Giúp bạn phân biệt một đôi giày thể thao thật - giả

Theo Giadinh,
Chia sẻ

Đôi khi bỏ ra tiền triệu mà bạn vẫn chưa thể sở hữu được một đôi giày thể thao chính hiệu nếu không "bỏ túi" vài mẹo nhỏ dưới đây...

Thị trường giầy thể thao cao cấp ở Việt Nam hiện có sự góp mặt của nhiều thương hiệu lớn và uy tín trong và ngoài nước. Thế nhưng không ít người đã bỏ ra tiền triệu mà vẫn “gắp” nhầm hàng nhái, kém chất lượng.

Chi tiền to – mua giầy rởm

Vừa “tậu” được đôi giầy thể thao hiệu A., hàng “xách tay” từ bên Mỹ về với giá 3.000.000 đồng, chiều hôm đó, anh Nguyễn Tiến Cường (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) diện ngay đi đánh tenis. Khi vừa hớn hở khoe đôi giầy “hàng hiệu” của mình, thì một người bạn chuyên dùng hàng “có số” phán xanh rờn: "Đồ của anh là hàng rởm". Sau một hồi nghe giải thích, anh Cường vừa tiếc, vừa tức tưởng mua được món hời, ai ngờ lại là đồ rởm.

Có tiền chưa hẳn đã mua được 1 đôi giày xịn.

Chị Phương Lan (sinh viên trường ĐH KHXH & NV) thường xuyên đi mua đồ second-hand ở khu Kim Liên cho biết, tại đây có rất nhiều đôi giầy được quảng cáo là hàng hiệu cũ với giá khá mềm, chỉ khoảng 1/3 - 1/2 giá bán trong các đại lý. Chị từng mua một đôi giầy hiệu N. với giá 800.000 đồng, được người bán hàng quảng cáo đó là hàng “độc”, “xách tay” từ Mỹ về, ở Việt Nam chỉ có một đôi duy nhất. “Độc” đâu chưa thấy, chỉ biết dùng đôi giầy đó chạy bộ mấy ngày, chân chị đã đau buốt.

Những trường hợp bỏ ra tiền triệu để mua những đôi giầy giả, giầy nhái kém chất lượng như anh Cường, chị Lan không phải là hiếm. Không ít bạn trẻ có thói quen săn hàng hiệu, hàng độc trên Internet đã phải ngậm đắng khi đôi giầy “xịn” mới mua được vài tháng đã bị bong da, há mõm. Trong khi đó, không chỉ nhiều cửa hàng thời trang mà những người bán hàng qua mạng đều nhận hàng mình bán là xịn 100%, khiến người tiêu dùng như rơi vào mê hồn trận.

Vậy có cách nào nhận biết hàng thật, hàng rởm? Đem thắc mắc này hỏi các đại lý chính hãng, mỗi nhân viên bán hàng lại giải thích một kiểu. Chị Đào Thị Hường, nhân viên của 1 cửa hàng chuyên bán giày thể thao phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội cho rằng, tem mác của hãng được in nhiệt ở “lưỡi gà” của giầy, logo thêu ở gót giầy, đó là chỗ để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả. Ngoài ra, trên mỗi đôi giầy chính hãng còn đính một tem nhập khẩu của công ty nhập khẩu. Khi hỏi, nếu hàng nhái, hàng giả cũng in tem, logo theo các vị trí đó, làm thế nào để phân biệt, chị Hường nói, chủ yếu bằng... cảm quan, nhưng cảm quan thế nào thì không biết.

Hàng nhái thường rất tinh vi, nếu nhìn thoáng qua bạn khó có thể phân biệt được.

Một nhân viên khác (từ chối cung cấp tên) của 1 đại lý tại Tràng Tiền Plaza (Hà Nội), khi chúng tôi hỏi đã “thao thao bất tuyệt” về công nghệ sản xuất của hãng (như công nghệ Torision system chống cong bàn chân, công nghệ adiprene chống va chạm gót chân, giảm chấn thương, công nghệ 2D, 3D formotion giúp tăng sức bật cho người đi...) nhưng cũng không thể đưa ra một tư vấn thuyết phục trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. 

“Công nghệ làm hàng giả bây giờ rất tinh vi, từ kiểu dáng đến tem mác nên người mua hàng bình thường khó phân biệt được. Tất nhiên chất liệu, màu sắc và độ êm của hàng chính hãng vượt trội hơn”, nhân viên này nói. Chị này tự tin khẳng định, nếu đặt giầy giả, thật cạnh nhau, chị có thể phân định được, nhưng đưa ra các tiêu chí cụ thể thì “không thể nói được”. Nhân viên này cũng cho biết thêm, rất nhiều giầy hiệu A. ở Việt Nam có xuất xứ từ... Trung Quốc.

Vậy là sau khi được nhân viên “chính hãng” tư vấn, thông tin mà chúng tôi có được để phân biệt giầy thật, giả là: “tem nhiệt ở “lưỡi gà”, logo thêu ở gót, màu sắc và độ êm... vượt trội”. Bên cạnh đó là nếu muốn mua hàng thật, nên vào những đại lý cấp 1 của hãng, với cách bài trí cửa hàng và... đồng phục nhân viên theo một style riêng.

Mẹo phân biệt thật - giả:

Dưới đây là 1 số mẹo phân biệt giày thể thao thật, giả cơ bản mà bạn nên tham khảo:

Giày thật logo rất sắc nét.

Giày nhái logo mờ, nhoè...

Theo kinh nghiệm của anh Phan Anh Dũng (Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội), một người sành về giầy thể thao, hầu hết các hãng giầy nổi tiếng trên thế giới đều đúc logo của hãng vào đế. Logo được đúc rất sắc nét, không bị méo. 

Những đôi giầy nhái thường có kiểu “đầu Ngô mình Sở”, logo khi thì dập, lúc thì thêu trên trên giầy, ít khi đúc ở đế giầy, hoặc nếu có thì rất “nhoè”, hình ảnh không nét. Giầy “xịn” lót thường làm bằng da hoặc vật liệu tổng hợp, được dán keo rất kỹ vào đế, không bị bong tróc hay xô lệch. 

Lót giầy của hàng nhái thường làm bằng bìa cứng, nên dễ bung, dễ ngấm nước. Với loại hàng nhái tinh vi thì khó phân biệt hơn, người mua cần kiểm tra kỹ đường nét, màu sắc.

 Cần kiểm tra kỹ đường nét, màu sắc của giầy...

Anh Đinh Thanh Âu, chủ một cửa hàng giầy thể thao ở đường Nguyễn Trãi thì cho rằng, giầy thể thao hàng xịn rất nhẹ, chỉ khoảng vài trăm gram, đi êm chân, đệm lót mềm, khả năng hút ẩm tốt. Đế giầy được ép nhiệt nên khác với hàng nhái được dán keo, vì thế ít khi có hiện tượng bong tróc hay há mõm. “Điều quan trọng nhất khi đi mua giầy nên đặt giầy lên một mặt phẳng, xem chúng có cân đối không. Giầy tốt sẽ không bị nghiêng vẹo, đầu và gót nằm trên một mặt phẳng, khi ấn vào mũi hoặc gót giầy, giầy vẫn không bị bập bênh”, anh Âu nói.

Khi mua giầy nên đặt giầy lên một mặt phẳng, xem chúng có cân đối không.


Với những chia sẻ nho nhỏ trên đây, chuyên mục Mua sắm hy vọng bạn sẽ tìm ra được đôi giày thể thao thật ưng ý với mẫu mã và chất lượng xứng đáng với số tiền mình đầu tư nhé!

Chia sẻ