“Giữa hai làn đạn”

,
Chia sẻ

Anh Quang, kỹ sư tin học, nỗi khổ ấy lại “chéo cẳng ngỗng” ở chỗ, anh luôn bị đặt vào giữa “hai làn đạn” mà “xạ thủ” là... mẹ vợ và vợ!

Hồng Thu, vợ Quang, là con một, nên ngay từ khi hai người yêu nhau, mẹ Thu đã giao kèo rõ ràng: Quang phải ở rể. "Chuyện nhỏ, nhà chỉ có hai người đàn bà (mẹ Thu góa chồng từ khi còn trẻ), mình tha hồ được chăm sóc", Quang chậc lưỡi đắc ý khi bạn bè chọc anh phải cân nhắc kỹ, kẻo “Làm thân chó chui gầm chạn, nhục lắm”. Quả thật, Quang được vợ và mẹ vợ xem là “người đàn ông có giá trị nhất nhà”, việc gì họ cũng hỏi anh, chờ anh đưa ra ý kiến mới làm theo. Mẹ vợ anh bảo: “Nhà không có đàn ông cũng như nhà hoang. Từ giờ mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà, mẹ giao con toàn quyền quyết định”.

Nhưng được “tín nhiệm” chưa chắc đã là “phước”, bởi điều nan giải với Quang là vợ anh không hợp tính bà cụ. Thế nên, thỉnh thoảng họ lại cãi cọ, giận hờn và Quang được lôi ra làm “thùng rác” để họ “ném” vào anh bao điều bực tức về nhau. Chưa hết, Quang còn phải đóng vai quan tòa, phân định đúng, sai cho “hai phe đối địch”.

Hai mẹ con Hồng Thu đều giống nhau ở điểm bướng bỉnh và mau nước mắt. Không ai nhường ai, “chiến tuyến” được dựng lên trong tích tắc. Hai "địch thủ” tha hồ “tấn công”, “nã đạn”, khốn khổ cho Quang bị lôi vào giữa, loay hoay “hứng đạn” của cả hai bên.

Chưa kịp biết phe nào chính, phe nào tà, Quang lại hoảng hồn khi bà cụ sụt sịt kể lể chuyện ngày xửa ngày xưa, cha Thu mất, bà một mình vất vả nuôi con, không dám đi bước nữa vì sợ cha dượng không thương con vợ. Đáp trả, Thu òa khóc tức tưởi trách móc mẹ lo buôn bán bỏ con một mình giữa đêm, tới giờ vẫn chưa hết sợ… ma. Ban đầu Quang hoảng, riết rồi anh cũng quen, vừa thương hai mẹ con, vừa thấy buồn cười. Vậy là Quang lên kế họach “áp đảo ngược” cả hai phe.

Lần ấy, Hồng Thu hí hửng khoe vừa mua mảnh vải áo dài “cực đẹp, để tặng mẹ nhỏ bạn thân nhân dịp lễ thượng thọ của bà”, thì gặp ngay cái nguýt dài của bà cụ: “Người ta già cả rồi chứ trẻ trung gì mà tặng vải đính cườm lòe loẹt như cải lương”. Vợ Quang ngúng nguẩy: “Bà ấy hiện đại lắm chứ không phải quê mùa như mẹ đâu. Dáng mập mạp, phúc hậu, vải này lên áo mặc sang như bà hoàng”. Nghe thế, Quang uống vội miếng nước “lấy hơi” vì biết “cuộc chiến” đã được khơi mào.

Quả nhiên, bà cụ tự ái, mắng con gái hỗn hào, dám khinh thường mẹ. Thu bướng bỉnh dắt mẹ tới trước gương: “Mẹ nhìn xem con nói không đúng sao?”… “Đại hồng thủy” chưa kịp bắt đầu, Quang xen vào: “Cả mẹ và em đều nói sai hết. Hỏi xem, nếu em không xinh đẹp, dịu hiền, anh có lấy em không?”. Bà cụ và Thu ớ người, không hiểu Quang định nói gì. Anh “bồi” tiếp: “Em là bản sao của mẹ. Cả mẹ và em đều đẹp, rất đáng yêu, vì thế anh tự hào về cả hai người. Ngày mai, em đưa mẹ đi chọn vải may áo dài nhé. Chọn màu nền nã, giản dị sẽ luôn đẹp em ạ. Mẹ nhớ may cho kịp để tháng sau có áo mới đi chùa đấy”. Rồi anh ôm cả hai người đầy vẻ yêu thương, “chiến cuộc” tàn lúc nào không hay. Cả nhà cười hỉ hả.

Nhưng Quang nghiệm ra một điều, phải có “kế sách” để chiến tranh không có cơ hội xảy ra, “phòng” bao giờ cũng tốt hơn “chống”. Biết hai mẹ con “khắc khẩu”  nhưng lại rất yêu thương nhau, Quang luôn tìm cách để họ gần gũi, gắn bó. Đi làm về, biết mẹ vợ thích ăn tàu hũ, Quang hay ghé mua rồi bảo vợ mời mẹ. Thấy Thu “lớn tướng” rồi nhưng vẫn thèm được mẹ dỗ dành, Quang nhờ mẹ giúp anh chải tóc cho Thu khi cô vừa gội xong mái tóc dài óng ả, thói quen mà Thu rất thích.

 

Quang cũng nhỏ to khuyên vợ chịu khó chiều mẹ: “Người già thích được tâm sự, hồi tưởng chuyện ngày xưa, họ cũng rất sợ bị lãng quên. Mẹ đã chịu nhiều cực nhọc, giờ là lúc phải được an nhàn. Anh biết em rất có hiếu, em cứ nhìn nét mặt mẹ mà xem, bà hoan hỉ vô cùng khi được em quan tâm đấy”. Rồi anh lén vợ nói với mẹ: “Thu thấy vậy mà còn khờ lắm mẹ nhỉ. Cô ấy không biết là mẹ lo lắng cho con gái thế nào. Nhưng mẹ biết không, Thu hay dặn con phải luôn quan tâm đến mẹ đấy. Hôm trước Thu mua dầu cá Omega 3, nói là để mẹ uống tăng cường trí nhớ và tốt cho mắt. Trời ơi, con thấy mà ganh tỵ”… 

“Chiến thuật” của Quang ngày càng hiệu quả, dần dà, có chuyện gì hai mẹ con cũng thủ thỉ to nhỏ với nhau. Quang là người được lợi nhiều nhất vì anh không còn bị “tan xác pháo” giữa “hai làn đạn”. Cả hai người đàn bà lại càng thương yêu, nể trọng anh. Giờ đi đâu Quang cũng “hỉnh mũi” khoe với bạn bè: “Làm chó chui gầm chạn như tớ là một hạnh phúc”!
 
Theo PNO
Chia sẻ