Giữa thời điểm dịch COVID-19, sản phụ mang mắc hội chứng Hellp rất nặng có nguy cơ tử vong cao được cấp cứu kịp thời ở tuyến tỉnh

MT,
Chia sẻ

Mang thai ở tuần 34 thai kỳ, lại mắc Hội chứng Hellp – một biến chứng nặng của bệnh lý tiền sản giật, sản phụ đã được cấp cứu kịp thời, thoát cơn nguy kịch.

Sản phụ bị Hội chứng Hellp rất nặng có nguy cơ tử vong cao

Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã cấp cứu thành công cho sản phụ mang thai tuần 34 bị hội chứng Hellp – một biến chứng nặng của bệnh lý tiền sản giật với các dấu hiệu như rối loạn đông máu, men gan tăng cao, suy thận, giảm tiểu cầu đe dọa tính mạng của mẹ và thai nhi, thoát khỏi cơn nguy kịch và đón bé gái nặng 1,5 kg chào đời trong niềm hạnh phúc của gia đình.

Đó là sản phụ Phùng Thị Hường, nhập viện Sản Nhi Bắc Giang rạng sáng ngày 30/3/2020 trong tình trạng đau bụng ra huyết và phù nề toàn thân.

Theo gia đình sản phụ cho biết, trước đó 04 ngày sản phụ Hường đã có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, buồn nôn và nôn. Qua quá trình kiểm tra sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ nhận thấy huyết áp của sản phụ tăng cao ở mức 190/110 mmHg, các chỉ số xét nghiệm huyết học, sinh hóa đều không ở mức an toàn, đặc biệt men gan tăng rất cao > 700 U/L và thực tế có rất ít trường hợp bị men gan tăng cao như vậy. Đây là những triệu chứng điển hình của Hội chứng HELLP (tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu).

Giữa thời điểm dịch COVID-19, sản phụ mang mắc hội chứng Hellp rất nặng có nguy cơ tử vong cao được cấp cứu kịp thời ở tuyến tỉnh - Ảnh 2.

Sản phụ Hường nằm điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang

Với tình trạng của sản phụ diễn biến nặng như vậy, các bác sỹ bệnh viện đã hội chẩn và chẩn đoán sản phụ Hường bị Hội chứng Hellp rất nặng có nguy cơ tử vong cao do gan bị tổn thương nghiêm trọng. Sản phụ được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu đồng thời hồi sức tích cực trước, trong và sau mổ để tránh biến chứng sản giật, rau bong non, rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng...

Trong quá trình phẫu thuật ê kíp nhận thấy trên bề mặt tử cung đã có nhiều ổ nhồi huyết bầm tím và lan đến 02 dây chằng rộng (do tình trạng co mạch kéo dài gây nên thiếu máu, khiến tổn thương lớp nội mô mạch máu, kết tập tiểu cầu và lắng đọng Fibrin dẫn đến tắc mạch, vỡ mạch. Tổn thương này có thể gặp ở các phủ tạng như gan, thận, tụy, tử cung… đồng thời là nguyên nhân dẫn đến suy đa phủ tạng và rối loạn đông máu). 15h10ph, bé gái nặng 1,5 kg được lấy ra khỏi tử cung của sản phụ an toàn, tuy nhiên do chào đời thiếu tháng nên bé được chuyển về Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang để các bác sỹ chăm sóc cho đến khi sức khỏe bé ổn định.

Giữa thời điểm dịch COVID-19, sản phụ mang mắc hội chứng Hellp rất nặng có nguy cơ tử vong cao được cấp cứu kịp thời ở tuyến tỉnh - Ảnh 3.

Con gái sản phụ Hường những ngày đầu được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh – Bệnh viện

Đây trường hợp hiếm gặp và là lần đầu tiên được điều trị tại bệnh viện

Bác sỹ CKII Lê Công Tước – Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, người trực tiếp phẫu thuật cho biết: Sản phụ H có chỉ số men gan tăng cao ở mức > 700 U/L là trường hợp hiếm gặp và cũng là trường hợp đầu tiên được điều trị tại bệnh viện bởi với những trường hợp như thế này thường sẽ phải chuyển tuyến ra Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai để điều trị. Tuy nhiên, thời điểm đó Bệnh viện Bạch Mai bị "phong toả" do phát hiện có 01 số trường hợp nhiễm Covid-19 nên chủ trương của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang là cố gắng điều trị cho sản phụ ngay tại Bệnh viện.

Hội chứng Hellp là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở 03 tháng cuối của thai kỳ (chủ yếu được chẩn đoán từ tuần 28 đến tuần 36 thai kỳ) hoặc đôi lúc sau sinh với tỷ lệ khoảng 05 – 08 % thai phụ mắc Hội chứng này. Hội chứng Hellp thường gắn liền với tiền sản giật, khoảng 10 % – 20 % thai phụ bị tiền sản giật mắc hội chứng Hellp và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sỹ CKII Lê Công Tước lưu ý, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, nhất là trong 03 tháng cuối thai kỳ. Không chỉ là siêu âm đơn thuần mà sản phụ phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu khi cần thiết, cũng như tư vấn về dinh dưỡng… để có một thai kỳ khỏe mạnh nhất. Nếu phát hiện bị tiền sản giật, Hội chứng Hellp hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì sẽ được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Chia sẻ