Gợi ý các hoạt động hàng ngày trong thời gian giãn cách giúp trẻ và bố mẹ đều thư giãn, vui vẻ
Những hoạt động phù hợp được phân bổ thời gian hợp lý sẽ giúp trẻ vừa học hỏi thêm kiến thức và kĩ năng mới, vừa đảm bảo sức khoẻ và cảm xúc lành mạnh, đồng thời cũng bồi đắp niềm vui và sự gắn kết trong gia đình.
Công thức "The Healthy Mind Platter" là một mô hình được giới thiệu bởi Tiến sĩ Daniel J. Siegel, Giáo sư lâm sàng ngành Tâm thần học ở trường Y UCLA, Hoa Kỳ cùng các cộng sự. Mô hình này đưa ra 7 hoạt động mà chúng ta cần dành thời gian mỗi ngày để giúp giữ gìn tâm trí lành mạnh và sự khoẻ khoắn trí não tối ưu.
Trong thời gian giãn cách, việc trẻ ở nhà và bị hạn chế các hoạt động vui chơi ngoài trời suốt một thời gian dài có thể dẫn đến những căng thẳng và áp lực tinh thần cho cả trẻ và cha mẹ, vì thế, những hoạt động vui chơi lành mạnh, được sắp xếp phù hợp với lịch sinh hoạt của gia đình sẽ giúp trẻ duy trì được cảm xúc tích cực, sức khoẻ tinh thần lành mạnh.
Mô hình "The Healthy Mind Platter" với 7 hoạt động quan trọng:
1. "Thời gian dành cho chính mình"
2. "Thời gian hoạt động thể chất"
3. "Thời gian tập trung"
4. "Thời gian ngủ"
5. "Thời gian kết nối"
6. "Thời gian nghỉ ngơi"
7. Giờ vui chơi"
Bài viết này sẽ chia sẻ với các bố mẹ những hoạt động vui vẻ và ý nghĩa để có khoảng "thời gian kết nối" với con chất lượng nhất.
Những trò chơi gia đình
Các trò chơi tập thể với sự tham gia của cả gia đình là hoạt động vừa vui vẻ vừa ý nghĩa đối với tất cả các thành viên trong gia đình. Các trò chơi gia đình vừa phát triển tư duy, vừa rèn luyện kỹ năng mềm cho trẻ, vừa dạy trẻ cách hợp tác, làm việc nhóm khi tham gia vào trò chơi. Hơn hết, những trò chơi này là cơ hội tuyệt vời để bố mẹ quan sát, lắng nghe, chia sẻ, hướng dẫn, trò chuyện với con, đây chính là những chất xúc tác tuyệt vời để chúng ta kết nối với con tốt hơn.
Những trò chơi cả nhà có thể chơi cùng nhau phù hợp với trẻ từ 5,6 tuổi là cá ngựa, ô ăn quan, cờ vua, cờ caro, cờ tỉ phú, xếp hình jigsaw và các boardgame khác. Đối với trẻ từ 3-5 tuổi, bố mẹ có thể chọn các trò chơi như "Puzzle - Thế giới diệu kỳ", bộ trò chơi ghép cặp "Chú voi đi đâu rồi?", bộ trò chơi "Khúc khích" hay "Xoa xoa xoa đều!"… Những trò chơi này đều được làm bằng chất liệu giấy an toàn và thân thiện với trẻ nhỏ, đặc biệt, các hình vẽ dễ thương và luật chơi vừa đơn giản, vừa hài hước, vừa lôi cuốn giúp các bạn nhỏ thoả sức thể hiện sự sáng tạo, hồn nhiên và thế giới tưởng tượng phong phú của riêng mình.
Bố mẹ có thể tải về miễn phí "Sổ chơi hay hay" để cùng chơi với con những trò chơi đầy ắp tiếng cười trong những ngày này TẠI ĐÂY hoặc "Sách tô màu vui vui" để trẻ thoả sức sáng tạo trong "thời gian tập trung" hoặc "giờ vui chơi" của trẻ hàng ngày TẠI ĐÂY.
