhưng chỉ có khoảng 5 khoa toán hoạt động 1 cách đúng nghĩa và có nhiều sinh viên. Đa số các khoa toán hoạt động lèo tèo. Trong khi đó, thực tế việc sử dụng toán học đang càng ngày càng sâu rộng, kiến thức toán học rất cần thiết ngay trong lĩnh vực chuyên môn, kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng... đòi hỏi kiến thức toán chắc chắn.
"Có rất nhiều vấn đề. Các em sinh viên không theo ngành toán không thể đổ lỗi cho các em được, mà trách nhiệm thuộc về chúng ta. Một trong những vấn đề cơ bản ở đây là việc dạy của chúng ta còn quá chậm bắt nhịp với tốc độ phát triển của xã hội. Ví dụ đơn giản là giáo trình môn toán được viết từ những năm 1970, dựa theo giáo trình của Nga từ những năm 1940. Giáo trình đó về mặt toán học thì khá ổn nhưng vô cùng nặng nề. Nếu giáo trình này dạy cho những người làm toán cơ bản thì hơi thiếu song dạy cho người làm toán ứng dụng thì lại quá thừa, không đáp ứng được nhu cầu"- GS Ngô Bảo Châu phân tích.
Ông đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng là cần cập nhật chương trình toán, dạy cho toán lý thuyết khác với những người dạy toán kỹ sư, công nghiệp. Việc nghiên cứu thay đổi giáo trình dạy toán đáp ứng yêu cầu hiện nay là vô cùng quan trọng. Dạy đúng những cái cần thiết, không phải cứ mua nguyên phần mềm của nước ngoài về...