Giữ lửa tổ ấm giữa vòng xoáy công việc

Châu Nguyên,
Chia sẻ

Nỗ lực từ hai phía, kết hợp với quản lý thời gian, chia sẻ trách nhiệm chính là chìa khóa để duy trì hạnh phúc gia đình.

Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, nhiều cặp vợ chồng đang phải đối mặt với áp lực công việc ngày càng lớn, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa công việc và đời sống hôn nhân. Thực tế cho thấy nếu không có sự quản lý thời gian hợp lý và chia sẻ trách nhiệm, nhiều gia đình dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, thậm chí đổ vỡ.

Quản lý thời gian hiệu quả

Chị Minh và anh Hoàng (quận Tân Bình, TP HCM) kết hôn được 7 năm, có 2 con nhỏ.

Chị Minh là nhân viên văn phòng, công việc đòi hỏi nhiều thời gian. Không ít hôm, chị phải làm đến tối muộn, trong khi anh Hoàng bận rộn với các dự án cần hoàn thành đúng tiến độ. Thời gian dành cho gia đình trở nên ít ỏi, những bữa cơm chung ngày càng thưa thớt. 

Chị Minh trải lòng: "Có khi cả tuần tôi không nói chuyện được với chồng ngoài vài câu hỏi han ngắn gọn. Hai con thì nhờ ông bà nội cho trông giúp. Cứ như vậy, có lúc tôi cảm nhận giữa chúng tôi chỉ như người trọ chung nhà".

Câu chuyện của chị Minh và anh Hoàng không phải hiếm. Theo một khảo sát gần đây, hơn 60% các cặp vợ chồng trẻ ở thành thị gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình.

Lối ra để khắc phục tình trạng này là học cách quản lý thời gian hiệu quả. Chị Thanh Mai, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, đã tìm ra giải pháp để vừa hoàn thành tốt công việc, vừa giữ lửa gia đình. 

"Hai vợ chồng tôi cùng nhau lập kế hoạch cho từng tuần; cố gắng dành ít nhất một buổi tối trong tuần để cả gia đình cùng ăn cơm hoặc đi chơi. Những lúc rỗi, tôi tranh thủ nấu những món chồng con thích, còn anh thì hỗ trợ việc dọn dẹp nhà cửa" - chị Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, vợ chồng chị Mai còn thỏa thuận "không công việc" sau 21 giờ. "Đó là thời gian dành riêng cho gia đình. Chúng tôi cùng trò chuyện, xem phim hoặc chơi đùa với con. Điều này giúp mọi người gắn kết hơn" - chị Mai nói thêm.

Một trong những nguyên nhân chính gây mâu thuẫn trong hôn nhân là sự bất bình đẳng trong việc chia sẻ trách nhiệm gia đình. Nhiều phụ nữ phải "gánh" toàn bộ công việc nhà, từ chăm sóc con cái đến nấu ăn, giặt giũ trong khi người chồng chỉ tập trung vào sự nghiệp.

Anh Hải (quận Tân Phú, TP HCM), một nhân viên IT, từng rơi vào tình huống này. "Trước đây, tôi cứ nghĩ việc nhà là của vợ. Nhưng khi cô ấy ngày càng mệt mỏi, ít nói chuyện, thậm chí hay cáu gắt, không khí gia đình rất ngột ngạt. May là trong một lần lướt Facebook, đọc tâm sự của một người bạn học vừa ly hôn, tôi bắt đầu quan sát, lắng nghe vợ và nhận ra mình cần thay đổi" - anh Hải nói.

Minh họa AI: Vy Thư

Minh họa AI: Vy Thư

Chia sẻ trách nhiệm

Hiện tại, anh Hải thường xuyên giúp vợ làm việc nhà và đưa đón con đi học. "Việc chia sẻ trách nhiệm khiến tôi cảm thấy mình gần gũi với gia đình, thông cảm và thương vợ hơn. Cũng từ đó, vợ tôi cũng vui vẻ, thỉnh thoảng cuối tuần còn rủ cha con tôi đi xem phim, bày món này món kia để cả nhà cùng vào bếp" - anh Hải hào hứng kể.

Giữ lửa hôn nhân đôi khi còn bằng chính những hành động nhỏ bé, mang đến hạnh phúc bền lâu. Chị Ngọc, giáo viên tiểu học ở Đồng Nai, có chồng làm kinh doanh, luôn bận rộn. Dù vậy, chồng chị luôn cố gắng làm những điều nho nhỏ khiến chị cảm động. 

"Đôi khi chỉ là một tin nhắn chúc buổi sáng tốt lành hay một ly trà sữa gửi đến chỗ làm… Chỉ vậy thôi cũng đủ làm tôi thấy ấm áp, mệt mỏi tan biến" - chị Ngọc "bật mí". 

Không chỉ vậy, vợ chồng chị còn duy trì thói quen hẹn hò mỗi tháng một lần, dù chỉ là đi uống cà phê gần nhà. Những khoảnh khắc ấy giúp họ làm mới mối quan hệ, dù đã nhiều năm bên nhau.

Với vợ chồng anh Huy và chị Linh (quận 3, TP HCM), một gia đình hạnh phúc cần có những mục tiêu chung để cùng nhau hướng tới. Đó có thể là mục tiêu tiết kiệm tiền để mua một căn nhà nhỏ, giúp cả hai có thêm động lực làm việc. Đó có thể là việc cùng thống nhất kế hoạch nuôi dạy con, không áp đặt mà khuyến khích con tự do khám phá và học hỏi. 

Công việc có thể thay đổi nhưng gia đình là nơi duy nhất luôn chờ đợi chúng ta trở về.

Khi nào cần sự giúp đỡ từ bên ngoài?

Trong một số trường hợp, áp lực từ công việc và gia đình có thể trở nên quá lớn, vượt ngoài khả năng tự giải quyết. Lúc này, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, hoặc nếu có điều kiện, tìm người giúp việc là cần thiết.

Chị Thảo (quận 7, TP HCM), một nhà thiết kế nội thất, đã từng phải tìm đến tư vấn tâm lý khi hôn nhân gặp khủng hoảng. Họ không ngừng cãi vã vì những vấn đề nhỏ nhặt, đến mức nghĩ đến ly hôn.

Nhờ lời khuyên của chuyên gia, vợ chồng chị đặt thuê người làm theo giờ. Cảm giác được "cởi trói" khỏi một phần công việc nhà giúp chị đỡ áp lực, không dễ cáu giận như trước, gia đình nhờ đó êm ấm hơn.

Chia sẻ