Giữa kinh tế khó khăn, đây là 1 cách mà dân văn phòng chỉ tiêu 500 ngàn đồng/tuần, có tháng tiết kiệm được nửa lương

Nguyệt - Design: Ngô Hoàng Sơn,
Chia sẻ

Nhiều người chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt vì suy nghĩ sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn. Kết quả thực tế thì sao?

Giờ đây mọi người đều đã quen với các hình thức thanh toán bằng tiền số chẳng hạn như chuyển khoản, dùng thẻ tín dụng trong các khoản mua sắm và tiêu dùng,... Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người trẻ ưu tiên dùng tiền mặt trong các giao dịch, với mong muốn tiết kiệm hơn và hạn chế mua sắm lãng phí.

Cả tuần chỉ xài 500 ngàn đồng

Nhật Dương (25 tuổi) từng có quãng thời gian không biết kiểm soát chi tiêu. Dẫu có mức lương ổn và sống cùng gia đình, tuy nhiên cô bạn phát hiện bản thân luôn xài quá số tiền kiếm được. Cũng vì thế, Nhật Dương tự dùng cách ghi chép lại các khoản chi tiêu vào app để hạn chế tiêu xài hoang phí.

"Mình đã đọc đi đọc lại lịch sử chi tiêu trên app, từ đó phân tích bản thân đã mua món đồ gì, có cần thiết hay không. Song mình vẫn rơi vào tình cảnh 'chi tiêu vượt quá năng kiếm được'. Sau đó, mình tắt app và phải tìm đến cách khác để quản lý tài chính", cô bạn nói thêm. Sau đó, Nhật Dương nghe theo lời khuyên của bạn, đóng 1 chiếc thẻ tín dụng, hạn chế chuyển khoản bằng tài khoản ngân hàng. Hầu hết mọi giao dịch cô bạn đều dùng tiền mặt.

Nhật Dương chia sẻ: "Mình phát hiện nếu cà thẻ hoặc chuyển khoản thì thanh toán rất dễ dàng. Có lần mình đã chuyển khoản 1/4 tiền lương để mua sắm nhưng sau đó không có cảm giác tiếc tiền. Nhưng cùng với số tiền đó nếu chuyển thành tiền mặt và cất trong ví, mình tiêu tiền với tốc độ chậm hơn, có cân nhắc hơn. Với mình, không sai khi nói nếu dùng tiền ảo thì bản thân chi tiêu thoải mái hơn, vì không cảm nhận được sức nặng của đồng tiền".

Giữa kinh tế khó khăn, đây là 1 cách mà dân văn phòng chỉ tiêu 500 ngàn đồng/tuần, có tháng tiết kiệm được nửa lương- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thông thường vào đầu tuần Nhật Dương thường để từ 500 ngàn - 1 triệu đồng trong ví để mua sắm những mặt hàng sinh hoạt, chẳng hạn như quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Với những khoản chi tiêu trên 3 triệu đồng, cô mới dùng tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng. Cô nàng chia sẻ một tips nhỏ để quản lý tài chính, đó là hàng ngày đổi tiền sang mệnh giá 50-100 ngàn đồng rồi cất trong ví nhằm nhắc nhở: "Hôm nay mình chỉ được tiêu từng này tiền thôi".

"Thành quả của mình là bản thân có thể tiết kiệm đến 1/2 tiền lương. Có những tuần sau khi chuyển sang dùng tiền mặt, mình chỉ tiêu 500 ngàn đồng thôi. Ban đầu việc chuyển sang dùng tiền mặt có thể khiến mình khó khăn, song nếu đã quen dần thì chúng đem lại nhiều lợi ích tài chính lắm", cô bạn bày tỏ.

