Giữ hồn trung thu: xem “chiến hạm” tàu thủy

Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Bàn tay tài hoa của anh Nguyễn Mạnh Hùng đã biến những mảnh thiếc, vỏ hộp sữa thành những “chiến hạm” tàu thủy sắt tây hoành tráng.

Cả làng Khương Hạ trước kia đều làm đồ chơi bằng thiếc. Cứ từ tháng 6 trở đi, cả làng lại rộn rã tiếng đục, tiếng hàn, tiếng cắt sắt... như ngày hội. Mỗi nhà một món đồ chơi đặc trưng, nhà làm tàu thủy, nhà làm thỏ đánh trống, nhà làm súng lục đồ chơi. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề làm đồ chơi trong đó có những chiếc tàu thủy sắt tây đang chết dần chết mòn do không cạnh tranh được với những đồ chơi hiện đại.

Món đồ chơi quen thuộc này được làm dựa trên kiến thức vật lý cơ bản: khoang tàu bên dưới chứa những lá đồng mỏng được nối với hai ống đựng nước hai bên thân tàu. Khi bị đốt những lá đồng nóng lên rồi lại xẹp xuống do giãn nở, lúc phồng lên, nước lạnh được hút vào một bên đầu ống, nước vào làm lá đồng mát trở lại và xẹp xuống, nước lại bị đẩy sang bên kia. Cứ thế quá trình bên đẩy bên hút lặp đi lặp lại khiến tàu di chuyển.

Trông món đồ chơi đơn giản vậy, mà làm ra hoàn toàn không hề dễ dàng. Anh Hùng cho biết, từ nồi hơi, những lá đồng, cho đến thân tàu, bình nước, lá cờ… đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, độ chính xác cao. Nếu ráp không đúng, tàu không nổi trên mặt nước, thậm chí nghiêng, lệch. Nồi hơi và lá đồng hàn không chuẩn, tàu không chạy được, không kêu được.

Tàu thủy chạy bằng hơi nước, món đồ chơi yêu thích của nhiều
trẻ em Hà Nội những thế hệ trước.

Ở Khương Hạ giờ chỉ còn gia đình anh Hùng là vẫn cặm cụi với những lò than, dũa để vào dịp Trung thu lại xuất xưởng những con tàu sắt xanh đỏ vàng.

Toàn bộ phần động cơ này được làm từ những vật liệu đơn giản như
 vỏ hộp sữa Ông Thọ, đồng vụn, sơn tổng hợp…

Các khâu để làm ra một chiếc tàu thủy đều làm bằng tay.

Mỗi năm “xưởng” của anh Hùng sản xuất khoảng 1700-1800 chiếc tàu thủy.

Tàu thủy trung bình được bán với giá 200.000 đồng một chiếc.

Chiếc tàu thủy lớn nhất chạy bằng pin dài 1 mét có giá tới 7-8 triệu đồng,
 được anh làm trong bốn tháng.

Chiến hạm này có thể chở cả ăng-ten, rađa, xe tăng, đại bác và những giàn pháo lớn.

Thị trường tiêu thụ chính của anh là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng dùng để
bán đồ lưu niệm cho du khách nước ngoài.

Chính vì làm thủ công ti mỉ, nên nghề này khó bắt chước sản xuất đại trà được.

Người nghệ nhân chia sẻ: “Cha ông truyền lại cho qua mấy đời nay rồi, bỏ nghề thì tiếc,
con cháu thì không ai theo. Giá mà có ai muốn học nghề này…”
Chia sẻ