Giữ hồn Trung thu: Ngộ nghĩnh mặt nạ giấy

Giang Hoàng, nguồn ảnh aFamily.vn,
Chia sẻ

Những chiếc mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở, ông Địa... bằng giấy bồi vẫn tìm được chỗ đứng riêng mỗi dịp Trung thu về.

Càng đến gần Rằm tháng Tám, căn gác nhỏ của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hòa và chị Đặng Hương Lan ở số 73 Hàng Than lại rực rỡ sắc màu của những chiếc mặt nạ giấy. Đây là một trong những gia đình hiếm hoi ở Hà Nội còn theo nghề truyền thống này.

Để làm ra được một chiếc mặt nạ giấy bồi, phải trải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên, bìa các- tông và giấy báo cũ được xé ra từng mẩu nhỏ bằng tay. Bột sắn mua về được quấy thành hồ. Mỗi loại mặt nạ sẽ có một khuôn xi măng. 

Người thợ sẽ phải đặt lớp giấy trắng đầu tiên vào khuôn, phết hồ, rồi lần lượt đặt các lớp giấy bìa nhỏ xếp đều nhau, tránh chỗ dày chỗ mỏng để tạo hình chiếc mặt nạ. Xong công đoạn bồi giấy, chiếc cốt mặt nạ phải được đem phơi ngay để tránh ẩm mốc, mềm sụn.

Trung bình, mỗi chiếc mặt nạ mất khoảng 4 giờ để hoàn thành, không kể thời gian phơi. Chính vì vậy, để sản xuất ra khoảng 3.000 chiếc mặt nạ mỗi mùa Trung thu, phải làm việc liên tục trong gần cả năm trời.

Ở Hà Nội, giờ chỉ còn rất ít gia đình làm nghề mặt nạ giấy.
 
 
Anh Nguyễn Văn Hòa hàng ngày vẫn ngồi miệt mài vẽ mặt nạ trên
căn phòng nhỏ trên tầng thượng.

Chiếc mặt nạ giấy trông đơn giản, nhưng để chúng trở nên bắt mắt và
 có hồn phải có tâm huyết và sự khéo tay.

Chúng được làm từ giấy báo và giấy vở học sinh đã bỏ đi.

Công đoạn vẽ sơn đòi hỏi sự khéo léo vì chỉ cần vẽ sai, chiếc mặt nạ sẽ trở nên nhem nhuốc và không bán được. Mỗi chi tiết một màu khác nhau, lại phải chờ khô sơn mới vẽ tiếp được.

Một chiếc mặt nạ thành phẩm được coi là đảm bảo chất lượng khi đạt độ cứng tốt,
 màu sắc bắt mắt, nhân vật linh hoạt... 

Gia đình anh Hòa sản xuất khoảng 20 chục mẫu mặt nạ khác nhau như Quan Công, Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Bát Giới, các con vật như trâu, hổ, báo...

Chị  Lan cho biết, mỗi chiếc mặt nạ giao buôn với giá 20.000 đồng

Gần 30 năm làm nghề, mặc dù thu nhập chưa đáng kể những hai vợ chồng vẫn làm nó quanh năm, như muốn níu giữ một chút nghề xưa đã “trót” gắn bó.
Chia sẻ