Tiết kiệm được vài triệu đồng/tháng, còn dư tiền mua vàng

Như Ngọc (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ tổng thu nhập của cô là 15 triệu đồng/tháng. Lúc trước cô chủ yếu không xài tiền mặt mà dùng quẹt thẻ để thanh toán. Thời điểm đó, có những tháng cô không tiết kiệm được đồng nào. Tuy nhiên, giờ đây sau khi có lương, cô đều rút một phần tiền mặt, còn lại bao nhiêu thì mang đi tích luỹ để mua vàng.

" Thời gian đầu chuyển qua xài tiền mặt, mình chỉ tiết kiệm được 1/3 lương thôi. Cụ thể, tháng nào mình cũng đổi 10 triệu tiền mặt, còn lại bao nhiêu thì dành để gửi tiết kiệm hoặc mua vàng. Với 10 triệu này mà mang đi chi tiêu, nếu còn dư thì tốt quá, mà nếu mình lỡ xài hết thì dừng. Sau này, có tháng mình tiết kiệm được nhiều nhất là 2/3 lương cũng bởi cách trên", Như Ngọc tâm sự.

Giữa kinh tế khó khăn, đây là 1 cách mà dân văn phòng chỉ tiêu 500 ngàn đồng/tuần, có tháng tiết kiệm được nửa lương- Ảnh 2.

ẢNh minh hoạ

Theo cô bạn, việc dùng tiền mặt để thanh toán sẽ hạn chế các khoản mua sắm linh tinh mà đôi khi cả chính chủ cũng không nhớ. Bởi lẽ, so với tiền mặt thì việc quẹt thẻ để thanh toán ít mang lại cảm giác "tiếc tiền", tâm lý muốn chi tiêu thoải mái nhiều hơn.

"Với mình, dùng tiền mặt khá tiện lợi, nhanh chóng và an toàn. Khi mua sắm, bạn không cần nhân viên trả tiền thừa hoặc mất công đăng nhập các app. Nếu trong ví có nhiều tiền mà chi tiêu quá nhiều thì chúng sẽ xẹp xuống, bạn sẽ nhận ra ngay và xót tiền, từ đó giảm chi tiêu liền", cô bạn cho biết. 

Cách quản lý tài chính quan trọng không kém

Ở diễn biến khác, dù chủ yếu sử dụng hình thức thanh toán bằng tiền mặt, cả hai bạn trẻ trên đều đồng tình rằng muốn kiểm soát chi tiêu thì quan trọng nhất là cần có kế hoạch tài chính cụ thể.

Như Ngọc cho hay cô vẫn linh hoạt dùng cả hai hình thức chuyển khoản và thanh toán bằng tiền mặt. Cô nàng chia sẻ: "Mình nghĩ muốn quản lý tài chính tốt thì không có công thức đúng nhất cho mọi người. Xung quanh mình khá nhiều người dùng cả 2 tài khoản ngân hàng vẫn có thể chi tiêu tiết kiệm, hoặc chưa bao giờ thấy thâm hụt trong chi tiêu. Bên cạnh đó, nhiều khoản tiêu dùng cũng được áp mã giảm giá nếu bạn quét QR, đặc biệt là mua sắm trong siêu thị.

Còn phía mình, mình phân chia tỷ lệ phân bổ tiền lương là 80% - 20% cho tiền mặt và tiền cất trong tài khoản ngân hàng. Tuỳ vào trường hợp chi tiêu mà bản thân sẽ có sự thay đổi linh hoạt và thuận tiện".

Còn về phía Nhật Dương, cô cho rằng để tiết kiệm thì quan trọng nhất vẫn là kiểm soát tài chính. Bạn nên tìm hiểu nhiều phương pháp quản lý chi tiêu để tìm thấy cách phù hợp với bản thân. "Nếu không biết cách kiểm soát thú vui mua sắm thì nên tham khảo nhiều tips, như mình đã gắn bó với thanh toán tiền mặt gần 1 năm nay và thấy hiệu quả vô cùng", cô bạn bày tỏ.

Chia sẻ