Giúp mẹ chồng đánh ghen, con dâu ra khỏi nhà với 2 bàn tay trắng
Chồng có người khác, bố chồng không bênh vực con dâu, còn giễu cợt: “con không đi đánh ghen à? phải đánh ghen cho nó “quê” mặt với bạn bè, đối tác làm ăn chứ! mày giỏi mấy chuyện này lắm mà!”.
Chứng cứ của chị chỉ là lời… hứa suông của cha chồng từ 15 năm trước. Hội đồng xử án thở dài khi chị cứ nương vào lời hứa ấy làm lý lẽ cho mình, đành “biến” phiên xử thành buổi hòa giải, với hy vọng thấy chị khó khăn, gia đình chồng nghĩ tình nghĩa xưa sẽ rộng tay giúp đỡ.
Ấy vậy mà, trong khi cha chồng còn nhíu mày suy nghĩ thì người đàn ông đầu ấp tay gối của chị lại giơ tay xin phát biểu: “Là tự nó chọn khổ chứ có ai ép buộc. Chọn thì chịu thôi. Không tốn thêm cho nó một đồng nào nữa”. Chị bặm môi, thất vọng.
Làm công nhà chồng
Anh Trần Văn Quốc (Bình Dương) là tài xế xe tải, gia đình giàu có. Ông Trần Văn Bảy - cha anh nổi tiếng làm ăn phát đạt nhờ có cửa hàng kinh doanh nội thất lớn. Anh Quốc cặp với rất nhiều cô, trong số đó có chị Thủy khá dễ thương, lanh lợi, tìm mọi cách để “giữ chân” anh. Khi biết Thủy có thai, anh Quốc đành… dừng cuộc chơi để cưới làm vợ, sau đó đưa chị vào Bình Dương sống với gia đình mình. Mang thai trước nên phải về nhà chồng bằng “cửa sau”, nhưng chị Thủy sớm được lòng cha mẹ chồng nhờ sự khéo léo. Họ càng yêu quý con dâu hơn khi đứa trẻ sinh ra là một quý tử giống anh Quốc như tạc. Hai năm sau, Thủy sinh tiếp cô công chúa kháu khỉnh…
Ngày trở thành “người nhà” của ông Bảy, Thủy thường mỉm cười khi nghe nhiều người ví mình như chuột sa chĩnh gạo. Sau đám cưới, dẫu chồng vẫn chạy xe đường dài, có khi cả tuần không về, hờ hững với vợ, cuộc sống vợ chồng rơi vào cảnh gối chăn lạnh lùng, nhưng đổi lại, chị Thủy được cha chồng tin cẩn giao phụ việc trông coi cửa hàng nội thất. Ngoài “bao ăn bao mặc” cả gia đình con trai, để con dâu có đồng ra đồng vào, ông Bảy hứa trả lương cho chị Thủy mỗi tháng hai triệu đồng. Ba năm sau, mức lương này nâng lên 2,5 triệu. Ba năm sau nữa, lại thêm 500.000đ. Cứ thế…
Phần không phải chi trả các khoản sinh hoạt cá nhân, phần thu nhập của chồng mang về đủ lo cho các con ăn học, chị Thủy quyết định… gửi tiền lương cho cha chồng giữ. Ông Bảy cũng hứa bất cứ lúc nào các con cần, sẽ thanh toán sòng phẳng. Một ngày, ông Bảy mang sổ ra tính, cho biết, thu nhập của chị Thủy trong suốt chín năm liền được 270 triệu đồng. Để tiện việc làm ăn, ông Bảy cơi nới toàn bộ ngôi nhà phục vụ kinh doanh, mua thêm miếng đất, cất ngôi nhà trị giá 2,5 tỷ đồng làm nơi ở cho cả đại gia đình.
Khi xây nhà, ông Bảy cho rằng, Quốc là con trai trưởng nên ngôi nhà mai sau cũng thuộc về vợ chồng anh. Do vậy, thay vì thanh toán lương cho con dâu, ông Bảy đề nghị góp chung làm vốn xây nhà. Ngẫm tiền của mình không đáng là bao so với giá trị ngôi nhà mà sau này chắc chắn thuộc về vợ chồng mình, chị Thủy vui vẻ chấp nhận. Theo thỏa thuận ban đầu, những năm sau, chị Thủy tiếp tục phụ cha chồng quán xuyến cửa hàng nên vẫn được tính lương. Cho đến ngày, vì “bất cẩn”, chị Thủy không còn được cha chồng “sủng ái”…
Ảnh minh họa
Màn nhung khép lại
Mâu thuẫn nảy sinh từ việc ông Bảy bị phát hiện cặp với một cô gái trẻ. Vợ ông lồng lộn ghen tuông khi thấy chồng mang tiền nuôi bồ. Tiền của hao hụt, chị Thủy cũng… đứng ngồi không yên, đâm ghét cô nhân tình của cha chồng. Ngày ông Bảy đến cửa hàng áo cưới của nhân tình - vốn được ông mua cho - để “cắt băng” khánh thành, mẹ chồng rủ chị Thủy theo… quậy, khiến ông Bảy mất mặt. Sau hôm đó, ông tuyên bố cho con dâu “nghỉ việc”.
