Gỏi lá, bữa tiệc vị rừng
Một mâm lá! Có những loại lá trong vườn nhưng nhiều hơn cả là những loại lá rừng.
Miếng gỏi lá cuốn đúng điệu! Ảnh: Minh Phúc |
Bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, chủ quán gỏi lá Tây Nguyên (21 Trần Cao Vân, TP Kon Tum) cho biết, cách đây tám năm (tháng 2.2002), bà mở quán bán món gỏi lá từ gợi ý của cha chồng: ăn nhiều thịt dễ bị béo phì, để cân bằng, cần thêm rau, trong đó có những loại lá rừng ăn rất ngon. Cả gia đình ăn thử, thấy lạ miệng và ngon, bèn mở quán bán thử. Ai dè bán được, vậy là bán từ ngày đó cho đến bây giờ.
Còn theo ông Hàn Cư, một tay sành về ẩm thực, cách đây cũng tám năm được nhà giáo Lê Minh Thế (phòng giáo dục Kon Tum) đãi món gỏi lá. Trong những khách được mời, có một chủ quán phở. Sau đó, chủ quán phở này mở quán gỏi lá tại góc đường Lê Hồng Phong – Lê Lợi. Cũng có người cho rằng, chủ nhân đích thực của món gỏi lá này là ông Lê Văn Nhơn. Còn người kinh doanh chính thức là ông Lê Văn Lâm, cách đây đã mười năm.
Chuyện là vậy nhưng chẳng thấy ai kiện tụng gì nhau, tranh chấp “quyền sở hữu” mà mỗi người, mỗi quán đã làm món gỏi lá ngày càng ngon hơn! Chẳng cần biết ai đã “sinh” ra nó, dân sành ăn truyền miệng nhau về món gỏi lá. Nhiều quán gỏi lá xuất hiện trên đường Trần Cao Vân, Trần Hưng Đạo… như là một đặc sản!
Nhưn của món gỏi lá gồm có ba món chính: da heo thái nhỏ trộn với mè (có quán trộn với bột gạo, nếp, bắp, gừng, lá chanh), thịt heo ba chỉ xắt mỏng và tép luộc. Nước chấm của gỏi lá là mẻ (hoặc hèm rượu). Theo chủ quán Út Cưng, mẻ được trộn với thịt heo bằm nhỏ, sau đó xào lên, có nêm gia vị, tạo thứ nước chấm sền sệt, màu vàng trông rất bắt mắt. Mâm gỏi lá không thể thiếu chén muối hột, tiêu hạt và ớt hiểm xanh.
Mâm lá rừng và rau trong vườn để làm món gỏi lá. Ảnh: Minh Phúc |