Tự ý ngừng uống thuốc, sản phụ đột ngột mất ý thức

Hà Trang,
Chia sẻ

Mới đây, một sản phụ phẫu thuật lấy thai sau 4 ngày tại Bệnh viện Sản Nhi đột ngột mất ý thức, ngừng tuần hoàn do cơn cường giáp cấp đã được cứu sống thành công nhờ hội chẩn và phối hợp cấp cứu liên viện kịp thời với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Chị Phạm Thị T. (37 tuổi) trú tại xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn có tiền sử mắc bệnh Basedow, quá trình mang thai lần 4 bệnh nhân tự bỏ thuốc kháng giáp trong thời gian 5 tháng.

Sản phụ thai 39 tuần đã được phẫu thuật lấy thai tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, sức khoẻ mẹ, con ổn định. Tuy nhiên sau mổ 4 ngày, bệnh nhân diễn biến đột ngột mất ý thức, ngừng tuần hoàn được các bác sĩ cấp cứu tích cực, sau 25 phút có tuần hoàn tái lập.

Kíp cấp cứu của Bệnh viện Sản Nhi nhanh chóng hội chẩn từ xa với các bác sĩ hồi sức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để có phương án xử trí tốt nhất. Đánh giá bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch nên lập tức chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để tiếp tục điều trị.

Tự ý ngừng uống thuốc, sản phụ đột ngột mất ý thức - Ảnh 1.

Chị T. đã hồi phục tốt sau khi được các bác sĩ dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Nhập viện trong trạng thái hôn mê sâu, glasgow 8 điểm, đồng từ hai bên đều 2mm, sốt cao 39 độ C, nhịp tim 150 ck/phút thở máy qua ống nội khí quản. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính xác định nguyên nhân.

Kết quả chụp cắt lớp vi tinh sọ não không tổn thương, không tắc mạch phổi, không nhồi máu cơ tim, điện tâm đồ có loạn nhịp ngoại tâm thu thất. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn, theo dõi rối loạn nhịp tim, cơn cường giáp/thai 39 tuần đã được phẫu thuật lấy thai, suy tim, Basedow.

Trước tình trạng tối khẩn cấp, các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực đã lập tức ứng dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy hồi sức não cho sản phụ phối hợp với các biện pháp hồi sức tích cực khác như: Thở máy, kiểm soát huyết động, sử dụng thuốc chống rối loạn nhịp tim, thuốc kháng giáp trạng theo phác đồ điều trị cơn cường giáp cấp. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được kết thúc liệu trình hạ thân nhiệt chỉ huy, tình trạng sức khoẻ tiến triển tốt.

Đến nay, bệnh nhân đã ổn định, tỉnh táo, ngừng thở máy và rút ống nội khí quản, nói chuyện tiếp xúc bình thường, phục hồi vận động đi lại, ăn uống được và không để lại bất kỳ di chứng nào về thần kinh. “Sợ uống thuốc điều trị cường giáp ảnh hưởng đến con nên tôi mới tự ý bỏ thuốc điều trị Basedow, không ngờ lại gặp phải biến chứng nguy hiểm như vậy. May mắn được các bác sĩ 2 bệnh viện tận tình cứu chữa mà tôi mới có cơ hội để gặp lại con, gặp lại gia đình như vậy. Không biết nói gì ngoài lời cảm ơn các y bác sĩ từ đáy lòng!”, chị T. chia sẻ.

ThS.BS Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực– Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: Sản phụ T. bị ngừng tuần hoàn 25 phút do rối loạn nhịp tim biến chứng của cơn cường giáp cấp, mặc dù đã được cấp cứu ngừng tim thành công, tuy nhiên đã gây tổn thương não và bệnh cảnh hôn mê sau ngừng tuần hoàn.

Ngoài việc hồi sức tích cực thông thường, thì hồi sức nãovới kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ não là điều cực kỳ quan trọng, nhằm hồi phục chức năng của não một cách tốt nhất. Sản phụ đã được sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy để bảo vệ và phục hồi tế bào não, giúp bệnh nhân tỉnh lại không bị các di chứng nặng nề về thần kinh.

Bệnh nhân vừa phẫu thuật nên thể trạng yếu lại bị cơn cường giáp cấp gây ngừng tuần hoàn vô cùng nguy kịch, bởi vậy sản phụ T. phục hồi hoàn toàn trong thời gian ngắn thực sự ngoạn mục”.

Nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa 2 bệnh viện đã giúp sản phụ T. được cấp cứu, chẩn đoán và điều trị kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”. Cùng với đó là việc triển khai ứng dụng hiệu quả các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu tuyến trung ương, tiêu biểu là kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được triển khai thường quy tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã giúp người bệnhhồi phục ngoài mong đợi, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho người bệnh và gia đình.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện hội chẩn trực tuyến và hỗ trợ cấp cứu từ xa thành công cho nhiều trường hợp nguy kịch tại các đơn vị y tế trên địa bàn, qua đó khẳng định sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các đơn vị y tế trong toàn ngành, phát huy hiệu quả năng lực chỉ đạo tuyến, mang lại hy vọng, sự tin tưởng cho người bệnh không may rơi vào tình trạng nguy kịch được hỗ trợ cấp cứu chuyên môn kịp thời từ đội ngũ bác sĩ đầu ngành tuyến cuối của tỉnh, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.

Chia sẻ