Chị Thủy đành “rút” vào góc bếp với phận sự chợ búa, cơm nước cho cả đại gia đình. Chị chưa hết buồn thì cô em chồng, vì hôn nhân đổ vỡ nên khăn gói về sống với gia đình, thường xuyên hoạnh họe, đặt điều nói xấu chị dâu. “Ngó” sang mẹ chồng, chị Thủy tìm kiếm sự đồng thuận, bảo bọc vì đã từng… chung phe, nào ngờ, như bàn tay úp ngửa dễ dàng, mẹ chồng nghe con gái, lại không dám cãi lời chồng, cũng quay sang lạnh nhạt với chị.
Chị Thủy rớm nước mắt, kể: “Khi bị ghét rồi thì cái gì ở mình người ta cũng ghét. Tôi nấu cơm sao họ cũng chê rồi rủ nhau đi ăn tiệm. Nhà tôi lau kỹ, em chồng quẹt tay từng ngóc ngách bảo bụi vầy coi sao được. Tủi thân hơn, họ bỗng tính toán từng đồng với tôi, đi chợ mua gì, giá bao nhiêu đều phải khai báo hết”.
Vốn hờ hững với vợ, Quốc cũng mượn cớ chửi mắng, ruồng rẫy chị Thủy: “Thứ đàn bà nhiều chuyện, không biết thân phận mình là vậy” và càng ít về nhà hơn. Niềm an ủi của chị Thủy, tưởng còn có hai con nhưng con trẻ ngây thơ, dễ bị “hấp dẫn” bởi cuộc sống muốn gì được nấy từ ông bà nội. Thấy các con được ông bà thương yêu, lo lắng chu toàn, chị Thủy rất mừng, nhưng kèm theo là nỗi lo khi các con quấn ông bà hơn mẹ ruột. Chị Thủy thầm mong mình chỉ đang bị họ “trừng phạt” nên cố hoàn thành tốt vai trò hòng sớm được thương yêu trở lại. Ngờ đâu, cái tin chồng ba năm nay chung sống với người khác, lại sắp lên chức cha khiến chị ngã quỵ.
Không bênh vực con dâu, ông Bảy còn giễu cợt: “Con không đi đánh ghen à? Phải đánh ghen cho nó “quê” mặt với bạn bè, đối tác làm ăn chứ! Mày giỏi mấy chuyện này lắm mà!”. Vợ chồng phải quấy với nhau, Quốc “khuyên” vợ: “Muốn yên thì cứ sống vậy, không muốn thì ly hôn. Nhà này chẳng ai giữ cô đâu”. Chần chừ mãi rồi chính sự ghẻ lạnh của gia đình chồng khiến chị không chịu nổi, đành phải xin ly hôn.
Công sức làm dâu
Chị và chồng không có tài sản chung. Ngoài yêu cầu ly hôn, chị còn đòi ông Bảy thanh toán khoản tiền lương (có tính lãi suất) bao năm chị giúp ông quán xuyến cửa hàng. Tuy nhiên, chị lại không chứng minh được khoản tiền lương được ông Bảy hứa trả và giữ giúp, bởi đó chỉ là thỏa thuận miệng. Chị đuối lý khi ông Bảy “lật ngược”: “Làm gì có chuyện thuê con dâu làm việc của nhà chồng. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận mà bất cứ người con dâu nào cũng phải thực hiện. Sòng phẳng mà nói, có làm có ăn, giờ muốn tôi trả lương thì cô ấy phải thanh toán các chi phí cơm nước, áo quần tôi đã lo cho cô ấy suốt thời gian qua”.
Tương tự, công sức đóng góp tạo dựng ngôi nhà, chị Thủy cũng không có chứng cứ, trong khi ông Bảy trình bày được mọi việc lớn nhỏ ông đều khoán hết cho công ty xây dựng. “Chẳng lẽ việc lau nhà, quét dọn, sắp đặt nhà cửa cũng gọi là công sức đóng góp, giữ gìn mà tôi phải trả cho con dâu - người đang sống nhờ trong ngôi nhà của tôi” - ông Bảy nhấn mạnh. Chị Thủy đuối lý…
Tòa cố gắng hòa giải, phân tích việc người phụ nữ ra đi tay trắng sau ngần ấy năm hôn nhân là một sự thiệt thòi. Tòa khuyên, dựa vào tình cảm đã có, cũng như mối ràng buộc lớn nhất là hai đứa trẻ, không nên để chúng nhìn thấy sự tính toán khắt khe giữa những người ruột thịt, các bên nên tạo điều kiện giúp đỡ nhau. Anh Quốc nghe vậy liền níu tay cha: “Nó không xứng nhận thêm đồng nào nữa”… Phiên xử khép lại với bản án chị Thủy bị bác các yêu cầu. Đắng cay hơn, các con trình bày nguyện vọng ở với cha nên chị phải cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng một triệu đồng/hai đứa cho đến năm chúng tròn 18 tuổi. Theo anh Quốc, đó là khoản “lấy lệ” chứ gia đình anh không trông mong ở chị…
Ngày chị Thủy rời khỏi nhà, nhiều người bàn với nhau, chuột sa chĩnh gạo, lúc bị đuổi đi, ắt cũng đủ no bụng! Chị chỉ biết khóc thầm, vì có nói ra, chẳng ai tin chị từng bước vào ngôi nhà ấy ra sao thì giờ phải ra đi như vậy. Nhưng, chị không thể trách được ai…