Cả nhà cùng đọc sách
Đọc sách là một hoạt động tuyệt vời để kết nối với trẻ, điều này được hầu hết các chuyên gia giáo dục hay nhà nghiên cứu về sự phát triển của trẻ nhỏ công nhận và khẳng định. Đây cũng là hoạt động bố mẹ có thể dễ dàng thực hiện với những cuốn sách thú vị và 15 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, lợi ích của giờ đọc sách đối với trẻ nhỏ thì vô cùng lớn lao, đặc biệt là những lợi ích trong việc tạo ra những kết nối gắn bó khăng khít cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con trong những năm đầu đời và trong suốt cuộc đời của trẻ.
Duy trì thói quen đọc sách trong thời gian này, ngoài mục đích kết nối với trẻ, qua những cuốn sách bố mẹ còn có thể giúp trẻ củng cố kiến thức, học hỏi thêm bao điều mới mẻ, và đặc biệt là nuôi dưỡng cảm xúc tích cực cho trẻ. Những cuốn sách cũng mở ra vô vàn những cuộc trò chuyện, ở đủ các chủ đề xung quanh cuộc sống và đời sống tinh thần của trẻ; gợi mở những trò chơi thú vị sau khi đọc sách mà các bố mẹ có thể chơi cùng con.
Nấu ăn, chăm sóc nhà cửa cùng nhau
Nhịp sống bận rộn thường ngày tách trẻ ra khỏi nhịp sinh hoạt của một gia đình. Trẻ ra khỏi nhà từ sớm và trở về nhà vào chiều muộn nên phần lớn những gì trẻ làm trong thời gian ở nhà thường chỉ là các bữa ăn, vệ sinh cá nhân, học bài và đi ngủ. Chúng có gần như rất ít các cơ hội để tham gia và việc chăm sóc, vận hành các hoạt động của một gia đình. Vì thế, đây chính là lúc bố mẹ nên trao cho trẻ cơ hội để làm những công việc đó.
Hãy để trẻ tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn gia đình từ những việc đơn giản như thảo luận để lên thực đơn, rửa rau củ, tập thái rau của, chuẩn bị bàn ăn, dọn bàn ăn, dọn dẹp bếp, rửa bát đũa… tuỳ thuộc vào độ tuổi và kỹ năng của trẻ. Bố mẹ nên giao cho trẻ các công việc để trẻ thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình như chăm sóc cây cối, dọn dẹp nhà tắm, giặt đồ, kiểm tra việc sử dụng điện và nước tiết kiệm…
Những công việc phù hợp với khả năng của trẻ ở từng độ tuổi này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin thể hiện tình yêu và trách nhiệm của chúng với gia đình, từ đó, thắt chặt sự gắn bó và kết nối giữa bố mẹ và con.
"Thời gian kết nối" giữa các thành viên trong gia đình thường bị ảnh hưởng bởi sự bận rộn của cuộc sống gấp gáp bình thường, vì thế, bố mẹ hãy duy trì những hoạt động được gợi ý trong bài viết này để duy trì những kết nối chất lượng cùng con trong thời gian giãn cách.
Nhà báo, Tác giả sách thiếu nhi và Làm cha mẹ Phạm Thị Hoài Anh.
Chị là tác giả của các cuốn sách như "Trái tim của mẹ", "Bàn tay của bố", "Mỗi ngày 15 phút yêu con".
Trong đó, cuốn sách "Trái tim của mẹ" đã từng đoạt giải thưởng Grand Prize cuộc thi Samsung KidsTime Authors' Award awarded dành cho các tác giả Đông Nam Á tại Asian Festival of Children's Content (AFCC) do Hội đồng Sách Singapore tổ chức năm 2015 và Giải Bạc sách Hay Việt Nam 2016 do Hiệp hội xuất bản Việt Nam trao tặng. Hiện chị đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Độc giả có thể tìm đọc những bài viết của tác giả Hoài Anh TẠI ĐÂY.